Bị 'đánh hội đồng' tới tấp, Nga đang bị dồn vào đường cùng?

Kiệt Linh |

Chủ tịch Ủy ban Các Vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia Nga (Quốc hội Nga) – ông Leonid Slutsky cho biết: “Sự đồng thuận về chính trị của các nước Liên minh Châu Âu (EU) trong vấn đề tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga rõ ràng là bị giật dây bởi Mỹ”.

Mỹ đứng đằng sau quyết định của EU trong việc tung ra thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ đụng độ hải quân ở Eo biển Kerch giữa Nga và Ukraine, ông Leonid Slutsky hôm qua (18/2) cáo buộc.

"Sự đồng thuận về chính trị giữa các nước thành viên EU về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga rõ ràng là bị giật dây bởi Mỹ. Gần như không có bất kỳ nghi ngờ gì về việc Washington đứng đằng sau các hành động khiêu khích ở Eo biển Kerch.

Ukraine là lãnh thổ bị điều khiển từ bên ngoài. Những bước đi như vậy sẽ không thể được thực hiện nếu không có sự chỉ đạo, thông qua từ những người giám hộ cho Kiev ở bên kia đại dương”, ông Slutsky gay gắt chỉ trích.

Chủ tịch Ủy ban Các Vấn đề Quốc tế của Duma Quốc gia Nga Leonid Slutsky còn nói thêm rằng: "Đặc biệt đáng buồn khi EU, bất chấp những ánh sáng của lý trí đã lóe lên, một lần nữa lại đi theo chính sách mà không thể hiện sự độc lập của họ. Những chính sách đó vẫn bị ảnh hưởng bởi Mỹ”.

"Cuối cùng, Brussels vẫn hy sinh lợi ích của riêng mình vì lợi ích của sự đoàn kết Châu Âu-Đại Tây Dương. Cuộc chiến trong nội bộ EU để tuân theo các tiêu chuẩn của luật quốc tế một lần nữa lại thất bại trong khi chính sách bài Nga và tiêu chuẩn kép tiếp tục thắng thế”, ông Slutsky tức giận nói thêm.

Trước đó, ngày hôm qua, người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU – bà Federica Mogherini đã ra thông báo cho biết, các nước thành viên EU mới đây vừa đạt được sự đồng thuận về chính trị về việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ việc xảy ra ở Eo biển Kerch gần đây.

Hôm 25/11/2018 đã xảy ra một cuộc đụng độ hải quân nóng bỏng. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nga đã nổ súng vào các tàu của Ukraine với cáo buộc các tàu của Ukraine đi vào vùng lãnh hải của Nga ở Biển Đen. Các tàu hải quân của Ukraine gồm tàu ‘Berdiansk’, ‘Nikopol’ và ‘Yany Kapu’ cùng với 24 thủy thủ trên tàu đã bị bắt giữ vì vi phạm vùng lãnh hải của Nga.

Các tàu này đã phớt lờ “yêu cầu hợp pháp” của Nga đòi họ dừng hoạt động xâm phạm lãnh hải của Nga. Không những thế, các tàu của Ukraine còn tiếp tục “có những động thái nguy hiểm” và các tàu của Nga đã buộc phải nổ súng để ngăn chặn đối phương, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cáo buộc.

Hải quân Ukraine cáo buộc Nga nổ súng vào hạm đội tàu của họ, làm bị thương ít nhất 6 thủy thủ và bắt giữ ba tàu của họ ở khu vực gần tuyến đường biển then chốt nằm ngoài khơi bán đảo Crimea.

Vụ việc trên đã đẩy cao căng thẳng giữa Nga và Ukraine lên mức cao nhất kể từ sau khi Moscow tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Đến nay, Nga vẫn nhất quyết chưa thả các tàu và thủy thủ Ukraine.

Sau vụ việc, Tổng thống Ukraine Poroshenko liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây tung thêm các biện pháp trừng phạt Nga và tăng cường sự hiện diện quân sự ở những khu vực xung quanh biên giới Nga.

Trước thông báo mới nhất của EU về sự đồng thuận của các thành viên trong việc tung thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ việc ở Eo biển Kerch, Mỹ hôm 13/2 cũng đã đưa ra Dự luật Bảo vệ An ninh Mỹ trước Sự Gây hấn của Kremlin.

Dự luật này gồm các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực an ninh, nợ chính phủ và ngành tài chính, năng lượng của Nga. Gói biện pháp trừng phạt mới nói trên đang chờ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Theo phía Mỹ, những đòn trừng phạt mới được đề xuất là để đáp trả lại hai diễn biến gồm: Nga “can thiệp vào các tiến trình dân chủ ở nước ngoài” và “việc Nga gây hấn với Ukraine”, trong đó có việc bắt giữ các tàu chiến và thủy thủ của Ukraine ở Eo biển Kerch hồi tháng 11 năm ngoái.

Moscow đã rất tức giận trước động thái của Mỹ và EU.

Mỹ và EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.

Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại