Cái kết ở Syria: Iran sẽ là "quân bài" để Nga đánh đổi vấn đề Ukraine?

Quốc Vinh |

Nga đã sẵn sàng để hòa làm một với chương trình nghị sự của Mỹ và Israel, mà trong đó nước này sẽ đạt được những mục tiêu tốt hơn về vấn đề Ukraine.

Thiên biến vạn hóa

Cho đến nay, vẫn chưa ai biết về nội dung đã được thảo luận trong cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh Helsinki.

Tuy nhiên, mọi thứ đang ngày càng trở nên minh bạch hơn và người ta có thể đoán được rằng cuộc chiến ở Syria là chương trình nghị sự chính tại cuộc họp.

Trên thực tế, trong tất cả các vấn đề bất đồng giữa Washington và Moscow (cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, cuộc xung đột ở Ukraine, mở rộng NATO, v.v…), chỉ có Syria là vấn đề dễ giải quyết nhất, theo Al Jaezeera.

Sau sự thất bại của IS ở Syria và mối lo ngại về sự hiện diện của Iran tại đây, Mỹ hiện không có nhiều lợi ích thực sự ở Syria.

Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng ông không muốn giữ lại sự hiện diện quân sự ở Syria sau khi cuộc chiến chống khủng bố kết thúc. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự khó chịu về việc Iran tiếp tục tăng cường ảnh hưởng ở Syria cũng như trên bình diện khu vực.

Cách duy nhất để Mỹ đạt được hai mục tiêu này (rút ​​khỏi Syria và loại trừ Iran) đó là thông qua hợp tác với Nga .

Do đó, khả năng một thỏa thuận giữa hai cường quốc có thể xảy ra, trong đó Mỹ và các đồng minh khu vực (Israel và các nước vùng Vịnh) sẽ thôi gây áp lực với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad (chấp nhận sự thống trị của Nga tại Syria) để đổi lấy “con bài” Iran.

Đây được coi là một thỏa thuận lý tưởng nhất, mà trong đó tất cả các bên đều sẽ hài lòng, tất nhiên là ngoại trừ Tehran.

Truyền thông Nga khẳng định, nước này sẵn sàng hợp tác với Mỹ tại Syria, với mục tiêu không chỉ là ở cuộc chơi Trung Đông, mà còn trên bình diện lớn hơn.

Quay lại Trung Đông đầy bất ngờ

Sau hơn hai thập kỷ, nước Nga đã quay trở lại Trung Đông vào tháng 9/2015 với sự can thiệp vào cuộc nội chiến tại Syria. Cho đến lúc này, khi đạt được những thành công vượt bậc, vẫn còn không ít người bất ngờ về sự nghiêm túc của Nga ở khu vực này.

Trên thực tế, Tổng thống Putin đã theo đuổi đường lối đối ngoại cứng rắn ở những nơi khác, như Georgia năm 2008 và Ukraine vào năm 2014.

Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, liên minh quân sự NATO đã mở rộng ảnh hưởng về phía Đông và gây áp lực lên sát biên giới Nga.

Đối với Tổng thống Putin, khả năng Georgia và Ukraine sẽ trở thành thành viên trong làn sóng mở rộng của NATO là rất lớn; và do đó, ông phải hành động nhanh chóng.

Nhưng ở Syria lại khác. Đây là cuộc viễn chinh đầu tiên của Nga kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Lợi dụng sự lơ là của Mỹ, cuộc khủng hoảng Syria đã cho chính quyền Putin cơ hội vượt qua “vết thương” Liên Xô sụp đổ năm xưa và tái lập Nga trong vị thế một cường quốc thế giới.

Nga đã thành công trong việc bảo vệ chính quyền Bashar al-Assad và ngăn chặn một chiến thắng cho phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn, nhưng động cơ đằng sau sự can thiệp quân sự của Nga vào Syria vượt ra ngoài những động lực nội tại của cuộc xung đột Syria.

Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là vị thế quốc tế và lợi ích địa chính trị của Nga. Trên thực tế, Nga đã sử dụng Syria như một bệ phóng để khẳng định chính mình trên sân khấu quốc tế và cố gắng thay đổi bản chất đơn cực của trật tự toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh. Iran là một công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu đó.

Cái kết ở Syria: Iran sẽ là quân bài để Nga đánh đổi vấn đề Ukraine? - Ảnh 1.

Lợi ích của Iran không còn trùng với lợi ích của Nga khi cuộc chiến Syria kết thúc.

Sự thấu hiểu của Nga và Iran

Từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Syria, Nga đã hậu thuẫn về mặt chính trị và ngoại giao cho chính quyền Assad. Mặc dù vậy, đối với Tổng thống Putin, quyết định can thiệp quân sự chưa hề nằm trên bàn thảo luận của ông cho đến mùa Hè năm 2015, khi Tổng thống Bashar al-Assad và các lực lượng hậu thuẫn của Iran suy yếu và có thể thất bại.

Với bài học xương máu ở Afghanistan vẫn còn đó, chính quyền của Tổng thống Putin quyết định chỉ yểm trợ bằng sức mạnh không quân để tạo nên cán cân có lợi cho Damascus, thay vì hỗ trợ các chiến dịch mặt đất.

Vào tháng 7/2015, Tehran đã cử Tướng Qassem Soleimani, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, đến Moscow để thảo luận chi tiết về sự can thiệp của Nga tại Syria.

Trước đó, Iran hy vọng rằng thỏa thuận hạt nhân và mối quan hệ được cải thiện với chính quyền Obama sẽ giúp giảm bớt áp lực lên vai Tổng thống al-Assad. Suy nghĩ này đã được chứng minh là sai lầm. Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia vẫn tiếp tục tăng cường ủng hộ phe đối lập ở Syria.

Nga đồng ý với yêu cầu của Iran và hai nước đã thiết lập trở thành cặp đôi hiệu quả trong cuộc chiến Syria. Iran cung cấp nhân lực trên mặt đất và Nga cung cấp hỏa lực từ trên không. Những nỗ lực phối hợp giữa Nga và Iran đã thay đổi toàn bộ nội tại của cuộc xung đột Syria về mặt quân sự và chính trị.

Chia tách

Cho đến nay, Nga coi Iran là một đối tác quan trọng trong liên minh Syria. Quốc gia này đã giúp Moscow đạt được các mục tiêu chung, bao gồm đánh bại phiến quân ở Syria, ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh giành được chiến thắng; đáp trả lại những đau thương mà phương Tây gieo rắc cho Libya.

Sau khi hoàn thành tất cả những mục tiêu đó với sự giúp đỡ của Iran, lợi ích của hai đồng minh bắt đầu có sự phân tách. Nga muốn sử dụng lợi ích ở Syria như một quân bài thương lượng với Mỹ để có được mục tiêu cơ bản nhất: Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Iran muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở Syria như một biện pháp ngăn ngừa nguy cơ Mỹ hoặc Israel có thể tấn công trong tương lai.

Khi Mỹ và Israel thể hiện quyết tâm hơn nữa trong việc buộc Iran ra khỏi Syria, vai trò của Tổng thống Putin trở nên quan trọng hơn.

Nếu ông chọn hợp tác, mong muốn của Iran sẽ không thể trở thành hiện thực. Nếu ông quyết định giữ liên minh của mình với Iran, Washington và Tel Aviv sẽ nỗ lực bằng mọi cách để khiến Iran thất bại. Rõ ràng, Tổng thống Putin đang nắm giữ chìa khóa cho vấn đề này.

Tờ Al Jaezeera nhận định, nhà lãnh đạo Nga có vẻ như không còn quan tâm đến lợi ích của Iran ở Syria.

Ông dường như đã sẵn sàng để hòa làm một với chương trình nghị sự của Mỹ và Israel, mà trong đó Nga sẽ đạt được những mục tiêu tốt hơn về vấn đề Ukraine; và hơn cả là dỡ bỏ lệnh trừng phạt phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại