Cánh hữu gây địa chấn trên chính trường châu Âu

Thùy Dương |

Châu Âu choáng váng khi đảng Tự do (FPÖ) có tư tưởng chống người nhập cư ở Áo đã thắng to trong vòng bầu cử tổng thống đầu tiên ngày 24/4 vừa rồi.

Điều này có nghĩa, lần đầu tiên từ năm 1945, Áo sẽ có một tổng thống không thuộc hai chính đảng lớn. Sự trỗi dậy của đảng Tự do ở Áo góp thêm vào làn sóng trỗi dậy dồn dập của các đảng cánh hữu ở châu Âu.

“Địa chấn” chính trị ở Áo

Sau khi số phiếu của toàn bộ các khu vực được kiểm, ông Norbert Hofer thuộc FPÖ giành được 35,3% phiếu bầu, trong khi hai ứng cử viên thuộc hai đảng cầm quyền là Dân chủ Xã hội (SPÖ) và đối tác trong liên minh trung hữu là đảng Nhân dân (ÖVP) không thể giành nổi vị trí về nhì, để vuột cơ hội tham gia bầu cử vòng hai vào ngày 22/5 tới cho ứng cử viên đảng Xanh.

Họ chỉ giành được hơn 20% phiếu bầu, một kết quả thảm hại so với tổng số 80% phiếu bầu trong cuộc bầu cử cách đây 6 năm.

Chức tổng thống ở Áo phần lớn mang tính nghi lễ, nhưng kết quả bầu cử trên được giới phân tích và báo chí nhận định là cơn “địa chấn chính trị” ở Vienna.

Mặc dù kết quả vòng 1 khiến nhiều người Áo bị sốc, nhưng cũng dễ hiểu trong bối cảnh cử tri Áo mang trong mình nỗi bất bình sâu sắc với giới cầm quyền. Chỉ có 12% người dân cho rằng đất nước đang đi đúng hướng, so với 52% số người nói ngược lại.

Một khảo sát còn cho thấy đảng FPÖ sẽ dễ dàng thắng trong bầu cử quốc hội nếu cuộc bầu cử này được tổ chức ngay bây giờ. Đảng này đã lợi dụng tâm lý lo sợ của người dân Áo trước làn sóng người tị nạn ồ ạt.

Tính từ đầu cuộc khủng hoảng di cư tới nay, nếu chia theo bình quân đầu người, nước Áo tiếp nhận người tị nạn nhiều hơn cả Đức.

Ông Gerfried Sperl, một nhà báo nổi tiếng ở Áo, bình luận: “Vòng bầu cử đầu tiên của ông Hofer cho thấy một tỷ lệ cao người dân Áo thích kiểu chính trị độc tài đã xuất hiện ở Hungary và Ba Lan những năm gần đây: Quốc hội suy yếu, cán cân quyền lực lung lay, phản đối chỉ thị từ Brussels và hạn chế tự do báo chí”.

Sự trỗi dậy của phe cánh hữu

Những gì đang diễn ra ở Áo cũng chính là những gì đã, đang và sẽ xảy ra ở nhiều quốc gia châu Âu - nơi mà phe cực hữu đang trỗi dậy mạnh chưa từng có trong vài năm trở lại đây.

Trước đó không lâu, hồi tháng 3, liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thất bại nặng nề trong bầu cử vùng trước các đối thủ phản đối người nhập cư.

Đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) - một đảng có chủ trương chống nhập cư - đã đánh bại liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel để có chân trong nghị viện của ba vùng Baden-Wuerttemberg, Rhineland-Palatinate và Saxony-Anhalt. Số phiếu mà đảng này giành được ở ba vùng trên phần lớn là từ những cử tri lần đầu bỏ phiếu.

Cũng như đảng FPÖ của Áo, đảng cánh hữu AfD của Đức cũng nhân cơ hội khủng hoảng di cư tại châu Âu để “đục nước béo cò”.

Có thể nói cuộc khủng hoảng di cư là cơ hội “phục sinh” của đảng AfD non trẻ, mới thành lập năm 2013 bởi một nhóm nhà kinh tế và nhà báo kêu gọi bãi bỏ đồng euro.

Đảng AfD năm 2015 còn từng suýt sụp đổ và chỉ được vực dậy khi thay đổi đường lối sang phản đối chính sách tị nạn của chính phủ Đức. Bà Merkel trong một cuộc phỏng vấn từng nói đảng dân túy AfD chỉ là “hiện tượng tạm thời”.

Tuy nhiên, nếu không dè chừng, rất có thể cái tạm thời đó sẽ bám rễ, ăn sâu vào nền chính trị chính thống của Đức để trở thành cái cố hữu.

Năm 2015, Ba Lan đã bầu ra một trong những quốc hội có nhiều thành viên theo cánh hữu nhiều nhất châu Âu, hất cẳng các thành viên ôn hòa cầm quyền.

Đảng Nhân dân Đan Mạch, một đảng cánh hữu chống EU và người nhập cư, cũng giành được tỷ lệ phiếu bầu nhiều thứ hai trong tổng tuyển cử hồi tháng 6/2015.

Theo một khảo sát hồi tháng 8/2015, đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển ngày càng được nhiều cử tri ủng hộ và thậm chí còn được coi là đảng được ủng hộ nhiều nhất Thụy Điển.

Tại Hy Lạp, phe phát xít mới Bình minh Vàng giành được số phiếu bầu cao thứ ba trong cả hai cuộc bầu cử quốc hội năm 2015.

Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2015, các đảng cựu hữu đã có đủ ghế để lập khối riêng, có quyền tiếp cận nguồn quỹ Liên minh châu Âu. Khối này do bà Marine Le Pen thuộc Mặt trận Dân tộc Pháp dẫn đầu, gồm có đảng: Tự do của Hà Lan, Lega Nord của Italy và đảng Tự do của Áo.

Lý giải nguyên nhân cử tri ủng hộ các đảng cựu hữu không khó. Các quốc gia châu Âu từng một thời gần như chỉ toàn người da trắng và Thiên chúa giáo nay phải tiếp nhận một lượng lớn người di cư Hồi giáo từ Trung Đông và Bắc Phi.

Trong bối cảnh đó, các đảng đó đã thể hiện tư tưởng thiên hữu của mình ở mọi khía cạnh: có xu hướng chủ nghĩa dân tộc, thích tôn vinh giá trị Thiên chúa giáo, muốn hạn chế nghiêm ngặt tình trạng nhập cư, ủng hộ phúc lợi cho người châu Âu bản địa.

Thông điệp vận động của họ luôn là phúc lợi của quốc gia phải dành cho chính người dân sinh ra ở đó, đóng thuế ở đó, chứ không phải cho người bên ngoài mới vào.

Điều này đánh trúng vào tâm lý của đa số cử tri châu Âu. Khi châu Âu hứng chịu một loạt cuộc khủng bố cùng với rất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội khác, người ta đã đổ mọi tội vạ lên đầu người di cư mà trong thực tế, nguyên nhân chính xác không phải vậy.

Kết quả là cử tri trút giận lên các chính đảng có chính sách mở cửa với người di cư, quay sang dang tay đón nhận các đảng cực hữu có đường lối dân túy.

Do đó, nếu muốn trụ vững, các chính đảng cầm quyền ở các nước phải đoàn kết, tìm ra một giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng di cư trước khi cánh hữu áp đảo hoàn toàn chính trường châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại