Bi hài chuyện bưu chính Mỹ cố gắng gửi thư bằng tên lửa

Phương Anh |

Để thoát khỏi tình trạng những bức thư “chậm như sên”, cơ quan bưu chính Mỹ từng cố gắng thực hiện một giấc mơ lớn hơn rất nhiều – gửi thư bằng tên lửa.

Cuối những năm 1950, khắp nơi trên nước Mỹ đều hướng về tương lai. Cuộc đua vào vũ trụ vừa mới bắt đầu, quân đội Mỹ đang nghiên cứu các tên lửa có thể vươn tới khắp thế giới, thậm chí tới Mặt trăng. Dù vậy, chính phủ Mỹ lúc đó chưa xem phát triển khả năng bay là ưu tiên quân sự, theo Today I Found Out.

Một trong những “tham vọng” khác được nghĩ đến là gửi thư bằng tên lửa. Bưu chính Mỹ đã thử cố gắng làm điều này.

Bi hài chuyện bưu chính Mỹ cố gắng gửi thư bằng tên lửa - Ảnh 1.

Phong thư viết "Thư đầu tiên chính thức gửi bằng tên lửa". (Ảnh: The Week Publications)

Theo Today I Found Out, tháng 6/1959, Hải quân Mỹ gửi 3.000 lá thư trên một tên lửa hành trình tới một trạm không quân của hải quân ở Mayport, Florida. Phóng từ USS Barbero - một tàu ngầm đóng tại vị trí 100 dặm (khoảng 160 km) ngoài bờ biển Mỹ ở vùng biển quốc tế, tên lửa dài 36 foot (khoảng 10 m) Regulus I đã đến Mayport trong vòng 22 phút.

Những lá thư được giữ trong hai thùng kim loại vốn là buồng đầu đạn của tên lửa, là bản sao một lá thư của Bộ trưởng Bưu chính Arthur Summerfield gửi cho Tổng thống Eisenhower, Phó Tổng thống Richard Nixon, các thành viên Quốc hội, thành viên Tòa án tối cao, đoàn thủy thủ USS Barbero và nhiều người khác. Những lá thư mang tem “thậm chí không phải thư hàng không” (not even airmail) – theo AP.

Cơ quan Bưu chính Mỹ gọi đây là lần chuyển thư thành công đầu tiên bằng tên lửa (họ đã từng thử trước đó nhưng chưa thành công). Nhưng lần chuyển thư này không hoàn chỉnh: Hầu hết các bức thư sau đó phải được gửi bằng dịch vụ thư thông thường do 3.000 người nhận không ngồi quanh một căn cứ hải quân ở Florida để chờ thư.

Sau thử nghiệm, họ đã lên kế hoạch cho một loạt các cuộc thảo luận để xác định thực tế có thể áp dụng phương pháp này ở mức nào và trong hoàn cảnh nào. Nhưng phương pháp không bao giờ được đưa vào thực tế, như ngày nay.

Người nhậm chức sau Summerfield, J. Edward Day, đã hủy bỏ chương trình vì cho rằng những bức thư được gửi từ USS Barbero cuối cùng phải mất 8 ngày để đến được người nhận - một tốc độ quá xa so với "tốc độ tên lửa".

Dù không khả thi về mặt tài chính hoặc hậu cần để gửi thư tên lửa thường xuyên, thử nghiệm dường như vẫn có giá trị "khoe khoang" nhất định. Theo Giáo sư Nancy A. Pope viết trên blog của Bảo tàng Bưu điện Quốc gia Mỹ, chuyến đưa thư bằng tên lửa đã gửi một tín hiệu tinh tế giữa Chiến tranh Lạnh rằng quân đội Mỹ có khả năng tên lửa chính xác đến mức thậm chí có thể dùng cho dịch vụ bưu chính.

Bên cạnh đó, việc gửi thư bằng tàu hỏa thời gian đó đã trở nên tốn kém hơn và kém hiệu quả hơn. Trong suốt đầu thế kỷ 20, Bưu chính Mỹ đã xem xét một số giải pháp thay thế, bao gồm xe buýt bưu điện sẽ đi từ thị trấn này sang thị trấn khác và phân loại thư dọc đường, thư trực thăng liên tỉnh hay các ý tưởng về cách gửi thư có phần khó tưởng tượng khác.

Nhưng cuối cùng, việc cải thiện đường sá để giúp xe tải đi khắp đất nước dễ dàng hơn đã trở thành một kế hoạch hiệu quả, thay vì sử dụng tên lửa quân sự.

Video: Thử nghiệm gửi thư bằng máy bay sử dụng năng lượng tên lửa năm 1935

Thử nghiệm gửi thư bằng máy bay sử dụng năng lượng tên lửa năm 1935

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại