Bí mật trong ngày lễ Black Friday Việt Nam

Quang Huy |

Sự vội vã của khách hàng rất dễ dẫn đến việc họ bỏ qua yêu cầu cơ bản về một món hàng. Đó là cách các thương hiệu thời trang dễ xả được lượng hàng tồn lớn trong dịp Black Friday.

Ăn theo lễ mua sắm giảm giá lớn nhất thế giới Black Friday, nhiều nhãn hàng ở Việt Nam cũng tung ra chương trình khuyến mãi tới 50%. Nhưng sản phẩm phần lớn là hàng tồn, thiếu hàng mới.

Từng nhiều lần săn hàng giảm giá cả trong và ngoài nước vào dịp Black Friday, chị Ngọc Hoa, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ sự khác biệt giữa hàng hóa quốc tế và Việt Nam vào dịp giảm giá cuối năm.

"Đặt mua hàng ở nước ngoài cũng có khi mua phải hàng lỗi mốt, hàng tồn dư, hàng hết size. Những mặt hàng đó sẽ có mức giảm giá lớn hơn hẳn so với hàng mùa mới. Nhưng nếu mua hàng của Việt Nam, bạn sẽ còn biết được nhiều mánh khác của cửa hàng".

Chị Hoa cho hay, một thương hiệu quần áo lớn ở Việt Nam hôm nay tung ra chương trình khuyến mại tăng 10% cho khách hàng, cộng thêm 5% nữa cho khách VIP. Nhưng nếu ai là khách hàng thường xuyên, sẽ thấy đây là chương trình được nhãn hàng áp dụng từ cuối tháng 9, với tỷ lệ giảm giá không thay đổi.

Một nhãn hiệu thời trang thiết kế khác đưa mức sale lên tới 50%, nhưng lại chỉ áp dụng với các mẫu hãng tung ra từ tháng 10.

"Ngay cả Cataloge cũng không thay thế, vẫn ghi là hàng thiết kế cho tháng 10. Một vài sản phẩm từng được tiết lộ là hàng may thêm cho các thiết kế từ năm ngoái, hiện tại được sale 50% dù trước đó đã có chương trình giảm giá tới 45% để xả hàng".

Mua hàng ngay trước ngày Black Friday, anh Trường Sơn, ở Hà Nội, cho biết nhiều điểm bán hàng treo biển ăn theo ngày Thứ sáu đen, nhưng giảm giá nhỏ giọt, thấp hơn cả mức áp dụng cho tháng sát Tết.

"Nếu vào Royal City, hãng đi thẳng đến quầy mua giày Adidas, giảm giá 50%. Còn những nơi khác, mức giảm rất nhỏ giọt, 10-30%, đúng bằng mức giảm giá kích mua sắm trước Tết mà năm nào những nhãn hàng này cũng đều tung ra".

Vị này cũng cho biết, hàng cũ, thiếu size, thậm chí hàng không cùng chất lượng thường được bán trà trộn, nhưng vì lượng người mua đông, tranh cướp nhau để lấy đồ, nên không ít hàng lỗi sẽ được tẩu tán.

"Sự vội vã của khách hàng rất dễ dẫn đến việc họ bỏ qua yêu cầu cơ bản về một món hàng. Đó là cách các thương hiệu thời trang dễ xả được lượng hàng tồn lớn trong dịp Black Friday.

Hơn nữa, phần lớn các cửa hàng đặt mẫu sale cạnh mẫu mới ra mắt, khách hàng đến chọn ban đầu sẽ bị thu hút bởi hàng giảm giá, nhưng khi so sánh mẫu không ít người sẽ chọn mua hàng mới ra. Đến lúc thanh toán, việc chênh lệch giá rất dễ bị bỏ qua, vì cũng đã là hàng chọn xong rồi".

Anh Sơn cho hay, khác với năm ngoái, thời điểm Tết Nguyên Đán năm nay đến sớm hơn khoảng 1 tháng rưỡi. Nhiều nhãn hàng so sánh mức giảm giá của ngày Black Friday năm ngoái với năm nay để kích cầu, nhưng do thời điểm cuối năm chênh nhau khá nhiều, nên việc giảm giá trong lễ mua sắm thực chất khác biệt lớn.

"Bình thường khách hàng sẽ được chọn 3 kỳ giảm giá, bao gồm hàng cuối vụ (thường vào đầu tháng 10), ngày Black Friday (vào cuối tháng 11) và chương trình kích cầu trước Tết (kéo dài 1 tháng từ trước Tết Nguyên Đán). Nhưng năm nay, thời điểm kích cầu của hai chương trình cuối năm gần như trùng nhau, nên khách hàng nói chung sẽ thiệt hơn so với người bán".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại