Bí thư Nguyễn Xuân Anh: "Không có việc xin xỏ, tác động gì hết"

Đình Thức |

“Ở nước nào cũng có tham nhũng nhưng ở Việt Nam khó chịu nhất là tham nhũng vặt, nhỏ lẻ, tủn mủn gây bức xúc rất lớn trong dân”, ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Ngày 13-5, Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện 1 số văn bản của Bộ chính trị và Ban thường vụ Thành ủy.

Hội nghị đã tập trung thảo luận về vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, những năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Nhờ vậy, kết quả bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Một số vụ án tham nhũng đã bị phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Anh cũng nhấn mạnh việc phòng, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.

Việc thực hiện còn hình thức, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức. Nhiều vụ việc sai phạm nhưng chậm khắc phục, xử lý chưa nghiêm, việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa quyết liệt.

Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng nhận định rất ít vụ án tham nhũng do cơ quan chức năng phát hiện, điều tra.

"Phần lớn các vụ án tham nhũng, tiêu cực đều do nội bộ tố nhau hoặc quần chúng nhân dân tố cáo hay các cơ quan báo chí, truyền thông phát hiện ra", ông Võ Công Trí, Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng nhận định.

Đại tá Lê Thanh Hải, Phó giám đốc công an TP Đà Nẵng, cho biết Công an thành phố đã tiếp nhận 50 thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng trong 10 năm qua. Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, khởi tố 13 vụ với 23 bị can.

"Các lĩnh vực hay xảy ra tham nhũng là đất đai, ngân hàng, đầu tư công từ ngân sách nhà nước…

Các vụ án tham nhũng khi khởi tố, đưa ra xét xử còn rất nhiều vướng mắc khó xử lý.

Công an Đà Nẵng tồn tại 5 vụ án tham nhũng đang điều tra nhưng vướng mắc việc giám định tài sản. Có vụ đã giám định tài sản hơn 1 năm vẫn chưa có kết quả nên chưa khởi tố được", đại tá Hải nói.

Ông Trần Thanh Vân, Trưởng ban Nội chính TP Đà Nẵng, cũng cho biết việc xét xử các vụ án tham nhũng có nhiều trở ngại.

"Những năm qua có 12 vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử nhưng vụ nào cũng có tác động, can thiệp, xin xỏ", ông Vân tiết lộ.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Xuân Anh cho biết thời gian qua đã có nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn được đưa ra xét xử như vụ bầu Kiên, Vinashin, Huỳnh Thị Huyền Như…

"Công tác phòng, chống tham nhũng rất được Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền quan tâm từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, quy mô phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam còn nhỏ bé.

Riêng tại Đà Nẵng, các vụ án tham nhũng chỉ ở mức phó phòng, trưởng phòng các đơn vị với số tiền vài trăm triệu đồng.

Ở nước nào cũng có tham nhũng nhưng ở Việt Nam khó chịu nhất là tham nhũng vặt, nhỏ lẻ, tủn mủn gây bức xúc rất lớn trong dân", ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng ở nước ta, việc minh bạch chưa được tốt, chỉ số minh bạch còn thấp nên tạo điều kiện cho tham nhũng.

Bí thư Đà Nẵng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh giải quyết các vụ việc tham nhũng, không được buông xuôi, nể nang, né tránh.

"Không có việc xin xỏ, tác động gì hết. Đó là hành động chạy án. Vi phạm rồi thì phải chịu tội.

Cơ quan điều tra có chứng cứ đầy đủ rồi thì phải xử ngay, đừng có nể nang. Cũng vì nể nang mà cơ quan chức năng không phát hiện ra tham nhũng.

Tôi cũng mong cán bộ Đà Nẵng có mặt hôm nay và những người ăn lương nhà nước, phục vụ dân đừng ai dính chàm vì tham nhũng", ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại