Brexit: "Sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý thứ hai"

N. Thương |

Chính phủ Anh vừa bác bỏ một bản kiến nghị trực tuyến được 4,1 triệu dân Anh ký tên để kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc Anh rời bỏ EU.

Một e-mail được gửi đến những người ký tên vào bản kiến nghị này với nội dung rằng Thủ tướng và chính phủ Anh đã “tuyên bố rõ ràng đây là cuộc bỏ phiếu của cả thời đại”, quyết định đã đưa ra “phải được tôn trọng” và “chúng ta bây giờ sẽ chuẩn bị cho quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)”.

Bản kiến nghị trực tuyến trên website của Quốc hội Anh lần này thu thập nhiều chữ ký nhất từ trước đến nay. 

Bản kiến nghị ghi rõ: “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ áp dụng một quy định rằng nếu tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ít hơn 75% và cuộc trưng cầu dân ý có kết quả ủng hộ việc đi hay ở lại EU ít hơn 60% tổng số phiếu thì sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý khác”.

Thế nhưng, Bộ Ngoại giao Anh đã phản hồi rằng điều luật quy định về trưng cầu dân ý của Anh không ghi cụ thể các điều kiện tối thiểu về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu hay ngưỡng tối thiểu cho kết quả chiến thắng trong cuộc trưng cầu.

Trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hôm 23-6, 52% công dân Anh đã bỏ phiếu đồng thuận ủng hộ việc Anh rời khỏi EU. 

Hôm 27-6, Thủ tướng Anh David Cameron đã nói rõ với Quốc hội rằng cuộc trưng cầu vừa qua là “một trong những bài học dân chủ lớn nhất trong lịch sử nước Anh” với sự tham gia góp tiếng nói của hơn 33 triệu người dân.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông tin rằng Anh sẽ rời bỏ Liên minh châu Âu bất chấp nhiều ý kiến dự đoán rằng kết quả trưng cầu dân ý về Brexit có thể sẽ đảo chiều. Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Warsaw (Ba Lan), ông Obama nói: 

“Tôi nghĩ chúng ta cần phải chấp nhận rằng kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý đã được thông qua với rất nhiều sự chú ý, một chiến dịch dài hơi và tỷ lệ người tham gia bỏ phiếu cao vẫn sẽ được bảo lưu”.

Mặc dù đã từ chối đề nghị tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai nhưng email phản hồi của Chính phủ Anh cũng nói rằng bản kiến nghị trực tuyến này sẽ được Ủy ban Thỉnh nguyện (Petitions Committee) cân nhắc để đưa ra tranh luận trước Quốc hội vì nó đã thu thập được hơn 100.000 chữ ký. 

Ủy ban này bao gồm 11 nghị sĩ quốc hội và “hầu như luôn luôn” tổ chức tranh luận về những bản kiến nghị thu thập được trên 100.000 chữ ký. Trước đó, ủy ban đã điều tra bản kiến nghị lần này và loại bỏ hơn 77.000 chữ ký giả mạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại