Cái kết ở Syria: Iran lo sợ mất chỗ đứng, Nga ca khúc "khải hoàn"?

Quốc Vinh |

Trong khi Iran lo ngại mọi công sức đổ dồn vào Syria trong những năm qua đổ sông đổ bể, Nga đang dần hoàn thiện những công việc cuối cùng để giúp chính quyền Assad tự đứng bằng đôi chân của chính mình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, tại thành phố Sochi vào tuần trước. Ba nhà lãnh đạo tập trung vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài 8 năm ở Syria , nhưng họ cũng tổ chức các cuộc họp riêng lẻ.

Hội nghị thượng đỉnh này là lần thứ tư kể từ khi các nhà lãnh đạo Erdogan, Putin và Rouhani gặp nhau lần đầu tiên ở Sochi năm 2017, sau lệnh ngừng bắn được thiết lập bởi ba bên ở Syria.

Cả ba nhà lãnh đạo đã đồng ý trong hội nghị thượng đỉnh rằng một cuộc rút quân của Mỹ khỏi vùng đông bắc Syria "sẽ là một bước tích cực giúp ổn định tình hình ở khu vực này, nơi cuối cùng Chính phủ hợp pháp nên thiết lập lại quyền kiểm soát", ông Putin nói trong hội nghị.

Tuy nhiên, cho đến nay, không có thay đổi lớn nào cho thấy mọt cuộc rút quân của Mỹ khỏi Syria đã bắt đầu sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 12.

Đối với Tổng thống Rouhani, sự hiện diện của Mỹ ở Syria và các quốc gia khác không mang lại lợi ích cho quốc gia này. "Mỹ nên xem xét lại chính sách Trung Đông của mình", ông nói trong cuộc họp báo.

Trong khi đó, Tổng thống Erdogan nhắc lại rằng toàn vẹn lãnh thổ của Syria không thể được đảm bảo khi nào người Kurd vẫn còn ở phía Bắc Syria.

Trước khi lên đường tới hội nghị thượng đỉnh ở Sochi, ông Erdogan cũng nói rằng, Ankara muốn có một giải pháp lâu dài ở Syria và phối hợp với Nga để thiết lập một "vùng an toàn" ngăn cách người Kurd trong khu vực.

Mỹ rút quân

Theo cây bút Merve Sebnem Oruc của tờ Daily Sabah, có thể thấy rằng bộ ba có những cách tiếp cận khác nhau về việc ai sẽ lấp đầy khoảng trống ở miền Bắc Syria sau khi Mỹ rút quân.

Điều tương tự đã được thảo luận giữa Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin tại Moscow vào tháng trước. Nhiều người ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và trên toàn thế giới tin rằng ông Putin hiện đang thúc giục ông Erdoğan liên hệ trực tiếp với chính quyền Bashar Assad về vấn đề này.

Một số người ở Nga cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không có quyền tạo ra "vùng an toàn" bên trong Syria trừ khi họ tìm kiếm và nhận được sự đồng ý của Tổng thống Bashar Assad.

Đối với Iran, quan điểm của nước này cũng đồng tình với việc Tổng thống Assad là người đầu tiên mà Ankara cần nói chuyện trước khi muốn thực hiện mục đích chủa mình. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo của Syria trong mắt của Ankara vẫn còn nằm trong mối nghi ngại.

Cái kết ở Syria: Iran lo sợ mất chỗ đứng, Nga ca khúc khải hoàn? - Ảnh 1.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, Nga muốn giúp đỡ Syria củng cố lực lượng an ninh.

Xung đột lợi ích

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, một trong ba quốc gia bảo lãnh của các khu vực giảm leo thang và là đối tác trong tiến trình Astana, đã hậu thuẫn phe đối lập kể từ khi bắt đầu cuộc chiến đẫm máu, Nga và Iran được coi là những người bảo vệ cho chính quyền Assad.

Tuy nhiên, có nhiều xung đột lợi ích giữa Iran và Nga trên mặt đất. Các báo cáo về việc Nga hành động không đồng bộ với các đồng minh do Iran hậu thuẫn trong cuộc chiến đang gia tăng từng ngày và có những đồn đoán rằng Nga sẽ buộc Iran ra khỏi Syria trong nay mai.

Tất nhiên, loại hành động đó sẽ khiến Israel và Mỹ hài lòng, và có nhiều báo cáo cho rằng Nga và Israel đang thực hiện một thỏa thuận như vậy. Nhưng nếu những suy đoán đó là đúng, phản ứng của Iran sẽ ra sao, đặc biệt là sau khi đầu tư quá nhiều vào Syria và chính quyền Assad?

Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ai Cập không giấu giếm mong muốn sẽ bắt tay chính quyền Assad một lần nữa nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, đặt nền móng cho phép Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập. Và một lần nữa, Iran sẽ làm gì nếu chính quyền Assad chọn trở lại với thế giới Ả Rập?

Với những câu hỏi ở trên, cây bút Merve Sebnem Oruc tin rằng, Iran sẽ không từ bỏ chính quyền Assad, sau tất cả những gì họ đã hy sinh để có được chỗ đứng ở Syria.

Mặt khác, các nước Ả Rập do UAE đứng đầu đã sẵn sàng hỗ trợ người Kurd để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria; trong khi Tổng thống Assad sẽ không chấp nhận đề nghị quay trở lại thế giới Ả Rập.

Về phần Nga, Tổng thống Putin đã có một cái kết viên mãn ở Syria trên cơ sở bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này.

Khi cuộc chiến kết thúc, nhà lãnh đạo Nga sẽ không muốn mang chính quyền Assad như một gánh nặng trên vai, trong khi ông đã chứng tỏ xong việc Nga có thể mang lại sự ổn định cho một quốc gia bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông nơi người Mỹ không bao giờ có thể thành công.

Vấn đề mà Moscow đang nhắm tới là xây dựng lực lượng an ninh cho tương lai của Syria, khi quân đội quốc gia này đã tổn thất nhiều trong cuộc chiến.

Hiện tại, rất có thể ông Putin đang thực hiện các công việc xoay quanh vấn đề này và nói chuyện trực tiếp với người đồng cấp Erdoğan, cũng như gián tiếp với Tổng thống Trump.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại