Chỉ cần nói đúng 3 từ, đàn ông Hồi giáo ở Ấn Độ có thể ly hôn vợ ngay tức khắc

Tuyết Nhung |

Một người đàn ông Hồi giáo ở Ấn Độ chỉ cần đọc to từ “talaq” ba lần là đã có thể rũ bỏ người vợ gắn bó với mình bấy lâu.

Talaq – cơn ác mộng của những người phụ nữ Hồi giáo

Theo Kinh Koran, một người đàn ông khi muốn ly hôn với vợ mình chỉ cần thốt lên ba lần "talaq, talaq, talaq" (trong tiếng Ả Rập nghĩa là ly hôn).

Sau đó anh ta sẽ có 3 tháng để suy nghĩ về quyết định của mình. Sau 3 tháng, nếu không thay đổi ý kiến, việc ly hôn giữa hai vợ chồng chính thức có hiệu lực.

Qua thời gian, cách thức thực hiện của kiểu thực hành tín ngưỡng này cũng dần bị biến đổi. Ngày nay một số người đàn ông thậm chí còn không thèm nhìn mặt vợ mình mà chỉ thản nhiên nhắn tin hay gọi điện với nội dung là 3 từ talaq để ly hôn với vợ.

Chỉ cần nói đúng 3 từ, đàn ông Hồi giáo ở Ấn Độ có thể ly hôn vợ ngay tức khắc - Ảnh 1.

Farha (góc phải) đã ly hôn hồi năm ngoái sau khi chồng cô lặp lại 3 lần "talaq, talaq, talaq".

Và trong thực tế, quyết định ly hôn được những người đàn ông thực hiện ngay sau khi họ thốt ra 3 từ talaq, thay vì phải chờ đến 3 tháng như Kinh Koran đã viết.

Hầu hết các quốc gia có dân số đa phần là người theo đạo Hồi đều tồn tại hình thức tín ngưỡng này. Nhưng do có nhiều tác động bất lợi với phụ nữ nên nhiều quốc gia Hồi giáo như Pakistan hay Indonesia đã ban bố lệnh cấm talaq từ nhiều năm về trước.

Riêng Ấn Độ - quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn thứ 2 trên thế giới lại là một trong những nơi chưa ban hành lệnh cấm đối với cách ly hôn chớp nhoáng này.

Hậu talaq và cuộc sống của người phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ

Trường hợp của Farha, 30 tuổi ở thành phố Jaipur, phía Bắc Ấn Độ là một ví dụ điển hình cho phận đời của những người phụ nữ Hồi giáo sau talaq.

Năm ngoái, chồng của Farha đã chính thức ly hôn với cô, biến cô từ một phụ nữ có gia đình trở thành một bà mẹ đơn thân của ba đứa trẻ nhỏ chỉ đơn giản bằng cách lặp lại 3 lần "talaq, talaq, talaq".

Chỉ cần nói đúng 3 từ, đàn ông Hồi giáo ở Ấn Độ có thể ly hôn vợ ngay tức khắc - Ảnh 2.

Sau ly hôn, người phụ nữ lâm vào bế tắc - không tiền, không việc làm và phải đảm bảo cuộc sống cho bản thân và con cái...

Nguyên nhân của cuộc ly hôn là do anh ta cảm thấy tức giận khi đứa con gái 10 tuổi cứ nằng nặc hỏi xin 5 rupee (7 cent) để mua pháo nổ dùng trong một dịp lễ.

Hiện, Farha vẫn sống trong cùng một ngôi nhà với chồng. Cô ở tầng trên, chồng cô sống ở bên dưới. Nhưng mọi gánh nặng nuôi dạy con cái đều đổ dồn lên vai cô. Còn người chồng dường như đã phủi sạch tất cả mọi quan hệ với cô và gia đình.

Chỉ cần nói đúng 3 từ, đàn ông Hồi giáo ở Ấn Độ có thể ly hôn vợ ngay tức khắc - Ảnh 3.

...còn người chồng lại gần như phủi sạch mọi quan hệ với người vợ và gia đình.

Sau cuộc ly hôn chớp nhoáng, mất đi nguồn tài chính chỉ trong tít tắc, Farha không biết phải làm gì để nuôi sống bản thân và các con do cô không hề có công ăn việc làm ổn định sau nhiều năm ở nhà làm nội trợ.

Giờ đây, cô chỉ còn biết trông chờ vào sự giúp đỡ từ bố mẹ ruột để nuôi sống bản thân và 3 đứa con nhỏ.

Điều mong muốn duy nhất của cô lúc này là lo cho các con có được một cuộc sống đầy đủ nhưng theo luật pháp hiện hành của Ấn Độ, hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý nào để đòi quyền lợi cho những người phụ nữ như Farha sau khi đã ly hôn với chồng.

Cấm talaq – nên hay không nên?

Bharatiya Muslim Mahila Andolan (BMMA) – một mạng lưới gồm những tổ chức và những nhà hoạt động đòi quyền lợi cho phụ nữ Hồi giáo – đang dẫn dắt một phong trào chống lại talaq trên khắp Ấn Độ.

Trụ sở chính của BMMA được đặt ở Jaipur, với một văn phòng chỉ rộng khoảng 1,8m2 . Đây là nơi để Farha và nhiều phụ nữ khác là nạn nhân của talaq tìm đến nhờ hỗ trợ.

Thông thường BMMA sẽ giúp những người phụ nữ này trình báo sự việc với cảnh sát và cung cấp cho họ những nhu yếu phẩm cần thiết để đảm bảo cuộc sống trước mắt.

Chỉ cần nói đúng 3 từ, đàn ông Hồi giáo ở Ấn Độ có thể ly hôn vợ ngay tức khắc - Ảnh 4.

Laika, 42 tuổi (phải) đã đến nhờ BMMA giúp đỡ sau cuộc ly hôn chớp nhoáng với chồng.

BMMA cũng đã gởi một bản kiến nghị lên Tòa án Tối cao Ấn Độ xem xét việc ban hành một lệnh cấm đối với talaq.

Tháng 10/2016, Ủy ban Luật pháp Ấn Độ - cơ quan tư vấn pháp lý cao nhất của quốc gia đã tiến hành một cuộc khảo sát trên cả nước liên quan đến vấn đề cải cách luật hôn nhân gia đình và đặc biệt là vấn đề có nên cấm talaq hay không?

Tòa án Tối cao Ấn Độ cũng lên kế hoạch chọn ra 5 thẩm phán để thảo luận về tính hợp hiến của talaq và nhiều phương thức thực hành tín ngưỡng khác.

Một thành viên của BMMA cho biết họ không có ý định kêu gọi xóa bỏ tất cả hình thức thực hành tín ngưỡng của đạo Hồi, họ chỉ cố gắng đòi quyền lợi cho người phụ nữ. Phụ nữ cần phải được đảm bảo về mặt pháp lí sau khi li hôn, nhưng với talaq, họ lại không có gì.

"Trong một xã hội Hồi giáo còn tồn tại talaq, phụ nữ không hề có chỗ đứng. Một người đàn ông có thể bỏ vợ bất kì lúc nào với bất cứ lí do gì." Farha nói.

Cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết

Năm 2016, một thẩm phán của tòa án thuộc cấp Nhà nước đã gọi talaq "là một hình thức ly hôn độc ác, làm hạ thấp phẩm giá của con người."

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã lên tiếng chống lại cách thực hành tín ngưỡng này và nói rằng Ấn Độ sẽ không cho phép cuộc sống của người phụ nữ Hồi giáo bị hủy hoại chỉ bởi ba từ được nói qua điện thoại.

Hiện tại, BMMA vẫn đang chờ quyết định từ Tòa án Tối cao Ấn Độ về bản kiến nghị của mình. Họ hy vọng sẽ có một đạo luật sớm được ban hành để nghiêm cấm kiểu thực hành tín ngưỡng mà họ gọi là "un-Quranic" (đi ngược lại với Kinh Koran).

Chỉ cần nói đúng 3 từ, đàn ông Hồi giáo ở Ấn Độ có thể ly hôn vợ ngay tức khắc - Ảnh 5.

Phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ đấu tranh đòi quyền lợi cho mình.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người ra sức phản đối việc ban hành lệnh cấm talaq. Trong đó, Mohammad Jafar - thành viên của Hội đồng Luật cá nhân Hồi giáo Ấn Độ, là người đi đầu lên tiếng chống lại kiến nghị của BMMA tại Tòa án Tối cao.

Ông cho rằng: "Là một người Hồi giáo, chúng ta phải tuân thủ những quy tắc về kết hôn và ly hôn theo Kinh Koran và Sunnah – những lời dạy của Mohammad. Điều này đã được trình bày trong Hiến pháp, vậy tại sao cần phải thay đổi nó?"

Jafar cũng thừa nhận việc những người đàn ông ly hôn ngay sau khi nói talaq đã tạo ra nhiều hệ quả. Thay vì ra lệnh cấm, ông đưa ra giải pháp là giáo dục những người đàn ông để họ nhận thức rằng làm như thế là trái với giáo lý đạo Hồi.

Nhưng, Soman và những thành viên của BMMA cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh vì đây không chỉ đơn thuần là đấu tranh đòi lệnh cấm đối với một cách thức thực hành tín ngưỡng mà sâu xa hơn đây chính là cuộc chiến giành bình đẳng giới cho phụ nữ.

"Vấn đề ở đây không phải là tôn giáo hay tín ngưỡng, talaq thực chất là chế độ gia trưởng đang núp bóng, ẩn dưới danh nghĩa của tôn giáo", Soman nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại