Chiến tranh Mỹ - Iran nếu xảy ra sẽ là đại họa của lịch sử nhân loại

Song Hy |

Một cuộc chiến của Mỹ ở Iran có thể châm ngòi cho thùng thuốc súng đang chực chờ nổ tung ở Trung Đông, đúng như những gì mà Al Qaeda hay IS mong muốn.

16 năm về trước, chính quyền George W. Bush sa lầy trong cuộc chiến tại Iraq. Hàng nghìn binh sỹ Mỹ, hàng trăm nghìn người Iraq phải bỏ mạng, hàng triệu người ở quốc gia Trung Đông phải di dời.

Cuộc chiến được coi là một trong những thảm họa lớn nhất về chiến lược của Mỹ châm ngòi cho các xung đột giáo phái, là cơ sở để Al Qaeda vươn chân rết sang Iraq để rồi đặt nền móng cho sự ra đời của tổ chức khủng bố khét tiếng IS.

Bây giờ, chính quyền Trump dường như đang đi theo con đường đó. Nhà lãnh đạo Mỹ duy trì quan điểm cứng rắn với Iran, xé bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran, bóp nghẹt kinh tế quốc gia Hồi giáo bằng liên tiếp các đòn trừng phạt bổ sung, tuyên bố chiến tranh kinh tế với bất cứ ai có ý định giao dịch với quốc gia này.

Theo cây viết Doug Bandow của chuyên san National Interest, Tổng thống Trump và các cộng sự của mình đang đẩy Mỹ tới bờ vực chiến tranh ngay cả khi ông khăng khăng mình là một người yêu hòa bình.

Chiến tranh Mỹ - Iran nếu xảy ra sẽ là đại họa của lịch sử nhân loại - Ảnh 1.

Tổng thống Trump ký vào sắc lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Mỹ đổ lỗi cho Iran vì không chấp nhận lời đề nghị được cho là hào phóng của họ. Nhìn vào thực tế thì đó có vẻ là một bức tranh cộc kệch.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây đề xuất các cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết ngoài việc Iran phải hành xử như một quốc gia bình thường và bằng lòng với một số yêu cầu Washington đưa ra.

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton sau đó nói rằng Tổng thống Trump đã sẵn sàng cho các cuộc đối thoại trong tương lai nhưng chỉ sau khi Iran từ bỏ hạt nhân và một số hoạt động không thể chấp nhận khác của họ.

Nói cách khác, Iran cần đầu hàng trước. Mỹ sẽ không đàm phán khi những điều kiện đó không được đáp ứng. Iran hỏi ngược lại rằng Mỹ tại sao không làm điều đó trước.

Năm 1953, Mỹ ủng hộ một cuộc đảo chính chống lại Thủ tướng Iran được chọn một cách dân chủ. Washington sau đó hỗ trợ vua Shah, một trong những ông vua độc đoán nhất của thế kỷ XX của Iran tới khi chế độ của ông này bị lật đổ năm 1979.

Cùng năm này, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran sau vụ nhóm sinh viên Iran đột kích và bắt cóc 63 nhà ngoại giao Mỹ làm con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran. Kể từ đó, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng xấu đi, Mỹ bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt lên quốc gia Trung Đông và liên tiếp gia tăng trong nhiều thập kỷ sau đó.

Căng thẳng giữa 2 quốc gia tiếp tục âm ỉ trong nhiều năm và thỉnh thoảng lại trỗi dậy sau các sự kiện Mỹ bắn nhầm máy bay Iran trên Vùng Vịnh, khiến toàn bộ 290 người trên máy bay thiệt mạng năm 1988 hay cuộc hải chiến "kinh thiên, động địa" trên Vịnh Ba Tư khiến 56 binh sỹ Iran thiệt mạng cùng năm. Liên tiếp những năm sau đó, 2 bên liên tục đưa ra lời đe dọa san phẳng đối phương.

Không chỉ có vậy, Washington còn xây dựng mối quan hệ đối tác quân sự với "kẻ thù" sát sườn của Iran là Ả-rập xê-út.

Năm 2015, mọi thứ có vẻ trở nên dễ thở hơn khi Mỹ, Iran cùng các nước ngồi xuống ký vào thỏa thuận hạt nhân Iran, kết quả của một quá trình nỗ lực không ngừng của chính quyền Obama.

Nhưng khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, ông đạp đổ thành tựu này của người tiền nhiệm. Không lâu sau đó, ông liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vào danh sách khủng bố rồi vài tháng sau lại đưa ra tuyên bố muốn đàm phán.

Trump nói ông muốn tìm kiếm sự thay đổi chế độ ở Iran, một chế độ không có vũ khí hạt nhân. Đó là những gì thỏa thuận hạt nhân Iran đề cập nhưng nhà lãnh đạo Mỹ đã rút khỏi nó và chính sách của ông giờ đây đang thúc đẩy Tehran mở rộng chương trình hạt nhân của mình.

Theo ông Bandow, Iran hiện nay dường như đang lặp lại chính sách của họ vào những năm 2000. Sau khi chính quyền Bush từ chối đàm phán, Tehran mở rộng kho dự trữ uranium của mình. Chỉ cho tới khi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết, hoạt động này mới dừng lại, đặt nền móng cho các cuộc đàm phán trở lại giữa 2 bên.

Các thông báo gần đây từ Tehran nêu rõ họ đang dần ngừng tuân thủ thỏa thuận ký kết năm 2015, tương tự như kịch bản hơn 1 chục năm trước đó.

Mỹ cũng xuôi theo kịch bản này, tiếp tục đưa ra hàng loạt cáo buộc rằng Iran muốn leo thang căng thẳng mà chính Washington là người khơi mào.

Ông Bandow cho rằng, các vụ tấn công tàu dầu ở Vùng Vịnh mới đây cũng như các tuyên bố về mối quan hệ giữa Iran với các tổ chức khủng bố chỉ là một cái cớ của Mỹ nếu như nhìn vào cách Washington phớt lờ vai trò của Ả-rập Xê-út và UEA trong cuộc nội chiến ở Yemen. Vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ lại cộng thêm một ý nhỏ cho cái cớ đó.

Nhưng Iran khác Iraq, dân số của họ lớn gấp 3 lần người hàng xóm và quân đội Iran đang sở hữu những vũ khi rất đáng gờm. Một khi Mỹ tấn công, các lực lượng của Mỹ ở Syria và Iraq sẽ rất dễ bị tổn thương, sự ổn định của Baghdad cũng có thể sẽ gặp nguy hiểm.

Chiến tranh Mỹ - Iran nếu xảy ra sẽ là đại họa của lịch sử nhân loại - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo của Iran được đánh giá là vũ khí nguy hiểm nhất nếu xảy ra chiến tranh với Mỹ. (Ảnh: Far News)

David Frum, người trước đây viết diễn văn kinh tế cho Tổng thống Mỹ George W. Bush cảnh báo rằng cuộc chiến tranh với Iran sẽ lặp lại những sai lầm ngớ ngẩn của Mỹ tại Iraq bởi đây là cuộc mua bán ngã giá cao hơn, không có đồng minh và không có kế hoạch cho những gì sắp diễn ra tiếp theo.

Iran dù nhiều lần dọa đáp trả nhưng cũng không hề muốn thổi bùng lên một cuộc chiến. Tuy nhiên, chiến sách kinh tế và quân sự của Washington dường như đang đẩy Tehran tới bước đường cùng, đặc biệt các lệnh trừng phạt bóp nghẹt kinh tế của quốc gia này và liên tiếp các đợt điều động quân, khí tài của Mỹ tới Trung Đông.

Iran có thể sẽ trở nên hung hăng hơn, khiến cho Trung Đông vốn là thùng thuốc súng chỉ chực chờ nổ tung có thể nổ bất cứ lúc nào.

Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Israel, IS và Al Qaeda tin rằng họ sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến của Mỹ ở Tehran và có thể sẽ tìm cách thúc đẩy quá trình đó. Thật vậy, một tờ báo thuộc hoàng gia Ả-rập Xê-út mới đây kêu gọi Mỹ tấn công Iran. \

Với Al Qaeda, một trong những lý do khiến tổ chức này thực hiện vụ tấn công 11/9 là để kích hoạt phản ứng của quân đội Mỹ chống lại một quốc gia Hồi giáo. Một cuộc xung đột Mỹ-Iran như họ kỳ vọng sẽ đẻ ra vô số các cuộc xung đột khác của Trung Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại