Bệnh lậu: Vừa nguy hiểm, lây lan nhanh lại dễ bị kháng thuốc

Tiểu Nhã |

Khi phát hiện hoặc có biểu hiện của bệnh lậu, người bệnh nhầm với viêm tiết niệu và ra mua thuốc kháng sinh. Với việc sử dụng kháng sinh như hiện nay, bệnh lậu đang kháng thuốc.

Gia tăng bệnh lậu

Đến khám với triệu chứng đi tiểu buốt, cảm giác buốt ở hông nên chị Bùi Thị Tứ (Hàn Thuyên, Hà Nội) chỉ nghĩ mình bị viêm tiết niệu vì ngày trước vào mùa nóng chị rất hay bị bệnh này.

Chị ra ngoài mua thuốc về uống được 1, 2 ngày bệnh đỡ, đi tiểu không buốt nữa nhưng cũng chỉ được vài hôm bệnh lại tái phát. Khí hư lạ như dạng mủ nên chị đi khám phụ khoa.

Bác sĩ đã nghi ngờ bệnh lậu và cho làm xét nghiệm, kết quả dương tính với lậu.

Chị Tứ cho biết vợ chồng chị quan hệ bình thường, không dùng bao cao su. Chị không biết vì sao mình mắc bệnh, chồng chị cũng khẳng định không có quan hệ ngoài luồng.

Bình thường với bệnh nhân bị lậu, có khi bác sĩ chỉ kê một đơn thuốc tiêm 1 mũi là khỏi nhưng với của chị Tứ phải tiêm cả tuần vì có biểu hiện kháng thuốc. Ngày nào chị cũng phải đến tiêm.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ cũng thường xuyên cảnh báo gia tăng số bệnh nhân bị lậu vì bệnh dễ lây lan.

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung – Trung tâm y tế lao động Thái Hà cho biết, số bệnh nhân bệnh lậu bà gặp rất nhiều, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân bị bệnh lậu tìm đến khám bệnh.

Đặc biệt là vi khuẩn lậu lây truyền qua đường miệng đang có xu hướng gia tăng. Nguy hiểm hơn là nhiều bệnh nhân không biết mình đang mắc bệnh.

Rất nhiều bệnh nhân bị lậu ở hầu họng nhưng biểu hiện giống như bệnh viêm họng thông thường, viêm họng hạt mua thuốc về điều trị dẫn đến lậu kháng thuốc và có nguy cơ lây lan cho bạn tình.

Cảnh báo kháng thuốc

Bệnh lậu: Vừa nguy hiểm, lây lan nhanh lại dễ bị kháng thuốc - Ảnh 1.

Vi khuẩn lậu phóng to (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Dung cho biết, bà gặp rất nhiều bệnh nhân bị sưng tấy ở họng, mưng mủ hai lỗ amidan nhưng lại được chẩn đoán nhầm với bệnh viêm họng, phải điều trị dai dẳng mà không khỏi.

Chỉ đến khi làm xét nghiệm phát hiện ra có vi khuẩn lậu, bệnh nhân mới đi tìm đúng bác sĩ chuyên khoa để điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thành – nguyên trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, Việt Nam là nước tỷ lệ sử dụng kháng sinh bừa bãi rất cao.

Bất kỳ người dân nào cũng có thể ra ngay hiệu thuốc gần nhà mua kháng sinh về uống mà không cần có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ.

Hậu quả là ngày càng có nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh và bệnh lậu nguy cơ kháng kháng sinh cũng rất lớn.

Nhiều bệnh nhân tìm đến với bác sĩ Thành khi họ đã có 1 thời gian thậm chỉ cả nửa tháng điều trị ở bên ngoài các phòng khám tư nhân.

Bác sĩ Thành cho biết, lợi dụng tâm lý e ngại của những bệnh nhân bị bệnh tình dục, các phòng khám thường có chiêu trò lai rai thuốc ra tiêm nhiều lần để thu tiền người bệnh nhiều hơn.

Có những bệnh nhân chữa bệnh lậu tốn hàng chục triệu đồng, nào là tiêm thuốc và chạy sóng dài, sóng ngắn xong khi vào bệnh viện bác sĩ chỉ tiêm 1 mũi đã có tác dụng.

Đến nay, dù Việt Nam đang điều trị lậu theo phác đồ của Bộ Y tế tiêm ceftriaxon 250 mg. Thuốc này đã được các nước như Nhật Bản, Thuỵ Điển thông báo kháng thuốc.

Nếu với tình trạng lạm dụng thuốc, tự ý điều trị của người bệnh như hiện nay thì nguy cơ này ở Việt Nam cũng có.

Theo bác sĩ Dung, bệnh lậu ở nam giới và nữ giới có sự khác biệt. Bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, thông thường sau khi mắc chỉ từ 3 đến 5 ngày là có biểu hiện ra mủ ở bộ phận sinh dục, đau, rát buốt khi đi tiểu ở nam giới.

Còn với nữ giới, thời gian ủ bệnh khó xác định vì các triệu chứng lậu rất kín đáo, như chỉ ra dịch, khí hư nhiều giống như biểu hiện của các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

Nếu không được phát hiện và điều trị dứt điểm, bệnh lậu sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở nữ giới như gây tắc vòi trứng, vô sinh.

Thậm chí, phụ nữ mang thai bị lậu có nguy cơ lây lậu cho thai nhi khiến trẻ sinh ra bị mù bẩm sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại