Câu chuyện của chàng trai có cha làm nghề đồ tể

Trần Quỳnh |

Mặc dù có tuổi thơ chẳng mấy dư dả về vật chất, nhưng cậu bé ấy chưa bao giờ hết tự hào về quãng thời gian trưởng thành "chẳng mấy dễ dàng" của mình.

Cuộc sống vất vả nơi thôn quê

Trong mắt của rất nhiều người, tôi chỉ là một thanh niên xuất thân từ gia đình chẳng mấy khá giả. 

Suốt những năm tháng còn thơ ấu, cuộc sống của tôi luôn quẩn quanh trong một gian nhà ngói hai buồng, với một người cha làm nghề đồ tể và một người mẹ nông dân được coi là bà chủ gia đình…

Cha tôi là một người làm ăn, cả cuộc đời ông gắn với nghề buôn bán thịt lợn, cũng là cái nghề mà người ta gọi là đồ tể. Mẹ tôi là bà chủ của gia đình. Ở thôn nhỏ nơi tôi sinh ra, cụm từ ấy dùng để chỉ người phải lo toan mọi việc trong nhà.

Vẻ ngoài cha tôi chẳng biết tự khi nào đã trở nên giống với cái nghề của chính ông vậy. Cha năm nay tuổi tác chưa lớn lắm, nhưng dù mới chỉ 46, dáng vẻ của ông nhìn qua khiến người ta tưởng đã bước qua cái tuổi 50.

Cha tôi cũng giống như hầu hết những người bán thịt khác, hàng ngày phải dậy sớm đến lò mổ, chở hàng về xẻ thịt rồi ngồi ngoài chợ bán.

Nghe nói lúc còn trẻ, nghe nói cha đã phải nếm qua rất nhiều cay đắng. Ngày trước, ông bà nội tôi sinh được ba người con, mà có lẽ cha chính là người "mệnh khổ" nhất trong các anh chị em của mình.

Bà nội kể lại rằng, cha tôi từ năm 16 tuổi đã bắt đầu gắn với cái nghề "đồ tể" rồi. 16 tuổi, ấy là lúc tôi chỉ vừa mới tốt nghiệp cấp hai và sắp sửa thi lên cấp ba. 

Thậm chí, lúc bấy giờ tôi còn chưa có bất kỳ ý niệm nào về trách nhiệm kiếm tiền. Ngay cả bây giờ khi đã học đại học, hai anh em tôi đôi khi vẫn phải ngửa tay xin tiền cha mẹ.

Mấy chục năm về trước, khi cha lấy mẹ tôi về, ông muốn mua một căn nhà 600 nhân dân tệ. Nhưng bản thân cha nào có nhiều tiền như vậy, mà người trong gia đình cũng chẳng dư dả gì.

Không còn cách nào khác, cha tôi buộc phải tìm cách vay mấy tạ kê mang đi bán. Lần đó, ông đã đánh cược cả tính mạng của mình mới có thể chuyển kê về bán, vừa vặn lãi được đúng 600 tệ.

Năm đó, bố mẹ tôi rốt cuộc cũng mua được một căn nhà ngói hai gian. Mái ngói cũ kỹ của căn nhà nhỏ ấy chính là nơi đã che nắng, che mưa cho hai anh em tôi trưởng thành tới tận bây giờ.

Những câu chuyện về cuộc đời đầy khổ cực của cha thậm chí chẳng thể nhớ được người trong họ đã kể đi kể lại bao nhiêu lần, nhưng lần nào nghe xong, nước mắt tôi đều không kìm được mà rơi xuống.

Câu chuyện của chàng trai có cha làm nghề đồ tể - Ảnh 1.

Tuổi thơ của hai anh em tôi có nhiều khốn khó về vật chất, nhưng thứ giá trị hơn cả mà chúng tôi có được chính là sự yêu thương từ cha mẹ.

Nghề của cha tôi là bán thịt lợn. Mỗi ngày, khi mọi người còn đang say giấc nồng trong chăn ấm, nệm êm, ông đều phải thức dậy từ 3, 4 giờ sáng để lái xe ra lò mổ chở thịt heo về.

Bao nhiêu năm qua, bất kể trời nắng hay mưa, dù cho bên ngoài nổi gió to hay có tuyết, cha tôi đều dậy sớm để đi lấy thịt về bán, ngày nào cũng vậy, chẳng có lấy một ngày thảnh thơi.

Rất lâu trước lúc khi chúng tôi còn nhỏ, cha còn chưa có tiền để mua xe. Những năm tháng ấy, ông thậm chí còn phải dậy sớm hơn bây giờ để cho kịp phiên chợ sáng…

Và tình cha mẹ luôn đầy ắp

Mỗi khi có dịp nghỉ dài ngày, tôi đều trở về nhà phụ giúp cha mẹ. Lúc ở nhà, cha dậy giờ nào, đi ra ngoài lúc nào, tôi đều biết rõ hơn ai hết. Bởi ông có thói quen là mỗi khi ra khỏi cửa đều sẽ tới phòng ngủ của tôi và em trai ngó qua một chút.

Vào những đêm hè, mỗi lúc đi qua cha đều tiện tay châm một điếu thuốc, rồi thắp nhang muỗi giúp chúng tôi. Đều đặn ngày nào cũng như vậy, đến nỗi suốt cả kỳ nghỉ hè, hai anh em tôi chẳng bị một vết muỗi đốt nào.

Những buổi sáng mùa đông giá rét, trước khi đi ra ngoài, cha thường qua phòng nhìn xem chúng tôi có đắp kín chăn không, có bị lạnh quá không. 

Dù chẳng mấy khi nói những lời yêu thương, nhưng cha đã dành hết thảy tâm huyết của mình cho ba mẹ con, đến nỗi ông chẳng còn thời gian quan tâm đến chính mình.

Mỗi khi ngoài trời có tuyết rơi, giày của cha tôi rất hay bị tuyết làm ướt. Bữa nào nếu gia đình bận bịu, buổi tối không kịp hơ giày, sáng hôm sau ông sẽ lại đi đôi giày ướt và lạnh ấy ra ngoài mà chẳng nói với ai lấy một câu.

Mùa hè có lẽ đỡ vất vả hơn một chút, xe của cha đi đường vừa an toàn, vừa thuận lợi. Nhưng đó cũng là thời điểm công việc làm ăn của cha trở nên rất khó khăn, có những ngày còn chẳng kiếm được đồng nào.

Câu chuyện của chàng trai có cha làm nghề đồ tể - Ảnh 2.

Dù xuất thân trong một gia đình có cha làm nghề "đồ tể", nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ vì nghề bán thịt lợn của cha mình.

Một người bạn đại học từng khuyên tôi rằng, hay là đừng về nhà vào kỳ nghỉ nữa, ở lại thành phố tranh thủ học thêm chút gì hoặc kiếm việc đi làm. 

Nhưng tôi vẫn kiên quyết trở về thôn nhỏ cùng gia đình, không phải vì điều gì khác, mà vì mong muốn có thể khiến cha mẹ đỡ vất vả vì chúng tôi hơn.

Nếu như tôi không trở về, mọi việc lớn bé trong nhà đều do cha mẹ phải gánh vác hết thảy. 

Tôi trở về nhà, em trai cũng quay về, một nhà vừa có dịp đoàn viên, lại có thể mỗi người một việc đỡ đần. Có lẽ, quả thực có những việc tôi làm chưa tốt. Nhưng phàm là việc có khả năng làm, hai anh em tôi đều chẳng nề hà.

Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, thay vì đi ra ngoài làm công kiếm được chút tiền ít ỏi, thà rằng về nhà nấu cơm cho cha mẹ, để khi nào họ trở về có cơm ngon canh ngọt ăn là tốt rồi.

Mẹ tôi là "bà chủ gia đình", ấy chính là cách gọi mà người thôn tôi dành cho những phụ nữ lo toan mọi việc trong nhà. 

Khi còn trẻ, mẹ sở hữu nhan sắc rất xinh đẹp. Từ những tấm ảnh đen trắng cũ kỹ còn bày ở nhà, ai cũng có thể nhìn ra dung mạo như hoa của mẹ năm ấy.

Cũng giống như cha, mẹ tôi mỗi ngày đều bận tới bận lui, lo toan từ việc đồng áng cho đến việc trong nhà. Mỗi năm, bà đều dành rất nhiều thời gian để trồng trọt, cấy cày, chăn nuôi. 

Nhà của chúng tôi chẳng biết từ khi nào đã trở nên giống với một siêu thị nông phẩm thu nhỏ với không ít đặc sản.

Người khác không có tiêu ăn, còn gia đình tôi thì tiêu là "của nhà trồng được". Có đôi khi, người ta còn tới vườn nhà tôi xin hái chút hạt tiêu mang về. Sân vườn nhà tôi gà vịt thành đàn. Mỗi dịp nghỉ hè, hai anh em tôi chẳng bao giờ thiếu tiết canh, gà tần để ăn.

Mỗi dịp năm hết Tết đến, nhà tôi chẳng bao giờ phải đi mua đậu phộng mà đều tự trồng, tự xào. Nếu động phộng bên ngoài xào đến mức đen xì cả vỏ, thì đồ của mẹ tôi phải ăn vào mới ngỡ ngàng nhận ra đó là đậu đã xào.

Mẹ đảm đương nhiều công việc như vậy, nhưng vất vả nhất vẫn là trồng lúa. Mỗi đợt gieo mạ hay thu hoạch, mẹ đều đầu tắp mặt tối bận bịu cấy cày, bơm nước, phơi lúa…

Kỳ thực, trước kia tính cách mẹ tôi có chút không tốt, rất hay nổi nóng. Từ nhỏ, mỗi khi làm sai chuyện gì, hai anh em tôi thường hay bị bà đánh mắng thẳng tay. 

Nhưng cũng nhờ sự nghiêm khắc của mẹ mà tôi với em trai so với con cái nhà khác vừa biết nghe lời người lớn hơn, lại biết chịu khổ và cần cù hơn.

Mặc dù từ nhỏ đến giờ, chúng tôi lớn lên chẳng dễ dàng. Nhưng trải qua nhiều vất vả, cuối cùng hai anh em đã chứng minh được thực lực của mình không đến nỗi nào.

Mấy năm trở lại đây, tính tình của cha mẹ hiền hòa hơn rất nhiều. Đôi khi, mẹ còn trở nên ủy mị hơn. Kỳ thực, tình yêu của cha mẹ cũng giống như tất cả những đấng sinh thành khác trên thế giới này, đều rất vĩ đại, nhưng cũng rất dễ yếu lòng.

Câu chuyện của chàng trai có cha làm nghề đồ tể - Ảnh 3.

Cũng như tất cả những người mẹ khác trên thế gian này, mẹ tôi có những giây phút yếu lòng mà chẳng thể cho ai biết...

Tôi lên đại học đã được hai năm, nhưng mấy năm qua, cha đều vì bận bịu mà chưa bao giờ đưa tôi ra bến xe, chỉ có mẹ là lần nào cũng ra tiễn.

Ngày tôi bắt xe trở lại thành phố, mẹ thường dậy từ rất sớm để làm nhiều món ngon mà tôi thích. Sau khi ăn xong, hai mẹ con lại yên lặng chở nhau ra bến xe khách.

Có một lần, khi vừa bước ra từ phòng bán vé, tôi thấy mẹ đang len lén lau nước mắt ở hàng ghế ngồi chờ. Vành mắt bà đỏ hồng, vẻ mặt hiện lên sự yếu đuối mà thường ngày tôi chẳng mấy khi thấy.

Lúc lên xe, mẹ giúp tôi xếp đồ cẩn thận. Tôi lặng lẽ nhìn bà, muốn tìm lời gì để nói nhưng chỉ được vài câu rồi lại chìm vào im lặng. Khi nhà xe thông báo chỉ còn 10 phút nữa là xuất phát, mẹ dặn dò tôi chú ý sức khỏe rồi bước xuống.

Lúc tưởng chừng như bóng dáng bà đã biến mất đâu đó trong biển người ngoài kia, thì tôi lại nhìn thấy mẹ, vẫn gương mặt không nỡ xa rời, vẫn là vành mắt đỏ hồng như mới khóc ấy…

Có lẽ, trong mắt của người khác, tôi chỉ là một đứa trẻ với cuộc sống chẳng mấy khá giả, có thể trưởng thành, thi đỗ được đại học đã là một điều may mắn. 

Nhưng kỳ thực, điều làm tôi cảm thấy may mắn nhất trong cuộc đời này, chính là sinh ra trong một nhà có cha làm nghề đồ tể, có mẹ là bà chủ gia đình…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại