Cách thức... quái dị mà NASA dùng để thông báo khi thiên thạch hủy diệt Trái đất xuất hiện

Gia Bảo |

Khi một thiên thạch từ đâu bay đến đe dọa "tính mạng" của Trái đất, NASA sẽ làm gì để ngăn chặn hiểm họa đó? Và cái cách họ thông báo cho chúng ta thì thực sự... quái lạ.

Trong vũ trụ, có rất nhiều tiểu hành tinh - hay còn gọi là thiên thạch. Có điều, xác suất để một hành tinh có kích thước 1,5 km va chạm với Trái đất chỉ là một lần trong một triệu năm.

Cách thức... quái dị mà NASA dùng để thông báo khi thiên thạch hủy diệt Trái đất xuất hiện - Ảnh 1.

Nói cách khác, khả năng xuất hiện thiên thạch có sức san bằng một thành phố hay thậm chí xóa sổ Trái đất trong tương lai là rất thấp. Nhưng thấp chứ không phải là không có.

Vì thế, NASA và FEMA (Cơ quan Liên bang Quản trị Khẩn cấp Hoa Kỳ) phải luôn trong tư thế sẵn sàng ngăn ngừa các hiểm họa đến từ vũ trụ.

Khi một thiên thạch "nhăm nhe" tấn công Trái đất, họ sẽ thông báo như thế nào?

Khi có vật thể lạ mon men đến gần Trái đất, MPC (Trung tâm tiểu hành tinh) sẽ gửi thông tin khẩn này đến một số ít nhà khoa học ở NASA bằng… tin nhắn hoặc email. Vâng bạn không nhìn nhầm đâu, chính là bằng tin nhắn điện thoại đó.

Cách thức... quái dị mà NASA dùng để thông báo khi thiên thạch hủy diệt Trái đất xuất hiện - Ảnh 2.

Bên trong phòng điều khiển của NASA

Lúc này, họ sẽ bắt đầu sử dụng kính thiên văn để quan sát vật thể và thu thập các dữ liệu như kích cỡ hay quỹ đạo của nó.

Tuy vậy, Gareth Williams, phó giám đốc của MPC cho biết: "Thông thường, khi chúng tôi bắt đầu nghiên cứu sâu một vật thể lạ nào đó thì lại thấy nó không còn nguy hiểm nữa."

Cách thức... quái dị mà NASA dùng để thông báo khi thiên thạch hủy diệt Trái đất xuất hiện - Ảnh 3.

Còn khi nhận thấy tình hình có vẻ "căng", NASA sẽ liên lạc với Nhà Trắng, sau đó tổ chức một buổi họp báo đưa tin rộng rãi đến công chúng.

Trước đó, NASA đã phải thảo luận kỹ càng với MPC, tránh đưa ra bất kỳ kết luận vội vàng nào.

Cách thức... quái dị mà NASA dùng để thông báo khi thiên thạch hủy diệt Trái đất xuất hiện - Ảnh 4.

Một buổi họp báo công bố các thiên thạch mới phát hiện của NASA

Tuy nhiên, sĩ quan Lindley Johnson làm việc tại NASA cho biết: "Vì quá trình quan sát thiên thạch có thể được theo dõi qua Internet nên trước khi có thông báo chính thức, vấn đề đã được cư dân mạng… bàn luận sôi nổi rồi."

Hay nói cách khác, khi chúng ta được thông báo tận tai thì gần như cả thế giới đã nắm được thông tin.

Vậy phải làm thế nào để Trái đất không bị thiên thạch đâm vào?

NASA đã lập bản đồ quỹ đạo cho 90% số thiên thạch mới được phát hiện có kích thước lớn hơn 1 km và sắp tới là các thiên thạch có kích thước lớn hơn 140m.

Việc này không phải là "nghiên cứu cho vui" mà nhằm bảo vệ Trái đất khỏi các hiểm họa va chạm tiềm tàng trong vòng 100 năm tới.

Cách thức... quái dị mà NASA dùng để thông báo khi thiên thạch hủy diệt Trái đất xuất hiện - Ảnh 5.

Quỹ đạo của hơn 1400 thiên thạch có khả năng gây nguy hiểm cho Trái đất

Họ cùng với FEMA cũng đang nghiên cứu các phương pháp làm chệch hướng thiên thạch nếu có tiểu hành tinh nào di chuyển quá gần bầu khí quyển của chúng ta.

Dù chưa thử nghiệm thực tế, về mặt lý thuyết, NASA có thể sử dụng tia laser để làm lệch quỹ đạo thiên thạch gây nguy hiểm, hoặc dùng bom nguyên tử cho "nổ tung" nó luôn.

Cách thức... quái dị mà NASA dùng để thông báo khi thiên thạch hủy diệt Trái đất xuất hiện - Ảnh 6.

Ý tưởng dùng tia laser làm lệch quỹ đạo thiên thạch của NASA

Cách thức... quái dị mà NASA dùng để thông báo khi thiên thạch hủy diệt Trái đất xuất hiện - Ảnh 7.

Và ý tưởng dùng bom cho "nổ tung" thiên thạch gây nguy hiểm

NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu hiện cũng đang bắt tay hợp tác thực hiện nhiệm vụ mang tên "Đánh giá Mức độ Ảnh hưởng và Chệch hướng của Thiên thạch" (AIDA) nhằm đo độ hiệu quả của việc dùng tàu vũ trụ đâm thẳng vào thiên thạch để làm lệch quỹ đạo của nó.

Cách thức... quái dị mà NASA dùng để thông báo khi thiên thạch hủy diệt Trái đất xuất hiện - Ảnh 8.

Hoặc dùng tàu vũ trụ đâm thẳng vào thiên thạch

Nếu mọi việc suôn sẻ, trong tương lai, công cuộc bảo vệ Trái đất khỏi "Tận thế" sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Nguồn: AOL

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại