Châu Á chạy đua phòng thủ trước nỗi lo tên lửa Triều Tiên

Đào Vũ |

Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á ngày càng phát triển và sự hợp tác quốc phòng sâu rộng giữa các nước châu Á là điều không thể tránh khi các quốc gia lo ngại trước mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

Chạy đua phòng thủ vì tên lửa Triều Tiên

Theo Bloomberg, những vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên đang thúc đẩy sự hiện diện của các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á. Và điều này có thể gây chia rẽ giữa Trung Quốc và các đồng minh Mỹ trong khu vực.

Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ từ tháng Ba. Nhật Bản cũng đang xem xét việc mua lá chắn tên lửa.

Các nhà hoạch định phòng thủ cao cấp của Úc cũng đã bắt đầu thảo luận các phương án nhằm chống lại một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Triều Tiên. Lầu Năm Góc mới đây cũng tuyên bố thành công trong việc đánh chặn một tên lửa liên lục địa.

Vấn đề đe dọa từ tên lửa và hạt nhân Triều Tiên là chủ đề làm nóng nhiều cuộc hội đàm, trong đó có diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La thường niên ở Singapore từ 2 - 4/6.

Đầu tuần này, Triều Tiên cũng đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo lần thứ chín trong năm nay trong khi ông Kim lên kế hoạch phát triển khả năng đưa đầu đạn hạt nhân tới Bắc Mỹ.

Để đối phó với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm đến nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp gây áp lực cho Trung Quốc, đối tác chính của Triều Tiên.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhận được sự ủng hộ từ đối tác Nga, ông Vladimir Putin trong việc phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc.

Lý do cả Nga và Trung Quốc đều phản đối THAAD vì mối lo ngại rằng phạm vi radar 2.000 km của THAAD sẽ có thể phát hiện được hoạt động tên lửa của các nước này và ngăn chặn khả năng của họ trong việc phản ứng lại các cuộc tấn công.

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng lo ngại về thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hồi tháng 11 năm ngoái bởi điều này có thể biến thành một hiệp ước hợp tác phòng thủ tên lửa do Mỹ bảo trợ.

"Nếu Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác phòng thủ tên lửa, Trung Quốc và Nga rất có thể sẽ tăng cường nỗ lực chung để đối trọng với một tiểu NATO ở Đông Á", Đại tá về hưu, Yue Gang chia sẻ.

Chia sẻ thông tin nhạy cảm về Triều Tiên

Năm ngoái, Hàn Quốc và Nhật Bản ký thỏa thuận chia sẻ thông tin nhạy cảm về Triều Tiên, bỏ qua hàng thập kỷ căng thẳng. Động thái này thể hiện bước đột phá lớn giữa các đồng minh Mỹ vốn vẫn thường căng thẳng, mâu thuẫn vì các vấn đề liên quan tới lịch sử thời chiến.

Dẫu vậy, liệu hai nước này có thể phối hợp xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa khu vực hay không còn là điều chưa rõ. 

Theo ông Richard Bitzinger từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, việc chia sẻ thông tin giữa các hệ thống khác nhau, từ THAAD đến AEGIS trên đất liền và trên biển sẽ đóng góp vào việc phòng thủ theo lớp và giúp ngăn chặn tên lửa tốt hơn.

Châu Á chạy đua phòng thủ trước nỗi lo tên lửa Triều Tiên - Ảnh 2.

Để đối phó với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm đến nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp gây áp lực cho Trung Quốc, đối tác chính của Triều Tiên

"Đó không phải là vấn đề về công nghệ, đó là ý chí chính trị đang tạo ra sự hợp tác. Nhu cầu phòng thủ tên lửa tăng mỗi năm - ít nhất là do những gì Triều Tiên đang làm. Nhưng vấn đề tên lửa của Trung Quốc cũng góp phần thúc vấn đề này", ông Richard Bitzinger cho biết.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang phát triển lực lượng tên lửa của quân đội nước này thành một lực lượng tương đương với lục quân, hải quân và không quân trong suốt quá trình tái tổ chức lại quân đội từ năm 2015.

Trung Quốc có khoảng 1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và một kho vũ khí chống tàu khổng lồ đang phát triển có thể tấn công tàu sân bay ở Tây Thái Bình Dương.

Báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2016 về quân đội Trung Quốc cho hay tên lửa đạn đạo tầm xa của nước này có thể phóng đầu đạn hạt nhân tới hầu khắp lục địa Mỹ.

Mối đe dọa từ Triều Tiên đang gia tăng. Chỉ riêng năm nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành 9 cuộc thử tên lửa đạn đạo, trong đó tên lửa vào ngày 14/5 - chủng loại được cho là có thể mang theo một "đầu đạn hạt nhân cỡ lớn" trong quãng đường dài, đặt các cơ sở quân sự Mỹ trên đảo Guam vào tầm ngắm.

Hồi tháng Tư, Triều Tiên cũng ám chỉ rằng Úc cũng có thể là một mục tiêu vì sự hiện diện của quân đội Mỹ gần Darwin, điều Bình Nhưỡng cho là bằng chứng cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Các nhà chiến lược quốc phòng ở Úc, nước không có hệ thống phòng thủ tên lửa, hiện đang bàn luận về cách thức tự bảo vệ mình.

Washington và Canberra đang thảo luận về việc nâng cấp hệ thống radar Jindalee của Úc, hiện đang được sử dụng để phát hiện máy bay.

Úc cũng đang có kế hoạch trang bị ba tàu khu trục có thiết kế để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa bằng tên lửa đánh chặn SM-3.

"Hệ thống phòng thủ tên lửa là một lựa chọn đáng giá cho Australia", Malcolm Davis, một nhà phân tích cấp cao thuộc Học viện Chính sách Chiến lược Úc tại Canberra cho biết.

Hồi tháng Ba, các thành viên trong đảng cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã đề nghị Nhật Bản cần cân nhắc việc tăng cường khả năng đánh chặn các tên lửa tới bằng cách triển khai THAAD hoặc hệ thống AEGIS ở đất liền. 

Nhật Bản đã có một hệ thống phòng thủ tên lửa hai giai đoạn, bao gồm các tên lửa đánh chặn từ tàu SM-3 và tên lửa PAC-3 từ mặt đất. Cả hai đều đang được nâng cấp.

Dù có sự phản đối từ Trung Quốc, Nga và một số nhóm chính trị ở Hàn Quốc, Nhật Bản, sự hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn là điều không thể tránh bởi lẽ các quốc gia châu Á ngày càng lo ngại trước sự đe dọa của Triều Tiên, ông Patrick Cronin, giám đốc Chương trình an ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại