Bị đánh vì quay clip hành khách ở sân bay, nữ nhân viên có sai?

Tuệ Minh |

Về việc nữ nhân viên ở sân bay bị đánh vì quay clip hành khách, LS Chu Mạnh Cường khẳng định: Về nguyên tắc, trong những khu vực không cấm, người dân có quyền quay phim, chụp ảnh.

Đã có những ý kiến trái chiều trong vụ việc ông Đào Ngọc Thuấn, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cùng bạn là Trần Dương Tùng (SN 1984, trú tại Hà Nội) đánh chị N. L.Q.A. - Phó Đội trưởng Đội Dịch vụ hàng không trên chuyến bay đi.

Cụ thể, bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với việc đánh nữ giới của hai nam thanh niên kia, không ít người cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc chị Q.A. bị đánh là đã có hành vi quay video người khác, xâm phạm hình ảnh cá nhân khi chưa được phép.

Trong cuộc trả lời báo giới gần đây, ông Trần Hoài Phương -GĐ Cảng vụ hàng không miền Bắc nói nếu xác minh được người ra tay bênh vực nữ tiếp viên hàng không thì sẽ xem xét làm rõ về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Để có góc nhìn đầy đủ hơn về những ý kiến trái chiều này dưới góc độ luật pháp, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với LS Chu Mạnh Cường - Trưởng VPLS Danh Chính (Đoàn LS Hà Nội).

Bị đánh vì quay clip hành khách ở sân bay, nữ nhân viên có sai? - Ảnh 1.

LS Chu Mạnh Cường

Trước câu hỏi về việc liệu nữ nhân viên Q.A. quay clip cảnh hai hành khách trước lúc đánh chị đã có sự to tiếng với nhân viên ở Cảng Hàng không Nội Bài là bất hợp pháp, LS Cường cho hay:

"Về nguyên tắc, trong những khu vực không cấm quay phim, chụp ảnh, người dân có quyền quay phim, chụp ảnh.

Bộ luật Dân sự có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, tuy nhiên quy định này liên quan đến việc "sử dụng hình ảnh" của người quay phim, chụp ảnh, chứ không liên quan đến quyền quay phim, chụp ảnh".

Về việc người giúp chị Q.A. có thể bị xem xét về hành vi gây rối trật tự công cộng, LS Cường nói: "Theo quy định của pháp luật, về nguyên tắc, đánh nhau tại nơi công cộng, đặc biệt là tại khu vực sân bay là hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với sự việc xảy ra tại sân bay Nội Bài ngày 18/10, có quan điểm cho rằng, hành vi của người đàn ông đã can thiệp, giúp đỡ phụ nữ đó cần phải bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng vì có thể sẽ gây mất trật tự công cộng tại sân bay.

Xét toàn bộ diễn biến sự việc, nguyên nhân, ý thức, quy định của pháp luật, quan điểm trên là không đúng".

Ông Cường giải thích: Theo quy định của pháp luật, không phải trường hợp nào người thực hiện hành vi vi phạm cũng đều bị xử phạt.

Vị luật sư này đã viện dẫn Điều 11 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo quy định về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, Khoản 2 quy định: "Không xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng".

Ngoài ra, Điều 1 Khoản 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng được vị luật sư này đưa ra: "Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên".

"Căn cứ quy định của pháp luật, xét trường hợp xảy ra, chúng ta thấy rằng: Trong hoàn cảnh hai người đàn ông đang dùng vũ lực tấn công người phụ nữ yếu đuối, về bản chất pháp lý, hai người đàn ông đó đang xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của người phụ nữ, được pháp luật bảo vệ.

Hành vi "dùng vũ lực tấn công" của người đàn ông vẫn được cư dân mạng gọi là "Lục Vân Tiên" kia có thể là hành vi thái quá, hành vi vi phạm.

Nhưng với ý thức, mục đích cứu giúp người phụ nữ đang trong hoàn cảnh bị hai người đàn ông tấn công (trong lúc không có sự can thiệp của cơ quan chức năng), hành vi kia có thể được coi là hành vi "chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích của người khác".

Do đó, về mặt pháp lý, thuộc trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính", LS Cường khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại