Chỉ trích chàng du khách Anh liều lĩnh: Sự xấu xí của "bàn phím"!

Ngân Hà |

Những tranh luận trái chiều về chàng du khách người Anh xấu số tử nạn trong hành trình chinh phục đỉnh núi Fansipan dường như chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Ngày 3/6, anh Aiden Shaw Webb (SN 1993) du khách người Anh quyết định một mình đi leo núi từ hướng thôn Sín Chải, leo dọc theo tuyến cáp treo lên đỉnh Fansipan, vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn.

Một ngày sau, Aiden được xác định đã mất tích. Cư dân mạng Việt ngay sau đó liên tục chia sẻ thông tin của Aiden với hi vọng nhanh chóng tìm thấy chàng trai xấu số. 

Tuy nhiên, điều tồi tệ không ai mong muốn đã đến, 6 ngày sau, sáng 9/6, lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã tìm thấy thi thể của du khách Aiden Webb ở Fansipan.

Những bình luận vô cảm đối với nạn nhân

Được biết, sau khi gặp chấn thương, Aiden đã gửi tin nhắn thông báo vị trí của mình để bạn gái tìm kiếm sự giúp đỡ. 

Trong thời gian chờ đợi đội cứu hộ, do không có đủ điều kiện về thức ăn, áo quần, chăn…lại phải chống chọi giữa thời tiết mưa lạnh khắc nghiệt giữa rừng núi cùng với chấn thương khá nặng, khiến Aiden không thể cầm cự đến khi được ứng cứu. 

Chính điều này đã trở thành đề tài làm bùng lên luồng ý kiến chỉ trích nặng nề mà cư dân mạng hướng đến nạn nhân.

Một số bạn trẻ cho rằng Aiden là người thiếu kỹ năng, không ý thức được phải chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết như thức ăn, chăn màn, thiết bị định vị…cho chuyến chinh phục...

Để bảo vệ quan điểm của mình, các bạn trẻ cho rằng yêu tự do, thích khám phá, chinh phục là tốt, nhưng đừng vì sống với đam mê mà bỏ quên gia đình, coi thường tính mạng.

Tranh cãi đẩy lên đỉnh điểm khi nhiều bạn trẻ còn "vô tư" vào trang cá nhân của bà Lisa Shaw Webb – cô của Aiden để đăng các đường link chia sẻ việc tìm thấy thi thể nạn nhân, tiếp tục khơi mào cho những cuộc tranh luận, mạt sát nhau khiến bà Lisa sau đó đã xóa hẳn các bài viết liên quan đến cuộc tìm kiếm. 

Liệu chúng ta có đang quá nhẫn tâm trước sự ra đi của một chàng trai trẻ khi chỉ ngồi gõ phím tranh cãi, chỉ trích mà chưa một lần thử thoát ra khỏi lối sống cũ kĩ, nhút nhát để thực sự trải nghiệm và thấu hiểu?

Chỉ trích chàng du khách Anh liều lĩnh: Sự xấu xí của bàn phím! - Ảnh 1.

Hình ảnh chàng du khách người Anh trong chuyến đi của mình khiến người ta tiếc nuối.

Nếu không làm được như Aiden, hãy trân trọng những con người như thế!

Trước những luồng tranh luận trái chiều, những lời chỉ trích nặng nề đối với chàng trai trẻ người Anh, nhà báo Trương Anh Ngọc đã đăng tải những dòng chia sẻ của mình trên trang cá nhân.

Anh cho rằng việc chỉ trích 1 người trên mạng xã hội hẳn là điều dễ dàng nhất, chỉ cần ngồi ở nhà và gõ phím, nhấn enter...Điều khó là phải bước ra khỏi lối sống cũ kĩ và buồn tẻ, nhút nhát, yếu đuối về thể xác lẫn tâm hồn...

"Chỉ trích một người trẻ thiệt mạng vì tai nạn dưới vực sâu thì rất dễ, chỉ cần gõ phím là xong.

Nhưng chính mình bước ra khỏi lối sống cũ kĩ và buồn tẻ, nhút nhát, yếu đuối về thể xác lẫn tâm hồn, vượt qua những suy nghĩ mang tính giáo điều về cái Tôi để theo đuổi những hoài bão và đam mê mới là điều không dễ làm cũng ở cái tuổi như vậy ở mình. 

Điều ấy đòi hỏi một sự tự lập cực lớn về tinh thần (và có thể cả tài chính), một vốn sống và kĩ năng sống dồi dào, sự dũng cảm và đôi khi cả sự chấp nhận mạo hiểm nữa.

Ở bên này, mình đã gặp rất nhiều người như cậu thanh niên thiệt mạng ở Sapa. Họ còn rất trẻ, họ thích mạo hiểm, họ lao mình trên những con đường ở khắp nơi trên thế giới, nhưng không phải để trở thành những người hùng viển vông kiếm tìm hư danh, mà họ muốn thử thách những giới hạn của bản thân mình. 

Kiến thức và vốn sống khiến họ tự tin. Tai nạn và rủi ro là điều không ai muốn, nhưng điều đó không hề ngăn cản họ lên đường sau những thử thách đã bị chinh phục để hướng tới những thách thức mới. 

Điều đó gợi lên một suy nghĩ rằng, liệu ta có đủ can đảm để vượt qua sức ỳ của bản thân, thoát ra khỏi tháp ngà an toàn của chính mình và tìm kiếm một con đường mới, cách sống mới, suy nghĩ mới hay không?

Mình vô cùng phục những người đã ngã xuống như cậu thanh niên người Anh kia. Ở tuổi của cậu, mình còn rất nhút nhát, lối mòn và không có một thể lực tốt như thế, do lười luyện tập thể thao. 

Và rồi mình nghiệm ra trên đường đời rằng, sống tròn trịa và an toàn chẳng khó, sống để vừa lòng người khác để mình yên ổn cũng dễ, nhưng sống là mình, vượt qua các định kiến của xã hội, theo đuổi những ước mơ và hoài bão của mình đến cùng, như một cách để thể hiện bản thân có khả năng thực sự bằng năng lực, bằng đam mê mới khó. Nhưng đã sống được như thế rồi, mới cảm thấy mình là người hạnh phúc.

Cậu thanh niên ấy đã là một người như thế. Mình cũng muốn sống như thế...", nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ trên trang cá nhân.

Bên cạnh đó, anh Trịnh Ngọc Sáng, một lập trình viên đến từ Hà Nội, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc leo núi, phượt...đã có những chia sẻ nhằm bênh vực Aiden Webb. Hiện bài viết đang nhận được rất nhiều sự quan tâm.

"Mình cũng từng ngủ nhiều đêm trong rừng sâu, chơi qua môn leo vách, và khám phá nhiều hang động sâu dưới lòng đất nên mình biết sự tương đồng và nguy hiểm của thú chơi Trekking/Climb này, hơn ai hết mình hiểu rằng việc dính chấn thương và phải sinh tồn qua đêm lạnh nhiều ngày trong dãy Hoàng Liên là rất rất mong manh... 

Cuộc đời mỗi người ai cũng đều có những sự lựa chọn riêng của mình. Cậu ấy đã được sống trọn vẹn những ngày tháng cuối cùng với niềm đam mê đã chọn của cậu ấy, tuy cuộc đời của cậu có ngắn ngủi, nhưng đáng sống. 

Nên nhớ cậu ấy không hề lựa chọn tuyến Treking thông thường theo đường mòn có sẵn từ bao năm nay mà chọn Free Soloing xuyên rừng, đi theo dọc tuyến cáp treo trên đầu để đến đích rồi trở về bằng cáp treo trong ngày

Sự cố ngã và gây chấn thương nghiêm trọng cũng là do thiếu may mắn, sự chủ quan và không lường hết được nguy hiểm của dãy Hoàng Liên trong mùa này

Những người chơi môn thể thao mạo hiểm này họ không mang theo balo/đồ đạc là chuyện rất bình thường, nên những ai mở miệng ra nói Aiden không chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi, thiếu kỹ năng leo núi thì nên yên lặng, gõ bàn phím ít đi và tìm hiểu về Free Soloing là như thế nào...

Đừng nghĩ rằng mình giỏi và biết mọi thứ trên đời. Hãy biết tôn trọng sự khác biệt – Không ai có quyền phán xét nếu chưa phải sống cuộc đời của nguời khác..."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại