Biện pháp kiểm soát đau dạ dày

BS. Đặng Minh |

Đau dạ dày là bệnh đường tiêu hóa thường gặp nhất. Căn bệnh gây nên những cơn đau dai dẳng và khó điều trị triệt để. Để hạn chế các cơn đau dạ dày cấp và cơ hội tái phát, người bệnh cần lưu ý thực biện các biện pháp cơ bản.

Dấu hiệu nhận biết đau dạ dày

Đau thượng vị: là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo rằng bạn đang mắc chứng đau dạ dày. Cảm giác đau tùy từng mức độ bệnh lý. Có thể là đau âm ỉ trong nhiều giờ, đau tức bụng, dạ dày cảm thấy nóng rát khó chịu. Các cơn đau thường đến vào khi bạn quá đói hay ăn quá no.

Ăn kém: Bệnh lý ở dạ dày khiến dạ dày bị suy giảm chức năng làm cho trì trệ trong tiêu hóa, nên người bệnh thường có hiện tượng tức bụng, khó tiêu, do đó kém ăn, ăn không ngon miệng.

Ợ chua, ợ hơi: Lượng thức ăn bị tồn đọng ở dạ dày sẽ lên men khiến người bệnh bị ợ chua, ợ hơi nóng lên nửa chừng kèm theo hiện tượng đau sau mũi ức hoặc sau xương ức.

Buồn nôn và nôn: là biểu hiện của các chứng bệnh dạ dày bạn có thể gặp như: đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng, hẹp môn vị, ung thư dạ dày,...

Biện pháp kiểm soát đau dạ dày - Ảnh 1.

Những thực phẩm người bệnh dạ dày cần tránh.

Tránh lạm dụng thuốc

Có nhiều loại thuốc có thể gây tai biến ở dạ dày nếu sử dụng không đúng hoặc lạm dụng nó, đáng ngại hơn cả là các corticoid và các thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid như: aspirin, diclofenac, indomethacin, piroxicam...

Các tác hại trên dạ dày do thuốc gây ra là: đầy bụng, nóng rát vùng thượng vị, viêm loét dạ dày tá tràng; chảy máu, thủng dạ dày - hành tá tràng.

Những thực phẩm người bệnh dạ dày nên tránh

Chế độ ăn uống đặc biệt quan trọng với người bệnh đau dạ dày. Nếu có chế độ ăn uống khoa học, sẽ là một giải pháp giúp bệnh mau lành, nhưng nếu ăn uống vô bổ, bừa bãi sẽ làm bệnh diễn tiến nặng hơn.

Trước tiên cần duy trì giờ ăn ổn định, tốt nhất nên chia thành nhiều bữa nhỏ không để dạ dày quá no hoặc quá đói, không ăn quá nhanh, không ăn tối quá no và muộn... Đồng thời, người bệnh đau dạ dày cần tránh các thức ăn sau trong bữa ăn hàng ngày:

Không nên ăn thực phẩm làm tăng tiết dịch vị: như chanh, cam, quýt, mơ, ổi, xoài xanh, khế chua, me, chùm ruột, sơ ri, dưa muối các loại, cà chua, giấm ăn, mù tạt... không nên uống nước trái cây có acid, nước có gas...

Khi đau dạ dày cần hạn chế thức ăn từ đậu nành. Các loại gia vị có tính kích thích: như hành, tỏi, ớt, tiêu... đồ ăn quá mặn (mắm, tương, chao...) thường làm tăng sự bài tiết axit của dạ dày, gây ra các cơn đau.

Thực phẩm quá lạnh hoặc quá nóng: như cua, ốc, hến, hàu, nghêu, sò... Nếu phải ăn cần thêm vài lát gừng tươi để điều hòa.

Cũng cần tránh thực phẩm để quá lạnh hoặc thức ăn đang nóng sôi, nếu muốn dùng phải để trở về nhiệt độ 25°C - 30°C. Bệnh đau dạ dày cần kiêng đồ thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều dầu mỡ (thịt hun khói, thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng...)

Trứng chưa chín hoặc quá chín: Vì trong lòng trắng trứng sống có chất antitrypsin chống lại sự tiêu hóa protein, có thể gây đầy bụng, khó tiêu và ảnh hưởng đến sự tiêu hóa các chất protein có trong thịt, cá, sữa.

Nếu nấu trứng chín quá kỹ thì ăn cũng khó tiêu.

Không uống cà phê, trà đặc và rượu bia: cà phê, trà đặc đều có chất gây kích thích mà thông qua quá trình tiêu hóa, sẽ gây thiếu máu cho niêm mạc dạ dày, làm hỏng chức năng bảo vệ niêm mạc dạ dày, từ đó gây ra viêm loét dạ dày.

Rượu bia tác động trực tiếp lên niêm mạc dạ dày. Ngoài ra còn có thể gây ra xơ gan và viêm tuyến tuỵ mạn tính, từ đó làm cho dạ dày tổn thương nặng thêm.

Người bệnh đau dạ dày có nên chơi thể thao?

Chế độ vận động, tập luyện thể thao có ảnh hưởng không nhỏ đến bệnh đau dạ dày. Khi bệnh loét dạ dày - tá tràng đang tiến triển, chảy máu dạ dày, đau nhiều thì chưa nên tập thể dục thể thao.

Khi bệnh ở giai đoạn ổn định không có triệu chứng đau và rối loạn tiêu hóa, hoặc vết loét đã điều trị liền sẹo, hoặc đã được phẫu thuật giải quyết tốt thì rất nên tập, để duy trì và nâng cao sức khỏe.

Trước hết, cần tập các động tác từ đơn giản đến phức tạp: tập thở sâu, đi bộ, thư giãn, thể dục rồi chơi các môn thể thao nhẹ, vừa với sức mình như tập chạy, tập bơi, đá cầu, bóng bàn, cầu lông... nhưng cần chơi có điều độ với nguyên tắc phải thực hiện dần tăng thời gian chơi từ ít đến nhiều, từ chậm tới nhanh... không ham mê quá mức để cơ thể bị mệt mỏi sẽ có hại.

Ngoài ra không nên chơi các môn thể thao đòi hỏi tốn nhiều sức như đá bóng, cử tạ, chạy tốc độ nhanh...

Không tập ngay sau khi ăn. Nên tránh các bài tập tác động nặng lên cơ bụng vì khi đó dạ dày sẽ bị tổn thương.

Những người có tiền sử đau dạ dày, loét dạ dày tá tràng và từng phẫu thuật, nội soi, thì tuyệt đối không nên tập thể hình, nó sẽ khiến việc tổn thương, chảy máu và càng nặng hơn. Khi bệnh ở giai đoạn ổn định, đã điều trị liền sẹo hoặc đã được phẫu thuật giải quyết tốt thì rất nên tập với giáo án phù hợp sức khỏe.

Giải tỏa áp lực cuộc sống

Trạng thái căng thẳng, buồn phiền, tức giận sẽ nhanh chóng được khuếch tán tới các cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng đến hệ thần kinh thực vật gây mất cân bằng cho chức năng dạ dày, đường ruột.

Vì vậy, căng thẳng và stress là những yếu tố nguyên nhân của bệnh đau dạ dày.

Người bệnh dạ dày cần tránh tình trạng lao động quá sức dẫn đến mệt mỏi, khiến hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, máu không được cung cấp đủ, chức năng bài tiết mất cân bằng, vị toan trong dạ dày quá nhiều và dịch kết dính giảm.. khiến niêm mạc bị tổn thương gây đau dạ dày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại