Các trường đại học Mỹ “ly khai” hãng Huawei do sức ép lớn từ ông Trump

Trung Hiếu |

Đòn công kích của chính quyền Mỹ vào hãng viễn thông Huawei (Trung Quốc) đã lan rộng sang nhiều trường đại học Mỹ, khiến họ ghẻ lạnh Huawei.

Các trường đại học hàng đầu của Mỹ đang loại bỏ thiết bị viễn thông do hãng Huawei và các công ty Trung Quốc khác chế tạo nhằm tránh bị cắt giảm ngân sách liên bang rót xuống các trường này theo một luật an ninh quốc gia mới, được chính quyền Tổng thống Mỹ Trump hậu thuẫn.

Các quan chức Mỹ cáo buộc các nhà sản xuất viễn thông Trung Quốc đang chế tạo các thiết bị được cho là giúp chính phủ Trung Quốc theo dõi người sử dụng ở nước ngoài, bao gồm các nhà nghiên cứu phương Tây đang tham gia các dự án công nghệ mũi nhọn.

Về phần mình, Bắc Kinh và các công ty Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc đó.

Tháo bỏ thiết bị Trung Quốc, đề phòng “cửa hậu”

Đại học California tại Berkeley (Mỹ) đã loại bỏ một hệ thống truyền hình hội thảo của Huawei (Hoa Vi), trong khi cơ sở của hệ thống trường này ở Irvine thì đang nỗ lực thay thế 5 thiết bị nghe nhìn do Trung Quốc sản xuất. Các trường khác, như Đại học Wisconsin, cũng đang trong quá trình xem lại các bên cung cấp thiết bị của mình.

Đại học UC San Diego thậm chí còn đi một bước xa hơn nữa. Hồi tháng 8/2018, trường này tuyên bố rằng trong ít nhất 6 tháng, họ sẽ không chấp nhận nguồn tiền từ các hãng Huawei, ZTE, và các nhà cung cấp thiết bị nghe nhìn khác của Trung Quốc. Trường này cũng sẽ không tham gia các thỏa thuận với các công ty đó.

Các diễn biến này, trước đây không được phản ánh, cho thấy nỗ lực của các trường đại học Mỹ trong việc xa lánh các công ty Trung Quốc mà trong nhiều năm đã cung cấp cho các trường cả thiết bị kỹ thuật lẫn tài trợ nghiên cứu hàn lâm. Hiện nay, các trường này đều nằm trong “tầm ngắm” công kích của chính quyền Tổng thống Trump liên quan đến Huawei.

Các động thái đó đều là để đáp lại đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) mà Tổng thống Trump ký thành luật vào tháng 8/2018. Một điều khoản của luật này cấm những đối tượng nhận tiền từ ngân quỹ liên bang được sử dụng các thiết bị viễn thông, dịch vụ ghi hình và các nhân tố kết nối mạng do Huawei hoặc ZTE sản xuất. Danh sách đen này của Mỹ còn bao gồm các nhà cung cấp thiết bị nghe nhìn của Trung Quốc như Hikvision, Hytera và Dahua Technology cùng các công ty liên kết.

Giới chức Mỹ lo ngại các nhà sản xuất thiết bị nói trên sẽ tạo ra một cửa hậu giúp các nhân viên tình báo của quân đội và chính phủ Trung Quốc thu thập thông tin.

Các trường đại học nào không tuân thủ NDAA vào tháng 8/2020 thì có nguy cơ mất tiền tài trợ của liên bang cho hoạt động nghiên cứu, cũng như các nguồn khác từ chính phủ.

NDAA là cú đòn giáng mạnh vào các cơ sở giáo dục công như là hệ thống Đại học California, với tiền ngân sách từ liên bang dành cho họ đã bị giảm mạnh liên tục trong thập kỷ qua.

Bao vây hãng Huawei

Luật mới NADAA nằm trong một chiến lược rộng lớn hơn của chính quyền Tổng thống Trump nhằm chống lại cái mà họ gọi là mối đe dọa ngày càng tăng nhằm vào sức cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Trump đã áp thuế quan lên hàng loạt hàng hóa Trung Quốc và đặt ra nhiều rào cản đối với các công ty nước ngoài muốn mua cổ phần trong các công ty công nghệ của Mỹ, khiến sự đầu tư của Trung Quốc vào thung lũng Silicon sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, vào năm 2018 Tổng thống Trump đã ký ban hành luật cấm chính quyền Mỹ mua một số thiết bị viễn thông và theo dõi nhất định từ hàng Huawei và ZTE. Ông Trump đang xem xét một lệnh cấm tương tự đối với việc các công ty Mỹ mua thiết bị của Trung Quốc.

Ở tâm bão này là Huawei, một gã khổng lồ toàn cầu về điện thoại thông minh (smartphone) và thiết bị kết nối mạng viễn thông. Giám đốc tài chính Huawei, Mạnh Vãn Chu, đã bị quản thúc tại gia ở Canada kể từ tháng 12/2018 với cáo buộc nói dối về mối quan hệ của Huawei với Iran. Một nhân viên Huawei khác đã bị bắt ở Ba Lan vào tháng 1/2019 với cáo buộc làm gián điệp.

Các trường đại học Mỹ giờ đã bắt đầu ngấm đòn từ các chính sách của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cắt ngắn thời hạn thị thực (visa) đối với một số nghiên cứu sinh sau đại học của Trung Quốc. Chính quyền Mỹ còn đang xem xét các hạn chế mới áp đặt lên các sinh viên Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ. Sinh viên Trung Quốc cho đến nay là nhóm sinh viên nước ngoài đông nhất ở Mỹ và đem lại nguồn doanh thu lớn cho các trường đại học.

Sức ép phải từ bỏ Huawei và các nhà cung cấp viễn thông của Trung Quốc càng làm cho các trường đại học Mỹ thêm căng thẳng.

Ngoài Đại học Wisconsin, khoảng 6 trường đại học nữa, bao gồm UC Los Angeles, UC Davis, và Đại học Texas ở Austin, nói với hãng tin Reuters rằng họ đang trong quá trình xem xét lại thiết bị viễn thông của mình, hoặc đã làm vậy và quyết định sẽ tuân thủ NDAA.

Ngăn chặn mối nguy từ “hợp tác nghiên cứu”

Huawei không chỉ là một nhà cung cấp thiết bị, họ còn tham gia sâu vào các chương trình nghiên cứu của một số trường đại học Mỹ với tư cách là nhà tài trợ, như trường Đại học Stanford, UC San Diego, Đại học Texas, Đại học Maryland, và Đại học Illinois Urbana-Champaign.

Ngoài lệnh cấm thiết bị, đạo luật NDAA còn kêu gọi xây dựng các quy định sẽ giới hạn hợp tác nghiên cứu và các thỏa thuận khác mà các trường đại học đã ký với Trung Quốc.

Luật này yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ làm việc các trường đại học về cách thức phòng vệ trước tệ ăn cắp tài sản trí tuệ và về xây dựng quy chế mới nhằm bảo vệ các học giả Mỹ trước sự “khai thác, bóc lột” của các đối tác nước ngoài. Các trường đại học Mỹ nào không tuân thủ được các quy định này sẽ có nguy cơ bị cắt tiền viện trợ từ Bộ Quốc phòng Mỹ.

Hồi tháng 6/2018, 26 nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã gửi một lá thư cho Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos, gióng lên hồi chuông cảnh báo về quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa Huawei và hơn 50 trường đại học Mỹ mà theo họ có thể “tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia”.

Các nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Bộ trưởng DeVos yêu cầu các trường đại học nộp thông tin về các thỏa thuận đó.

Trong một diễn biến khác, một báo cáo hồi tháng 6/2018 của Nhà Trắng xác định một hợp tác nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo giữa trường đại học UC Berkeley và hãng Huawei có nguy cơ tạo điều kiện cho Trung Quốc thu thập thông tin tình báo phục vụ các tham vọng quân sự và chiến lược của Bắc Kinh. Mối quan hệ nghiên cứu này bắt đầu từ năm 2016.

Quan hệ lạnh nhạt

Phát ngôn viên UC Berkeley Dan Mogulof nói rằng trường của ông không tham gia nghiên cứu liên quan đến bí mật thương mại và trường này chỉ tham gia hợp tác nghiên cứu với các kết quả được công bố công khai. Các nghiên cứu mã mở như vậy không chịu sự điều chỉnh của các quy định liên bang.

Mogulof cho biết, trường UC Berkeley không có kế hoạch thay đổi bất cứ quan hệ đối tác nghiên cứu nào mà họ đã thiết lập với Huawei. Công ty Trung Quốc này tham gia vào ít nhất 5 sáng kiến nghiên cứu của UC Berkeley, như ô tô tự lái, công nghệ không dây... bên cạnh trí tuệ nhân tạo (AI).

Tuy nhiên, một nguồn tin giấu tên cho hay quan hệ giữa trường UC Berkeley và Huawei đã lạnh nhạt đi nhiều và một số nghiên cứu viên của trường này đang lựa chọn ngừng các thỏa thuận nghiên cứu với Huawei./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại