"Bộ đội nhà Phật" và tinh thần quốc tế cao cả

Trang Hoàng - Thu Thủy |

Dù đã ở tuổi 88, Trung tướng, Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Khuất Duy Tiến (nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu; nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1) vẫn không thể quên ký ức đặc biệt cách đây 40 năm.

Khi ấy, ông là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, trực tiếp tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (26/9/1989-26/9/2019), Anh hùng Khuất Duy Tiến có những kiến giải vì sao Quân tình nguyện Việt Nam được nhân dân Campuchia gọi là “Bộ đội nhà Phật”.

Cuộc chiến bắt buộc

Cuộc xung đột ở biên giới Tây Nam ngay sau ngày chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra như thế nào, thưa Trung tướng?

Ngày 30/4/1975, khi Sư đoàn 320 chúng tôi tiến vào giải phóng Sài Gòn, tôi đã chứng kiến những người lính của mình trong niềm hưng phấn chiến thắng đã tự tin tuyên bố: “100 năm nữa cũng không có thằng nào dám đánh Việt Nam”.

Bộ đội nhà Phật và tinh thần quốc tế cao cả - Ảnh 1.

Trung tướng, Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Khuất Duy Tiến


Không ai ngờ chỉ 3 ngày sau, tập đoàn Pol Pot đã cho quân đổ bộ lên đảo Phú Quốc, đánh chiếm các đảo: Cô Tang, Vai, Thổ Chu, lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Ban đầu, trong suy nghĩ của chúng tôi, đó chỉ là tranh chấp thông thường, những mâu thuẫn biên giới…

Một cuộc đổ máu giữa hai đất nước anh em, láng giềng truyền thống là điều không ai ngờ tới. Tuy nhiên, tình hình ngày càng nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu, chỉ tính từ ngày 30/4/1975 đến tháng 6/1977, Pol Pot đã xâm phạm biên giới hơn 2.000 lần, đặc biệt là đợt tiến công quy mô lớn từ tháng 9/1977, gây tổn thất cho ta 4.000 người.

Những cuộc tấn công đó không phải là hành động bộc phát mà có hệ thống, quy mô ngày càng lớn, hành động vô cùng tàn bạo, được chuẩn bị kỹ lưỡng của tập đoàn phản động Pol Pot…

Trung tướng có nhiều năm tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới và giúp bạn giải phóng, hẳn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, ông có thể chia sẻ?

Điều ám ảnh tôi đến tận bây giờ là hôm cùng Thiếu tướng (sau này là Thượng tướng) Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng tham mưu trưởng lên thị sát khu vực Xa Mát thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Lúc chúng tôi đến, khắp nơi là xác trẻ em, người già và phụ nữ.

Xác người la liệt trong nhà, ngoài sân, sau vườn. Quân Khmer Đỏ không giết người bằng súng mà bằng rìu đốn củi. Anh Lê Ngọc Hiền vốn nổi tiếng là người bản lĩnh, cứng rắn, chứng kiến cảnh đó chỉ biết gọi tôi “Tiến ơi!”, rồi bật khóc. Cả đoàn chúng tôi khóc theo.

Và một kỷ niệm nữa là lần tôi phải ra một quyết định vô cùng khó khăn. Đó là khi trực tiếp hạ lệnh pháo kích vào vị trí mà đồng đội tôi đang ở đó.

Ấy là một ngày đầu tháng 8/1978, sau 20 ngày đêm chiến đấu với địch ở Phum Sâm (Kampong Cham, Campuchia), Tiểu đoàn 9 với 150 người đã đánh vài chục trận, đẩy lùi quân địch có hỏa lực mạnh và đông hơn nhiều lần. Nhưng ta cũng chịu nhiều tổn thất.

Con đường tiếp tế và hướng chi viện bị quân địch chặn đứng. Mặc dù Trung đoàn 64 nhiều lần tổ chức giải vây nhưng không thành công.

Trước thử thách khắc nghiệt, Đảng ủy và chỉ huy Tiểu đoàn 9 lãnh đạo, chỉ huy đơn vị kiên quyết chiến đấu, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giữ vững trận địa. Ngày 7/8/1978, địch cho hơn một tiểu đoàn và 3 xe tăng tấn công vào chốt.

Lúc này, tình thế vô cùng gay go. Phải quyết tâm giữ chốt và bảo vệ thương binh, tử sĩ, Tiểu đoàn trưởng Khuất Duy Hoan hội ý chớp nhoáng với Chính trị viên Hà Thanh Minh, quyết định xin pháo cấp trên bắn trùm lên trận địa.

Nhận được điện đặc biệt của Tiểu đoàn 9, chỉ huy Trung đoàn 64 báo cáo cấp trên và tôi đã đồng ý cho pháo 155mm dùng ngòi nổ trên không bắn chi viện.

Hôm ấy, gọi điện cho đồng chí Khuất Duy Hoan yêu cầu chỉnh lại đồng hồ, nghe Hoan gửi lời vĩnh biệt các thủ trưởng, chúng tôi cắn chặt răng không khóc mà nước mắt không ngừng rơi.

“Bộ đội nhà Phật” và niềm tin tương lai

“Bộ đội nhà Phật” là tên gọi mà nhân dân Campuchia dành tặng Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp đất nước bạn hồi sinh. Quả thật, chỉ một danh xưng ấy thôi cũng đã nói lên tính chính nghĩa, bản chất tốt đẹp và tinh thần quốc tế cao cả của Việt Nam?

Như tôi vừa kể ở trên, hạ lệnh pháo kích về phía đồng đội là một quyết định táo bạo và có phần liều lĩnh. Chúng tôi buộc phải đánh cược một trận sinh tử với địch. Và may mắn, đội quân chính nghĩa của chúng ta với những người lính quả cảm dám nghĩ, dám làm đã vượt qua cửa tử một cách ngoạn mục.

Nhắc lại chuyện này, tôi nhớ tới câu chuyện, sau khi Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng Campuchia và tiếp tục truy quét tàn quân Pol Pot, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã gọi điện sang Phnom Penh hỏi những người chỉ huy Quân tình nguyện một câu duy nhất:

“Bộ đội ta khi gặp dân Campuchia cư xử thế nào?”. “Người Campuchia gọi bộ đội Việt Nam là: Bộ đội nhà Phật”.

Khi nghe được câu trả lời đó, ở Hà Nội, ông Lê Duẩn đã nở một nụ cười thực sự. Và chúng tôi cũng vậy. Danh xưng ấy chính là do nhân dân Campuchia ghi nhận và dành tặng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông có thể kể chi tiết hơn về những việc làm của “Bộ đội nhà Phật” trên đất nước Campuchia những năm đó?

Trên đường tiến công và truy quét địch, tôi chứng kiến rất nhiều câu chuyện và hình ảnh xúc động của Quân tình nguyện với nhân dân Campuchia. Vừa đánh địch nhưng đơn vị nào cũng tổ chức bộ phận giúp đỡ người già yếu, em nhỏ trên cung đường đảm nhiệm.

Nhìn đoàn người đói rách, kiệt sức, những em bé bị suy dinh dưỡng héo quắt, ai ai cũng rân rấn nước mắt. Khi càn quét địch, để đưa dân ra, trong điều kiện bộ đội ăn uống chưa đủ nhưng sư đoàn vẫn để ra 5 tấn gạo cùng thuốc men, quần áo cứu dân.

Những người bị đói lả được quân y nấu cháo loãng cho ăn, khi tỉnh thì cho ăn cơm và uống thuốc, khi về được quân tình nguyện cho gạo, muối… Nhiều người dân cảm động, rơi nước mắt, mang ơn cứu sinh của bộ đội Việt Nam.

Sau 40 năm, nhìn lại cuộc chiến ấy, ông có nhắn nhủ gì với thế hệ hôm nay và mai sau?

Quân đội và chuyên gia Việt Nam đã giúp đỡ hàng triệu người dân Campuchia trở về quê cũ, khôi phục sản xuất, làm lại nhà cửa, trường học, chùa chiền, làm sạch giếng, cung cấp lương thực...

Lực lượng ngành y của Việt Nam đi cùng bộ đội thời bấy giờ thì chữa bệnh cho người dân Campuchia. Dần dần trường lớp, làng mạc, bệnh viện, trường học… được khôi phục lại.

Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo hành động theo từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đầu do người dân Campuchia chưa có gì, Việt Nam sẽ thực hiện “Việt Nam làm giúp Campuchia”. Khi người dân Campuchia đã có cơ sở, Việt Nam chuyển sang khẩu hiệu “Ta, bạn cùng làm”.

Giai đoạn ba là “Bạn làm, ta giúp” - nghĩa là khi người dân Campuchia đã đủ khả năng, người dân Campuchia yêu cầu tới đâu Việt Nam giúp tới đó. Cuối cùng, khi chính quyền Campuchia thực sự lớn mạnh thì Việt Nam rút toàn bộ quân tình nguyện về nước.

Tôi cũng như đồng đội may mắn còn sống trở về, chỉ mong thế hệ hôm nay và mai sau thấy được giá trị của độc lập, tự do, của máu xương bao người đã đổ xuống.

Trong quan hệ quốc tế hiện nay, tôi nghĩ không phải học cái gì cao siêu mà chúng ta hãy học chính tổ tiên, học từ trong lịch sử.

Quan hệ tốt với các nước, nhất là các nước láng giềng, gần gũi nhưng phải kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền. Hợp tác nhưng phải cảnh giác, không bị kích động hay chia rẽ. Xây dựng lực lượng vũ trang, khu vực phòng thủ mạnh, vững vàng.

Cảm ơn Trung tướng!

Tháng 7/2019, phát biểu tại Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng cho lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia giai đoạn 1979-1989, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: "Thái thượng hoàng, Hoàng thân Norodom Sihanouk, Quốc vương Norodom Sihamoni, Đảng CCP, Nhà nước Campuchia đã khẳng định:

Để có một đất nước Campuchia phát triển toàn diện như ngày nay, không thể tách rời sự giúp đỡ quý báu, to lớn, kịp thời và có hiệu quả của Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, trong đó có lực lượng chuyên gia các cấp, các ngành ở T.Ư và địa phương đã giúp Cách mạng Campuchia từ những ngày đầu thoát khỏi chế độ Khmer Đỏ diệt chủng cho đến khi lực lượng Cách mạng Campuchia tự đảm đương được nhiệm vụ của mình.

Công lao to lớn của cán bộ, chiến sỹ, bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam mãi mãi được lịch sử hai dân tộc Việt Nam - Campuchia khắc ghi, được nhân loại tiến bộ ghi nhận. Không gì có thể xuyên tạc được sự thật lịch sử ấy".

NGUYỄN SƠN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại