Bộ trưởng Dũng: “Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa…”

Hoàng Đan |

"Thủ tướng nói Chính phủ sẽ không đi bán bia, bán sữa. Nói cách khác, những việc đó, Chính phủ không cần nắm giữ, doanh nghiệp tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm...".

Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước là rất quan trọng

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, chủ đề phiên họp Chính phủ tháng 8 là tiết kiệm, sử dụng tài sản công trong mua sắm, trụ sở, xe công.

Tới đây, sẽ có chỉ thị, văn bản quy định siết chặt các đối tượng được sử dụng xe công, đưa đón và không dùng xe công vào việc riêng, đặc biệt trong đi lễ hội, đình chùa với tinh thần rất công khai.

Một nội dung quan trọng là Thường trực Chính phủ cũng đã nghe việc thoái vốn DNNN.

"Thủ tướng nói Chính phủ sẽ không đi bán bia, không đi bán sữa. Hay nói cách khác, những việc đó Chính phủ không cần nắm giữ, doanh nghiệp tư nhân làm tốt hơn thì để cho tư nhân làm và dành tiền đó cho đầu tư lĩnh vực then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Với tinh thần niêm yết trên sàn chứng khoán, đấu thầu tư vấn và phải đấu giá công khai dựa trên giá giao dịch thị trường, dựa trên tư vấn để đưa giá khởi điểm công khai dưới sự giám sát của người dân.

Chỉ cần làm sao giữ được thương hiệu và thu được hiệu quả cao nhất của Nhà nước, để sử dụng đồng tiền đó hiệu quả, minh bạch và người dân sử dụng đồng tiền ấy hiệu quả", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nói thêm về việc thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có Habeco và Sabeco, theo Bộ trưởng Dũng, đây là vấn đề quan trọng, được dư luận, cán bộ đảng viên rất quan tâm và cũng là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước.

Sau khi cổ phần hóa, yêu cầu phải niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc Habeco và Sabeco chưa niêm yết là trách nhiệm của 2 công ty này.

Để bảo đảm công khai, minh bạch, Thủ tướng đã yêu cầu Habeco, Sabeco phải tiến hành niêm yết ngay trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn Nhà nước.

Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn Nhà nước.

Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng thông tin thêm, luật đã quy định rõ những, trong phạm vi 90 ngày, phải rà soát, đăng ký là doanh nghiệp đại chúng.

Bộ trưởng Dũng: “Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa…” - Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Mai (Thứ trưởng Bộ Tài Chính, người đứng).

Sau 1 năm cổ phần hóa đã phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết niêm yết trên thị trường chứng khoán. Rõ ràng việc niêm yết trên thị trường là bắt buộc, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa thì phải đẩy mạnh niêm yết.

Hậu Formosa: Bao giờ người dân nhận được đền bù?

Về việc hậu đền bù sau sự cố Formosa, được biết Formosa đã chuyển hết tiền bồi thường cho Chính phủ Việt Nam, vậy đến bao giờ người dân mới được tiếp cận với khoản tiền đền bù mà họ sẽ được nhận này?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ được Chính phủ phân công đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn các địa phương triển khai việc kê khai thiệt hại, tính toán thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp sau sự cố xả thải của Formosa.

Ngày 12/8, Bộ đã có công văn số 851 hướng dẫn về việc kê khai thiệt hại, sau đó ngày 27/8 tiếp tục tổ chức hội nghị để lắng nghe ý kiến của các địa phương bị thiệt hại về việc này.

Tại hội nghị, các địa phương đề nghị Chính phủ kéo dài thêm 5 ngày, tức đến ngày 15/9 thì mới báo cáo tổng hợp được về mức đột hiệt hại của địa phương theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình.

Ngày 29/8, sau khi nghe báo cáo của Bộ NN&PTNT cùng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có kết luận đồng ý về việc kéo dài thời gian cho các địa phương báo cáo, kê khai thiệt hại đến ngày 15/9.

Giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp và kiến nghị về phân bổ bồi thường cho các địa phương để làm sao cuối tháng 9 tới, Thủ tướng Chính phủ có thể ký quyết định phân bổ kinh phí bồi thường cho các địa phương.

Còn việc triển khai bồi thường, hỗ trợ cho người dân, các đơn vị, tổ chức chịu thiệt hại sẽ thực hiện sau đó.

Tuy nhiên còn rất nhiều thủ tục liên quan đến tính toán định mức, đơn giá của các tỉnh để áp giá ra sao thì còn rất nhiều thủ tục phải thực hiện theo quy trình bắt buộc. 

Vấn đề quan trọng không phải là nhanh hay chậm mà phải đảm bảo những tổ chức, cá nhân, đặc biệt những người, tổ chức trực tiếp chịu thiệt hại do sự cố này phải được kê khai không thiếu sót trường hợp nào và được bồi thường đúng theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch. 

Chính phủ đang chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt làm để sớm hoàn thành.

Đối với thông tin, hiện còn tồn 4.000 tấn hải sản ở miền Trung do chưa có cơ quan chuyên môn khẳng định cá miền Trung an toàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay:

Về việc xử lý 3.900 tấn cá hiện đang được bảo quản tại kho lạnh của 4 địa phương miền Trung, với nguyên tắc là đặt sức khỏe người dân nên hàng đầu, Bộ Y tế đã khẩn trương phối hợp với Bộ NN&PTNT hướng dẫn các địa phương phân lô các kho cá.

Trên cơ sở phân lô các kho cá đó, Bộ Y tế sẽ lấy mẫu tất cả các lô cá để kiểm nghiệm và chỉ cho lưu hành những lô nào đạt tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân, còn những lô nào không đủ tiêu chuẩn sẽ phải tiêu hủy.

Liên quan đến vấn đề mùi hôi ở phía Nam TP Hồ Chí Minh và nhiều ý kiến đang nghi ngờ do khu xử lý rác thải Đa Phước gây ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết:

Các mùi hôi đang gây khó khăn cho dân cư ở Nhà Bè (Bình Chánh, quận 7), UBND TP HCM, Sở TNMT đã trực tiếp khảo sát, kiểm tra. Sở TN và MT nhận định toàn bộ hoạt động của công ty môi trường Đa Phước là nguyên nhân chính...

Theo Bộ trưởng, việc xử lý rác chủ yếu dựa vào việc chôn lấp với công nghệ, quy chuẩn đã được áp dụng tại Mỹ.

Nhưng qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều hạng mục liên quan xử lý nước rác cần có bể chứa, nhưng bể chứa đó hiện chưa hoàn thành.

Ngoài ra, quy trình nhận dạng rác, công nghệ sinh học để xử lý rác chưa hợp lý. Vấn đề ở đây phải thu được khí sau khi xử lý rác.

"Xử lý bằng chôn lấp ở nhiều nước vẫn phải chấp nhận, tuy nhiên công nghệ chon lấp chưa triệt để nên sau khi chon lấp, việc thu gom khí, quản lý bãi rác là vấn đề lớn, đặc biệt trong điều kiện đất đai của ta chưa nhiều.

Chôn lấp chỉ là giải pháp trước mắt, nhưng được nhiều nước sử dụng khá phổ biến. Cần có kiểm tra đánh giá thật kỹ Công ty Đa Phước đã áp dụng đúng quy trình, quy chuẩn hay chưa.

Bài toán quy hoạch, TP HCM đã thừa nhận theo quy hoạch trước đây như thế là hợp lý, nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, cần có tầm nhìn xa hơn, rộng hơn.

Quy hoạch theo vùng, có cơ chế phối hợp giữa thành phố này với các địa phương khác.

Việc bố trí các khu dân cư, đô thị luôn có xung đột với quy hoạch xử lý rác thải. Có lẽ bài toán về lâu dài là áp dụng công nghệ xử lý rác hiện đại: thiêu đốt, rác điện thì mới giải quyết dứt điểm được thực trạng này.

UBND và HĐND TP phải cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn DN, giá thành", Bộ trưởng nói.

Về thông tin, Bộ KH và ĐT từng nhiều lần can ngăn, nhưng không hiểu sao vẫn được TP cho phép công ty Đa Phước này hoạt động, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu cho biết, sẽ kiểm tra lại. Đồng thời, ông cho hay, Bộ không can dự vào bất cứ dự án nào của địa phương, họ phải chủ động cấp phép đầu tư theo Luật Đầu tư 2005.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại