"Chánh Văn" Hoàng Anh Tú: Đừng bắt con cái "khổ hạnh mới biết trân trọng hạnh phúc"!

N.H (ghi) |

"Cách giáo dục “yêu cho roi cho vọt” của phần nhiều người Việt cũ thế hệ 6X, 7X là điều khiến tôi đau đáu nhất" - anh Hoàng Anh Tú chia sẻ.

Mới đây, "anh Chánh Văn" một thời của báo Hoa Học Trò - nhà văn Hoàng Anh Tú đã cho ra mắt cuốn sách "Cùng con nhận biết và phòng chống bạo hành". Đây được anh coi là "phiên bản 2" của cuốn sách trước đó của anh xuất bản năm 2017 - cuốn sách bán chạy nhất về giáo dục chăm sóc trẻ em: "30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại".  

Bỏ lại những bận rộn của ngày cuối năm, tác giả Hoàng Anh Tú đã có buổi chia sẻ cùng chúng tôi về cuốn sách nhỏ “vì sự an toàn của con bạn mà xuất bản” này.

Phóng viên (PV): Điều gì khiến anh Hoàng Anh Tú - một nhà văn và cũng là một ông bố ba con dành nhiều tâm huyết nghiên cứu và biên soạn cuốn sách về bạo hành trẻ em đến vậy?

Anh Hoàng Anh Tú (HAT): Có thể nói chính 3 đứa nhỏ nhà tôi là nguồn động lực lớn nhất đã giúp tôi hoàn thành cuốn sách này.

Những ngày qua, chúng ta đều đã đọc, thấy và phẫn nộ trước hàng chục vụ bạo hành bị báo chí phát hiện ra.

Trước một thực trạng xã hội như vậy, những người làm cha, làm mẹ hẳn không ai có thể yên lòng được. Tôi nghĩ mình cần phải hành động ngay bằng việc bắt tay vào thực hiện cuốn sách này.

Và còn phải kể tới cả việc độc giả của tôi - hơn 100.000 bậc phụ huynh đã đọc cuốn "30 ngày cùng con học hiểu về chống xâm hại", họ cũng là những người liên tục thúc giục tôi ra phiên bản 2: Rộng hơn - sâu hơn về xâm hại.

Họ cần thêm một cuốn sách nữa để họ cùng con em họ học hiểu cách để an toàn.

Chánh Văn Hoàng Anh Tú: Đừng bắt con cái khổ hạnh mới biết trân trọng hạnh phúc! - Ảnh 1.

PV: Hầu hết các dòng sách kỹ năng về bạo hành hiện nay mới chỉ dừng lại ở vấn đề giúp trẻ tránh bạo lực học đường. Vậy cuốn sách “Cùng con nhận biết và phòng chống bạo hành” của anh có những điểm khác biệt nào so với các cuốn sách kỹ năng thông thường?

Thực ra sách dạy kỹ năng chống bạo hành, bạo lực học đường ở Việt Nam còn ít và đa phần đều dịch lại từ sách nước ngoài nên hơi khó áp dụng cho các tình huống xảy ra ở Việt Nam cũng như chú trọng nhiều đều DẠY hơn là HIỂU.

Dùng để ĐỌC hơn là để TRÒ CHUYỆN. Thế nên khi bắt tay vào thực hiện cuốn sách này, tôi chú trọng nhiều vào việc HỌC HIỂU và TRÒ CHUYỆN.

Cuốn sách của tôi cũng ưu tiên hình hoá nhiều nhất có thể để trẻ không chỉ đọc mà còn xem. Thế hệ Z (những đứa trẻ sinh sau năm 2000) là thế hệ nghe - nhìn và trải nghiệm nên khi làm sách cho chúng, tôi cố gắng đáp ứng cao nhất nhu cầu đó của chúng.

PV: Lần đầu tiên những dạng bạo hành đến từ bố mẹ (hay người giám hộ của trẻ) như Bạo hành tâm lý, Bỏ bê trẻ em được cuốn sách đề cập tới một cách nghiêm túc và khiến không ít bố mẹ phải giật mình tự hối về hành động hay lời nói với con của mình.

Vì sao anh lại đặt mức độ nguy hại của hai hình thức bạo hành này bên cạnh Bạo hành thể chất, Bạo hành tình dục và Lạm dụng trẻ em?

Anh HAT: Cách giáo dục của phần nhiều người Việt cũ thế hệ 6X, 7X là yêu cho roi cho vọt là điều khiến tôi đau đáu nhất. Trong nhiều năm làm Chánh Văn trên báo Hoa Học Trò, tôi đã đọc hàng trăm lá thư đẫm nước mắt của những đứa con bị “yêu” kiểu đó.

Thế nên, khi thực hiện cuốn sách này, thực sự tôi mong muốn ít nhất những độc giả đã đọc cuốn sách này của tôi sẽ không yêu con kiểu đó nữa. Đừng nghĩ mắng con thì mới là quan tâm con. Đừng nghĩ khen con là con hư. Đừng nghĩ bố mẹ không nên chiều con thái quá.

Đừng bắt con cái phải “khổ hạnh” thì mới biết trân trọng hạnh phúc. Phần sách viết về Bạo Hành Tâm Lý thực ra có thể dài hơn và thậm chí cần 1 cuốn sách riêng về nó nhưng có lẽ hẹn bạn đọc vào một dự án kế tiếp của tôi.

Chánh Văn Hoàng Anh Tú: Đừng bắt con cái khổ hạnh mới biết trân trọng hạnh phúc! - Ảnh 2.

PV: Có những sai lầm nào bố mẹ Việt thường mắc phải và vô tình bạo hành trẻ mà không hay biết, thưa anh?

Anh HAT: Nhiều chứ! Chẳng hạn như “Tại sao con chỉ được 9 điểm mà không phải là 10 điểm?”. Chẳng hạn như: Lần tới cố gắng thêm nữa nhé!. Chẳng hạn như: Đàn ông con trai gì mà hơi tí khóc nhè như con gái thế?

Chẳng hạn như: Con gái con đứa vô ý vô tứ thế thì sau này có chó nó lấy… Rồi những hình phạt nữa khi nó được đưa ra từ nóng giận của cha mẹ hơn là từ việc muốn con thay đổi. Roi vọt không phải là giải pháp.

PV: Những khi con không nghe lời hay mắc lỗi, bố mẹ thường khó kiểm soát cảm xúc tức giận và dễ có hành động đánh, mắng con. Dù với lý do gì, đó cũng là hành động “bạo hành” đối với con. Anh đánh giá thế nào về điều này? Có những cách xử trí nào để vừa răn dạy được con, vừa không gây tổn thương cho con?

Anh HAT: Trong sách tôi đã viết rồi đấy! Bạn có thể tìm đọc. Tôi chỉ chú thích thêm rằng tất cả những gì cha mẹ cần học và hiểu là sự tôn trọng con cái. Bạn có muốn con bạn sau này bị bạo hành mà cứ nghĩ rằng người ta bạo hành mình là người ta đúng không?

Dạy trẻ cách tôn trọng chính bản thân cũng là cách giúp trẻ tránh bị bạo hành. Mà muốn trẻ biết tôn trọng bản thân thì trước hết cha mẹ phải cho con thấy đến cha mẹ còn phải tôn trọng bản thân con thì người ngoài đương nhiên phải tôn trọng con hơn thế.

Chánh Văn Hoàng Anh Tú: Đừng bắt con cái khổ hạnh mới biết trân trọng hạnh phúc! - Ảnh 3.

PV: Anh đã bao giờ phải dùng đến roi vọt hay nặng lời với 3 bạn nhỏ của mình chưa? Một tình huống mà anh nhớ nhất khi con không nghe lời và anh đã khiến các bạn nhận lỗi mà không cần roi vọt?

Anh HAT: Có chứ! Rất tiếc, tôi không thuộc phe phản ứng thái quá và cực đoan về việc cho con ăn roi. Tôi vẫn cho con mình ăn roi nhưng tôi không cho chúng ăn roi khi tôi đang bực tức, giận dữ. Tôi biến việc cho con ăn roi thành dạng “nghi thức” nhiều hơn.

Có nghĩa là để phải bị ăn roi là một hình phạt cao nhất. Tôi cứ suy ra từ mình thôi rằng hồi bé, thời điểm đáng sợ nhất không phải là cái roi vụt vào mông mà là trước đó, lúc mà nghĩ “chết rồi, thể nào mình cũng bị ăn roi”.

Tôi muốn con mình ý thức về việc có thể bị ăn roi hơn là bị ăn roi. Thế nên, lâu lắm rồi tôi chưa sử dụng hình phạt đó vì 3 đứa nhỏ nhà tôi khôn lắm, chúng không bao giờ đẩy tình huống đi đến mức phải bị ăn roi (cười).

Chánh Văn Hoàng Anh Tú: Đừng bắt con cái khổ hạnh mới biết trân trọng hạnh phúc! - Ảnh 4.

PV: Anh có thể chia sẻ 5 bí quyết để có thể hiểu tâm lý con trẻ và dạy con đúng cách?

Anh HAT: Có thể nhiều hơn 5 bí quyết được không? (cười) Vì trong cuốn sách của tôi có đến 50 bí kíp lận. Tôi nghĩ hầu hết các cha mẹ đều yêu con và luôn tìm kiếm các bí quyết để có thể giúp con mình giỏi giang hơn, ngoan hơn, an toàn hơn, hiểu biết hơn, tình cảm hơn…

E xi tăng, bí quyết đầu tiên để đạt được những thành quả như mọi người mong muốn là hãy quên đi những mong muốn của mình.

Hãy nghe con nhiều hơn. Hãy nhìn con nhiều hơn. Hãy đặt mong muốn của con lên trên mong muốn của mình. Chúng ta đều đã từng nghe: Trẻ em hôm nay- Thế giới ngày mai đúng không? Thế giới hôm nay chính là từ đám trẻ con hôm qua đúng không?

Là chính chúng ta đấy đúng không? Hãy nhớ lại xem hồi bé chúng ta mong đợi gì ở cha mẹ mình để hiểu lũ trẻ đang chờ đợi điều gì từ chúng ta.

Chánh Văn Hoàng Anh Tú: Đừng bắt con cái khổ hạnh mới biết trân trọng hạnh phúc! - Ảnh 5.

PV: Trong thời gian gần đây, dư luận đã xôn xao về sự việc gia đình bé Nhật Linh xin 50.000 chữ ký kêu gọi tử hình nghi phạm Shibuya. Nhiều người rất sẵn sàng đóng góp chữ ký của mình, trong khi không ít người còn ngần ngại về ý nghĩa của bản thu thập chữ ký này. Anh Tú nghĩ sao về vấn đề trên?

Chánh Văn Hoàng Anh Tú: Đừng bắt con cái khổ hạnh mới biết trân trọng hạnh phúc! - Ảnh 6.

Thứ chúng ta cần quan tâm không phải là việc ai đúng ai sai, quan điểm nào chuẩn quan điểm nào sai lệch mà là thái độ của chúng ta với kẻ ấu dâm và hành động của chúng ta với chính con em mình, con em của những người bạn quanh mình.

Tôi tin vào vòng tròn ảnh hưởng từ thái độ của cộng đồng. Một khi cộng đồng cùng bày tỏ thái độ gay gắt với cái xấu- cái xấu sẽ phải lùi bước hoặc không thể công khai được. Kẻ xấu sẽ phải chùn tay mà bỏ đi ý đồ xấu.

Đừng im lặng! Đừng thờ ơ! Đừng coi như đó không phải là chuyện liên quan gì đến mình!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại