Cả nước xúm vào xem Công Phượng thì chỉ làm khó cả một nền bóng đá

Bảo Anh |

Trận gặp Campuchia vừa rồi là một bằng chứng sống động nữa cho thấy cái biệt danh "Messi Việt Nam" lẽ ra không bao giờ nên gắn với Công Phượng.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất và có thể là duy nhất giữa Messi và các cầu thủ còn lại trên trái đất đó là ngôi sao người Argentina không bao giờ sút bóng nếu cơ hội ăn bàn không thực sự rõ ràng. Messi luôn tìm kiếm một đồng đội ở vị trí thuận lợi hơn và thực hiện một đường chuyền có giá trị bằng một nửa bàn thắng.

Và trong tình huống 4 đánh 3 với rất nhiều "nước đi", Messi chắc chắn sẽ chọn giải pháp hợp lý nhất chứ không dẫn bóng thẳng vào vòng vây của hậu vệ đối phương để rồi mất bóng dẫn đến bàn thua như Công Phượng vừa làm trước Campuchia.

Sau pha bóng đáng trách ấy, Công Phượng gần như không còn được chạm bóng trong quãng thời gian rất dài tiếp theo của hiệp 1. Các vị trí còn lại của ông Mai Đức Chung có vẻ đều tránh chuyền bóng cho Công Phượng.

Chỉ đến khi những Văn Quyết, Minh Tuấn, Trọng Hoàng hay Hoàng Thịnh bắt đầu xuống sức, Công Phượng mới được tham gia nhiều hơn vào các pha phối hợp của ĐT Việt Nam (nhưng cuối cùng vẫn bị thay ra).

Cả nước xúm vào xem Công Phượng thì chỉ làm khó cả một nền bóng đá - Ảnh 1.

Công Phượng, sau gần nửa thập kỷ được suy tôn như tài năng hứa hẹn nhất của bóng đá Việt Nam kể từ thời Văn Quyến, vẫn "trung thành" với lối đá gây ức chế cho đồng đội.

Cách giải quyết vấn đề "đối nghịch Messi" của Công Phượng khiến những "vệ tinh" xung quanh có thể chán chẳng buồn chạy chỗ mỗi khi cầu thủ từng dính tranh cãi khai sai tuổi có bóng. Bởi họ tin rằng Công Phượng sẽ lại cắm cúi rê dắt thay vì thảy trái bóng ra một vị trí thông thoáng hơn.

Những pha xử lý rắc rối của Công Phượng khiến đồng đội gặp khó trước Campuchia

Trước những đối thủ non nớt như U22 Timor Leste hay U19 Australia, Công Phượng có thể thành công với hành động lao đầu vào đám đông. Nhưng nếu phía trước không phải là bầu trời mà lại là một hậu vệ già dơ không bị thất thế, ngay cả Messi "xịn" cũng phải hãm bóng chứ đừng nói là Messi "dỏm".

Từng được du học từ Mali tới Nhật Bản, Công Phượng chắc cũng nhận thức được là mình đang lạm dụng kỹ thuật cá nhân một cách quá đáng. Vậy tại sao cục cưng của bầu Đức không thể chơi bóng bớt "tối" hơn? Điều này có lẽ nên hỏi... Thủy Tiên.

Cô ca sĩ kết hôn với cựu tiền đạo Lê Công Vinh đã khiến nhiều người nổi đóa khi khẳng định rằng các đội U19, 22 hay 23 (với Công Phượng là avatar) không đại diện cho một nền bóng đá, rằng VFF không nên vì giải U20 thế giới, vòng loại U23 châu Á và "ao làng" SEA Games mà đóng cửa V-League gần hết năm 2017.

VFF hẳn cũng biết làm thế là chẳng giống ở nước nào, nhưng chắc do dân tình quá đắm đuối với Công Phượng và các nhân tố ăn khách khác từ lò HAGL như Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Toàn nên cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam đành "kéo lùi" V-League - giải đấu vốn là nguồn cung cấp nhân lực chủ đạo cho ĐTQG và cũng là bộ mặt của cả một làng cầu.

Cả nước xúm vào xem Công Phượng thì chỉ làm khó cả một nền bóng đá - Ảnh 3.

V-League dừng dài hạn khiến nhiều cầu thủ không duy trì được phong độ và thể lực.

Vì V-League bị hoãn hàng tháng, cảm giác bóng và thể lực của các cầu thủ trên 22 tuổi của ĐT Việt Nam suy giảm nghiêm trọng ở trận gặp Campuchia.

Mới giữa hiệp 2 mà Huy Hùng và Hoàng Thịnh đã chuột rút, Minh Tuấn chấn thương. Trong khi các đàn anh bị đói bóng dẫn đến suy nhược, lứa Công Phượng, Văn Thanh và Văn Hậu lại quá tải vì phải thi đấu triền miên suốt những tháng gần đây.

Giả sử cả nước không xem (nói chính xác là không tôn sùng hoặc mổ xẻ quá mức) Công Phượng và lứa cầu thủ "chưa đủ tuổi" để rồi thờ ơ với thế hệ Văn Quyết, bóng đá Việt Nam có lẽ sẽ không còn phải vật vã trước Campuchia.

Còn trong trường hợp đông đảo NHM vẫn "cuồng" Công Phượng như hiện tại, bản thân cầu thủ gốc Đô Lương sẽ tiếp tục tụt dốc vì lúc nào cũng bị thôi thúc phải thể hiện sự khác biệt để xứng với biệt danh "Messi Việt Nam".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại