Chiếc ghế Tổng Thư ký LHQ: Cựu Thủ tướng Bồ dẫn đầu 2 vòng bỏ phiếu

Phạm Hà |

Dù không được đánh giá cao trước đây, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Guterres đang dẫn đầu cả 2 vòng bỏ phiếu trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thư ký LHQ.

Hôm qua (5/8), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) bỏ phiếu kín lần hai lấy tín nhiệm đối với 11 trên tổng số 12 ứng cử viên cho vị trí Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhiệm kì tới.

Là một ứng cử viên không được đánh giá cao trước thềm các cuộc bỏ phiếu nhưng cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres đang dẫn đầu cả hai vòng bỏ phiếu.

Theo kết quả bỏ phiếu vòng 2, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Guterres tiếp tục dẫn đầu cuộc đua với 11 phiếu tín nhiệm, 2 phiếu không tín nhiệm và 2 không có ý kiến.

Về vị trí thứ hai và cùng được 8 phiếu tín nhiệm là cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic và cựu Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra.

Yếu tố bình đẳng giới cũng được đánh giá cao trong cuộc đua lần này khi có nhiều ý kiến ủng hộ Liên Hợp Quốc sẽ có một nữ Tổng Thư ký đầu tiên.

Tuy nhiên ứng viên nữ tiềm năng là bà Helen Clark- Tổng Giám đốc UNDP không nhận được kết quả tốt trong lần bỏ phiếu thứ hai. Bà chỉ được 6 phiếu tín nhiệm, giảm 2 phiếu. Số phiếu không tín nhiệm tăng từ 5 lên 8 phiếu.

Việc Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu tín nhiệm được cho là để các ứng viên thấy được mức độ tín nhiệm của mình, và có thể tự rút lui nếu như cảm thấy không nhận được nhiều sự ủng hộ.

Cựu Ngoại trưởng Croatia Vesna Pusic hôm qua (5/8) đã tuyên bố rút khỏi cuộc chạy đua sau khi chỉ nhận được 2 phiếu tín nhiệm, nhưng có tới 11 phiếu bất tín nhiệm trong lần bỏ phiếu thứ nhất.

Ông Guterres, 67 tuổi, từng là Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 tới năm 2002, và sau đó trở thành Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn.

Dưới sự lãnh đạo của ông Guterres, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc đã ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng tị nạn và di dân lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Trong các phiên chất vấn, ông Guterres cũng khẳng định, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là người phải biết gắn kết các nước thành viên đang có nhiều chia rẽ:

“Hiện có giải thích khác nhau giữa các nước thành viên về một số vấn đề. Một số nước phải xem xét các biện pháp phòng ngừa và phản ứng trong khi các nước khác cho rằng điều này có nguy cơ can thiệp vào chủ quyền của một quốc gia.

Chính vì vậy tôi tin rằng, là một Tổng thư ký Liên Hợp Quốc có trách nhiệm và hành động là một cầu nối để xây dựng sự đồng thuận, giúp các nước hợp tác chặt chẽ hơn”.

Mặc dù dẫn đầu 2 vòng bỏ phiếu kín nhưng điều này cũng chưa đảm bảo được vị trí của ông Guterres trong cuộc đua vào vị trí thay thế Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, dự kiến hết nhiệm kỳ vào cuối năm nay.

Điều bất lợi cho ông Guterres là tại cuộc bỏ phiếu đầu tiên, ông không nhận được lá phiếu bất tín nhiệm nào nhưng trong đợt bỏ phiếu thứ 2, ông có tới 2 lá phiếu không tín nhiệm.

Do quyết định cuối cùng vẫn thuộc về 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên câu hỏi hiện nay là trong 2 lá phiếu không tín nhiệm mà ông nhận trong vòng bỏ phiếu thứ 2 có thuộc 5 nước thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hay không.

“Chính trị hóa”

Thực tế cũng đã chứng minh quyết định lựa chọn vị trí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thường bị chính trị hóa và chi phối bởi các mối quan hệ song phương cũng như chương trình nghị sự riêng của 5 nước thành viên.

Hai nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc là Nga và Mỹ không có sự đồng thuận trong việc lựa chọn ứng cử viên.

Theo tờ Độc lập của nước Anh, cựu Ngoại trưởng Argentina, bà Susana Malcorra đang nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong khi Nga bày tỏ mong muốn có một ứng cử viên Đông Âu và là nữ giới, khiến nhiều người cho rằng đó là bà Bokova – Tổng Giám đốc UNESCO.

Sự bất đồng giữa hai cường quốc này đang đặt câu hỏi về khả năng đồng thuận của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc có thể nhất trí được một ứng cử viên duy nhất vào cuối tháng 10 tới hay không.

Tuy nhiên một điểm mới trong cuộc bầu chọn năm nay đó là để đảm bảo các quyết định không bị chính trị hóa, lần đầu tiên trong lịch sử hơn 70 năm thành lập của Liên Hợp Quốc, các ứng cử viên cho vị trí Tổng Thư ký cần phải chứng tỏ năng lực bản thân qua các phiên chất vấn công khai được mô tả là cuộc “phỏng vấn xin việc” trực tiếp trước toàn thế giới.

Chính sự minh bạch này sẽ gây áp lực buộc Hội đồng Bảo an phải lựa chọn một gương mặt xứng đáng và có sức thuyết phục, nhất là trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đang ngày càng phải đối phó với rất nhiều thách thức mới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại