Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ: Điều gì chờ đợi Việt Nam?

Bizlive |

Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bước vào “cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế”, nhiều dự báo cũng cho thấy kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Không còn là những “đòn gió”, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức bước vào “cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế” khi ngày 6/7 vừa qua các mức thuế mới lên đến hàng chục tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ mỗi bên đã chính thức được áp dụng.

Cùng với động thái đánh thuế hàng Trung Quốc, Mỹ cũng tuyên bố áp dụng thuế nhập khẩu 25% với thép và 10% với nhôm đối với một số đồng minh là Canada, Mexico và EU từ ngày 1/6/2018.

Đáp trả, Mexico cũng tuyên bố tăng thuế 25% đối với các sản phẩm bơ, thép và rượu whiskey và 20% đối với thịt lợn, táo và khoai tây nhập khẩu từ Mỹ (trị giá 3 tỷ USD) vào tháng 6/2018.

Canada sẽ áp thuế từ 10-25% đối với 12,8 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 1/7/2018. EU áp thuế 25% đối với 200 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, tổng trị giá lên tới 3,3 tỷ USD vào cuối tháng 6/2018.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng lên 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhiều dự báo cũng cho thấy kinh tế toàn cầu đều bị ảnh hưởng và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, BizLIVE đã có những cuộc trao đổi với các chuyên gia về vấn đề này.

Thương mại thế giới trở nên rất mong manh

(TS. Lê Đănh Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương - CIEM)

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động tiêu cực kinh tế thế giới và trong đó có kinh tế Việt Nam. Trước hết, nó sẽ phá vỡ những quy tắc đã được tôn trọng từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), quy tắc gì được thiết lập và sẽ như thế nào thì môi trường thương mại thế giới cũng trở nên rất mong manh và không được vững vàng như trước kia.

WTO dự báo chiến tranh thương mại diễn ra rầm rộ sẽ làm giảm thương mại thế giới từ 40-60%, đây là tỷ lệ hết sức cao và đáng lo ngại. Với việc hàng hoá Trung Quốc gặp khó khăn trong tiêu thụ ở Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ tìm kiếm thị trường mới và thị trường ngay gần cạnh Trung Quốc là Việt Nam.

Khả năng hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam và hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn, kiểm soát chặt chẽ hơn mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, tránh việc hàng Trung Quốc sẽ đẩy hàng Việt Nam ra khỏi chính thị trường Việt Nam.

Đây là điều làm cho Việt Nam phải nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ hơn, đồng thời các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh đảm bảo sự cạnh tranh với hàng hoá Trung Quốc.

Việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường này, không ngoại trừ khả năng hàng Trung Quốc sẽ “đội lốt” hàng Việt và thực tế thực trạng này cũng đã diễn ra khá nhiều trong thời gian vừa qua đối với mặt hàng thép nên cần chứng minh nguồn gốc hàng hoá Việt Nam.

Nếu thời gian tới đây nhiều vụ việc điều tra chống bán phá giá do nghi ngờ là hàng Trung Quốc đội lốt diễn ra sẽ rất tai hại đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Liên quan đến dòng vốn đầu tư, với việc thương mại khó khăn các nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng vì họ đầu tư sẽ quan tâm bán đi đâu, bán với giá nào, do đó dòng vốn đầu tư toàn cầu, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nội lực của doanh nghiệp Việt Nam, dựa ít hơn vào các nhà đầu tư nước ngoài để tăng trưởng. Trong cái rủi ro cũng có cơ hội, nếu biết phát huy cơ hội thì tình hình sẽ không chỉ hoàn toàn xấu.

Tranh thủ thời khi cơ thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng

(TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới. Sự tác động sẽ lớn dần vào các năm 2019, 2020 và đỉnh điểm là năm 2021-2023. Việt Nam có thể chịu tác động 2 chiều trước diễn biến này.

Cụ thể, tác động tích cực với Việt Nam là cơ hội thị trường Mỹ nếu hàng xuất khẩu Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên, tác động này không lớn do các sản phẩm Trung Quốc bị hạn chế xuất sang Mỹ lại không phải sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Tương tự, cơ hội với thị trường Trung Quốc của chúng ta cũng không nhiều.

Về tác động tiêu cực, tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu bị giảm đi sẽ kéo theo nhu cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm. Nhất là khi chỉ ngoại trừ EU, còn lại, tất cả các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng tiêu cực.

Dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 0,3 điểm % vào năm 2019 và thậm chí còn giảm mạnh hơn trong năm đỉnh điểm là 2021-2023. Tốc độ tăng nhập khẩu sẽ giảm khoảng 0,6 điểm %, phản ánh sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt khu vực FDI.

Bên cạnh đó, tác động tích cực cũng có thể sẽ đến từ dòng vốn FDI tăng thêm, trong điều kiện các nước sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, tính toán cho thấy, tác động này không đáng kể, thậm chí FDI vào Việt Nam còn có xu hướng giảm xuống.

Giải pháp trước mắt cần cập nhật danh mục hàng hoá bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tỷ giá của đồng USD và Nhân dân tệ để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời và có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu thêm sang Mỹ những mặt hàng trước đây Việt Nam không cạnh tranh được với Trung Quốc.

Đồng thời, tiếp cận nhanh với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, tranh thủ thời cơ thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng để xúc tiến đầu tư vào Việt Nam cũng là việc cần làm. Ngoài ra, nghiên cứu kỹ các hàng hoá của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam để đề phòng trường hợp do xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế, nước này sẽ chuyển hàng sang Việt Nam.

Nhân cơ hội này đón lấy thị trường ngách của Mỹ

(TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế)

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhìn có vẻ như Mỹ muốn tránh nhập siêu nhưng nền tảng sâu xa, nó sẽ giải quyết nhiều vấn đề.

Thứ nhất, giảm hàng hoá Trung Quốc là giảm ô nhiễm môi trường. Việc Tổng thống Donald Trump không tham gia Hiệp định biến đổi khí hậu toàn cầu với ngụ ý rằng không cần phải chi tiền hỗ trợ những nước có nền sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tự họ phải thay đổi sản xuất…

Trung Quốc là công xưởng của thế giới có hàng hoá giá rẻ tràn ngập các quốc gia do giữ đồng CNY ở mức thấp. Điều này Mỹ đã đáp trả bằng biện pháp tăng thu thuế nhập khẩu từ hàng hoá Trung Quốc, cân bằng thương mại.

Nếu Trung Quốc muốn bán hàng thì phải dùng biện pháp mới, không phải là giữ giá đồng CNY thấp… cũng như thay đổi lại cấu trúc sản xuất kinh doanh của Trung Quốc đang gây nhiều ô nhiễm môi trường bằng sản xuất xanh.

Thứ hai, biến sự nhập khẩu hàng hoá giá rẻ từ Trung Quốc bằng hàng hoá đa dạng từ các nước khác theo hướng công nghệ mới. Mỹ đang thay đổi cách thức về phát triển kinh tế thế giới, đó là sản xuất không gây ô nhiễm môi trường.

Lùi về thời Tổng thống Obama đã không kiên quyết trong vấn đề thương mại khiến Trung Quốc giữ giá đồng CNY thấp để hỗ trợ xuất khẩu, nên chỉ cần Trung Quốc phá giá đồng CNY thì cả thế giới chao đảo. Hay câu chuyện các tổ chức kinh tế thế giới mỗi năm dự đoán tăng trưởng toàn cầu đều chú trọng phân tích sự tăng trưởng GDP của Trung Quốc trước.

Nay Mỹ không sợ chuyện Trung Quốc phá giá nội tệ, sẵn sàng để GDP của Trung Quốc giảm để có sự tăng trưởng GDP của các nước khác.

Tóm lại, Donald Trump đang không chỉ giải quyết bài toán cán cân xuất siêu của Mỹ - Trung Quốc mà nó đang thay đổi lại cấu trúc kinh tế thế giới và giải quyết luôn vấn đề ô nhiễm môi trường. Vấn đề còn lại là Trung Quốc phải hợp tác hay không.

Kết quả của câu chuyện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, kinh tế thế giới có thể có một thời gian không tăng trưởng nhưng cấu trúc sản xuất sẽ thay đổi, nó gắn với công nghiệp 4.0.

Nền sản xuất giá rẻ, quy mô lớn, ô nhiễm môi trường được thay thế bằng phương thức sản xuất hiện đại hơn. Mỹ và Châu Âu có thể bù đắp sự thiếu hụt của hàng hoá Trung Quốc bằng hàng hoá và dịch vụ thời công nghiệp 4.0.

Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam sẽ không nhiều. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không giảm được, chúng ta phải nhân cơ hội này đón lấy thị trường ngách của Mỹ trong khả năng của mình.

Chẳng hạn, hàng may mặc của Việt Nam có thể gia tăng chất lượng, cải tiến mẫu mã… xâm nhập mạnh hơn nữa và thay thế hàng may mặc Trung Quốc.

Không nên đổ thừa kinh tế thế giới suy giảm thì kinh tế Việt Nam cũng suy giảm theo trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lần này.

Mà đây là cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Vấn đề của Việt Nam là có đủ sức để thay đổi cấu trúc sản xuất để có những ngành công nghiệp mạnh, hàng hoá tốt đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến hay không…

Ảnh hưởng tiêu cực có nhưng tích cực nhiều hơn!?

(PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá - Bộ Tài chính)

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra những tác động trước mắt đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ là dòng vốn đầu tư, thương mại, xuất nhập khẩu.

Độ mở của nền kinh tế chúng ta tương đối lớn đặc biệt 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu lớn, trước tình hình đó cần xem xét mặt hàng nào nhập khẩu từ nước đó lớn, tác động đóng thuế lớn, ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, giá đầu vào tăng khiến lạm phát tăng.

Thứ 2, bên cạnh đó mình cần nhân cơ hội, bên cạnh thách thức, khó khăn còn có cơ hội. Cơ hội tốt nhất đối với Việt Nam là khi Mỹ - Trung Quốc chiến tranh thương mại, Trung Quốc hay Mỹ có thể bắt đầu đầu tư vào mình để tránh việc đánh thuế cao, lợi cho Việt Nam và cơ hội tranh thủ thu hút đầu tư.

Liên quan đến sức ép tỷ giá, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian vừa rồi đã tăng lãi suất, tỷ giá cao, nhà nước với lượng dự trữ trên 63,3 tỷ USD vẫn kìm nén một mức độ nào đó, nhưng nếu phải kìm nén quá sẽ không tốt.

Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ Trung cũng có những mặt lợi cho kinh tế Việt Nam như dòng đầu tư có thể tăng lên để tránh việc đánh thuế cao của 2 nước trừng phạt nhau.

Kiểm soát hàng Trung Quốc vào Việt Nam xuất sang Mỹ

(Bà Phạm Quỳnh Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê)

Theo thống kê đến 6 tháng đầu năm tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng thị trường Mỹ 6 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng tương đối ổn định so với cùng kỳ năm 2017, thặng dư với Mỹ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Với con số đến thời điểm này tình hình thương mại Mỹ Trung chưa ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam.

Nếu như tình hình thương mại Mỹ-Trung căng thẳng hơn có thể ảnh hưởng cả cơ hội và thách thức, hàng xuất khẩu có thể có lợi thế cạnh tranh khi vào Mỹ, bản thân doanh nghiệp phải tự tìm hiểu và để đi vào thị trường Mỹ nhiều hơn.

Hiện từ thị trường Mỹ chúng ta nhập khẩu không nhiều nên nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra cũng có cơ hội nhưng thách thức, chúng ta phải kiểm soát hàng Trung Quốc vào Việt Nam xuất sang Mỹ làm bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại