Cạn lời với "nồi lẩu thập cẩm" của đêm chung kết The Face

Nguyễn Xuân Quang Huy |

Người thì gọi là “event đám cưới”, người thì nói một phiên bản mới của phim Tấm Cám. Dù cách nào, thì đây cũng là một đêm Gala sến súa và thiếu chuyên nghiệp.

"Đám cưới" hoành tráng.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi đây là "event đám cưới". Gần đến phân nửa chương trình, toàn sân khấu như một… đám cưới thu nhỏ.

Các thí sinh lần lượt với trang phục bóng bẩy như váy cô dâu, lượn lờ trong "sương khói" nhân tạo, thứ hiệu ứng mà các sân khấu chuyên nghiệp gần như đã thôi sử dụng lâu rồi – trừ sân khấu đám cưới.

Rồi hai MC xuất hiện. Thoạt đầu, không ai nghĩ họ là MC. Thành Trung hoạt ngôn, nhưng là cái hoạt ngôn "hài hài" kiểu MC nam cho đám cưới, thích khuấy động phong trào cho "hôn trường" thêm vui vẻ.

Cạn lời với nồi lẩu thập cẩm của đêm chung kết The Face - Ảnh 1.

2 MC của Chung kết The Face.

Anh gần như không thoát khỏi hình ảnh một diễn viên hài, với màn đốp chát kiểu "mồm năm miệng mười" của một nhân vật gây cười hơn là một MC sang trọng dẫn dắt một chương trình gợi lên được hình ảnh thương hiệu và những người đại diện.

Có lẽ, lỗi không hẳn ở Thành Trung mà ở phía ban tổ chức. Gần như họ không phải là những người có kiến thức về thương hiệu. Họ không hiểu phân khúc những thương hiệu trong chương trình nhắm đến là gì.

Một thương hiệu mỹ phẩm lớn dành cho người thành thị, một dòng điện thoại đang hướng tới sự bóng bẩy… thế nhưng chương trình gần như chẳng liên quan. Và cuối cùng, các thí sinh cũng bị gom vào diễn những thứ chẳng liên quan.

Cạn lời với nồi lẩu thập cẩm của đêm chung kết The Face - Ảnh 2.

Thành Trung và Gil Lê đều bị "phản ứng" với vai trò MC.

Cuối cùng, chỗ cần nghiêm túc thì thành cười cợt, chỗ cần hiệu ứng thật thì toàn hiệu ứng giả. Trên hết, cái vẻ đẹp của sản phẩm, cái tiện ích của sản phẩm thì không được các thí sinh thể hiện, mà ấn tượng đọng lại chỉ là một chương trình "vui chơi có thưởng".

Gil Lê không hợp với vai trò một MC. Có thể hôm nay sức khoẻ cô không được tốt, nhưng ít ai sử dụng một người giọng "oéc" như thế lên sóng truyền hình trực tiếp.

Tone giọng bị phô, chênh, đã vậy còn bị Thành Trung cướp lời và hài hước hoá một cách… thiếu duyên, hai MC đã biến chương trình thành một màn tấu hài vụng về.

Khói tràn ngập sân khấu. Gần như khói đóng vai trò làm cho sân khấu bớt trống nhưng cuối cùng chẳng biết chương trình đang diễn ra những gì. Sẽ vô cùng dễ tưởng tượng nếu như nhà tài trợ cho chương trình là một hãng thịt xông khói. Nhưng tiếc là không.

Cạn lời với nồi lẩu thập cẩm của đêm chung kết The Face - Ảnh 3.

Sân khấu quá nhiều hiệu ứng.

Dàn giám khảo xuất hiện khá mờ nhạt. Nếu như đây là một "đám cưới" thì họ xuất hiện lúc thì như cha mẹ cô dâu chú rể, nói lời cảm ơn đến hôn trường, nói lời xúc động mắt rơm rớm về con cái,

Lúc thì họ như phù dâu phù rể, đứng bên cạnh cô dâu chú rể cười lấy lệ, nói vài lời phát biểu cảm nghĩ nhưng cũng chẳng mấy ăn nhập.

Họ không nói về việc thí sinh mà họ tạo ra thành những gương mặt đại diện thương hiệu chuyên nghiệp trong tương lai thế nào. Họ chỉ nói về họ, cái họ được là gì.

Nhất là Phạm Hương, ngôn ngữ càn cạn, nói những điều mà có nói ra cũng được, không nói cũng chẳng chết ai. Cô chỉ nói về việc cô được gì ở sân chơi này ở góc độ cá nhân. Kiểu nói ấy chỉ dành cho thí sinh, chứ huấn luyện viên, cần một ngôn ngữ khác, một nội dung khác.

Một nồi lẩu thập cẩm

Toàn phần thi thố đến phân nửa là nhảy múa. Ừ thì các sân khấu nhà ta bây giờ, không nhảy múa mới là lạ. Nhưng có nhảy có múa cũng phải nhảy múa cho chuyên nghiệp, chứ chẳng ai làm ra những màn trình diễn rối rắm như thế cả.

Cạn lời với nồi lẩu thập cẩm của đêm chung kết The Face - Ảnh 4.

Quá nhiều "trò diễn" khiến đêm Chung kết như 1 "nồi lẩu thập cẩm".

Trong phần nhảy múa này, mỗi Quỳnh Mai là sáng nhất. Cô sử dụng toàn bộ những điểm mạnh của một vũ công nhưng biết tiết chế đầy đủ, làm nên một sự vừa vặn cho các tiết mục.

Nhưng nếu chỉ dừng ở từng đó thôi, các thí sinh khác thi cái khác hợp với điểm mạnh của họ thì chương trình sẽ tốt hơn. Họ lại nhảy. Họ lại múa. Nhảy múa trong cả đống khói đóng đủ các vai cổ tích, nhạc nhẹ không liên quan.

Và những màn nhảy múa ấy vô tình đã vẽ nên chân dung những thí sinh nhạt nhoà của một mùa giải đầu tiên. Có lẽ khói xuất hiện cũng có lý do của nó – che lấp những yếu điểm ấy. Nhưng giời ạ, nếu tìm ra những người tài năng, thì sao lại cần đến hiệu ứng che lấp ấy làm gì?

Tôi phân tích các "voice" của các thương hiệu tài trợ cho chương trình xem có thương hiệu nào hứng khởi với những màn nhảy múa kia không, có ăn nhập có liên quan gì đến những màn nhảy múa kia không?

Thật tiếc, không!

Cạn lời với nồi lẩu thập cẩm của đêm chung kết The Face - Ảnh 5.

Top 4 trước phần thi "ứng xử".

Màn ứng xử mới là bôi bác. Dù có cô nhà báo khen lấy khen để, nhưng nó thực sự không cần thiết. Chẳng ai đi "đố vui" các thí sinh như thế và làm ra thi thố thật như thi hoa hậu như thế.

Câu hỏi được đọc xong khi thí sinh chưa bước ra hẳn. Thế mà thí sinh nào cũng trả lời trơn tru, mỉm cười thân thiện cứ như sắp đăng quang hoa hậu tới nơi. Tài thật!

Thay vì việc dùng một thời lượng không nhỏ sóng truyền hình trực tiếp cho màn "ứng xử" có một không hai như thế này, thì hãy chèn các TVC hoặc đưa ra các tình huống có thật về việc xử lý tình huống hoặc các khủng hoảng của một người đại diện thương hiệu.

Như thế nó sẽ rất hợp lý bởi các thương hiệu cần người chứng minh hình ảnh và đồng hành cùng chặng đường quảng bá và tạo sự lan toả cho thương hiệu, chứ không phải là những câu hỏi cũ kỹ và những câu trả lời trả bài.

Cạn lời với nồi lẩu thập cẩm của đêm chung kết The Face - Ảnh 6.

Những câu hỏi của BGK cũ kỹ, những câu trả lời của thí sinh như "trả bài".

Chương trình cũng phản ánh một thực tại của showbiz, chỉ cần nổi tiếng để được nhiều người biết đến, sẽ làm đại diện thương hiệu được. Còn kiến thức sản phẩm và cách thức tạo ra sự lan toả cho thương hiệu thì… sang Tây mà xem!

Màn thất bại khá lớn trong chương trình là yếu tố… trang điểm. Thà không có một hãng mỹ phẩm xuất hiện với tư cách nhà tài trợ thì… sao cũng được. Nhưng có nhà tài trợ là một hãng make up và tóc nổi tiếng thế giới, mà tóc tai mặt mũi như thế là thua.

Đầu tiên là sự make up cho Tóc Tiên. Cô có gương mặt ngắn, tóc làm cho dẹp xuống hẳn, càng gợi cảm giác chiều dài của khuôn mặt bị thu hẹp. Mắt vẽ cho dài ra, lại càng làm cho khuôn mặt dài về chiều ngang hơn.

Hồ Ngọc Hà trán cao, tóc quấn lên hết lộ cáo trán… bướng. Các thí sinh chợt hoá thành những phụ nữ trung tuổi với kiểu make up quá già, thay vì cho khán giả thấy vẻ tươi mới và trong sáng của các em.

Cạn lời với nồi lẩu thập cẩm của đêm chung kết The Face - Ảnh 7.

Từ thí sinh cho tới BGK đều bị make up "dìm".

Đấy, những điểm rất nhỏ nhưng để thấy, làm đại diện thương hiệu không phải việc dễ dàng. Khi tất cả hình ảnh của bạn xuất hiện còn chưa hoàn hảo được, đấy chưa nói là xấu, thì thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng.

Bởi vì, mỗi một sản phẩm có một sứ mệnh riêng mà người đại diện nó, hoặc những chương trình quảng bá nó, phải làm cho công chúng thấy được sứ mệnh của nó với những minh chứng cụ thể.

Chứ không thể mỹ phẩm mà ai lên cũng thấy xấu xấu dị dị. Điện thoại mạnh về chụp ảnh thì ảnh toàn là ảnh giả, ảnh không liên quan đến khoảnh khắc thực tại.

Các thương hiệu xuất hiện cũng chẳng được ai nhớ là nó đẹp, nó tiện ích, nó thiết thực như thế nào với cuộc sống con người hiện tại. Chỉ là dăm ba câu sáo rỗng, vài chi tiết minh hoạ thô kệch và thiếu sáng tạo.

Và cuối cùng, The Face đã đem đến một chương trình ca múa nhạc tạp kỹ với những hiệu ứng giả và thô, những thí sinh nhạt nhoà. Họ chỉ đang đại diện cho cái chương trình này, một chương trình khá nhiều sạn, cảm tính và không biết để làm gì, khi mà cả giá trị giải trí lẫn giá trị quảng bá thương hiệu, đều chưa được tìm thấy!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại