Bên những "tay lái" nâng hạng Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ

Kiên Cường |

Chúng tôi đến Phân hiệu 2 (Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ) vào đúng dịp đơn vị đang tổ chức huấn luyện thực hành cho những học viên đào tạo lái xe nâng hạng từ bằng C lên bằng Fx.

Trong tiết trời Xuân ấm áp, các "tay lái" trẻ của Phân hiệu đang hăng say luyện rèn bên những chiếc xe xích quân sự tại bãi tập của đơn vị.

Bên những tay lái nâng hạng Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ - Ảnh 1.

Giáo viên hạ đạt mệnh lệnh chuẩn bị cho học viên tiếp thu xe.

Bên những tay lái nâng hạng Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ - Ảnh 2.

Học viên tiếp thu xe.

Bên những tay lái nâng hạng Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ - Ảnh 3.

Thực hành lái xe qua đường vòng hẹp.

Đại úy Nguyễn Văn Thắng - Đại đội trưởng Đại đội 1 (Phân hiệu 2), cho biết:

"Đơn vị quản lý học viên đào tạo lái xe có nhiều chủng loại, như: Đào tạo lái xe quân sự các hạng C, D, E; đào tạo lái xe xích kéo pháo, kéo khí tài quân sự hạng Fx; đào tạo lái xe cần trục…

Hiện tại, đơn vị đang huấn luyện thực hành cho 25 học viên nâng hạng từ bằng C lên bằng Fx. Đối với bằng C, đơn vị đào tạo trên xe ô tô Zil-131, đối với bằng Fx đào tạo trên xe đặc chủng ATC-59G (xe xích).

Để lái được những chiếc xe này, đơn vị phải huấn luyện cụ thể, bài bản, từ lý thuyết đến thực hành, ưu tiên cho thực hành là chính. Đồng thời, lựa chọn những đồng chí giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy để tập trung huấn luyện.

Bảo đảm khi học viên tốt nghiệp ra trường sẽ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị chiến đấu".

Bên những tay lái nâng hạng Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ - Ảnh 4.

Giáo viên giới thiệu địa hình phức tạp trước khi thực hành.

Trên khu vực bãi tập, từng nhóm học viên đứng xếp hàng bên những chiếc xe xích để nghe giáo viên hướng dẫn trên từng khoa mục. Sau khi giáo viên hạ đạt mệnh lệnh xong, các học viên nhanh chóng cơ động lên thùng xe theo thứ tự quy định.

Trong ca bin lúc này chỉ có duy nhất một học viên được điều khiển xe theo sự hướng dẫn của giáo viên. Bài tập "Lái xe lên xuống dốc và qua đường vòng hẹp" được thực hiện

Tiếng động cơ ầm vang cùng với những tiếng hô của giáo viên và chỉ huy đơn vị làm cho không gian tĩnh lặng giữa buổi sớm mai nơi miền trung du Hiệp Hòa (Bắc Giang) thêm sôi động.

Những chiếc xe xích cồng kềnh, nặng nề vậy mà dưới sự điều khiển khéo léo của các học viên đã từ từ lăn bánh dưới chân dốc rồi tăng ga vọt thẳng lên đỉnh đồi, từ từ đi qua đường vòng hẹp được cắm các cọc tre hai bên theo quy định bài tập, rồi quay về vị trí xuất phát. Lần lượt từng học viên thay nhau luyện tập theo bài huấn luyện.

Bên những tay lái nâng hạng Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ - Ảnh 5.

Thực hành lái xe qua hố bom.

Bên những tay lái nâng hạng Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ - Ảnh 6.

Thực hành lái xe qua ụ cao.

Bên những tay lái nâng hạng Trường Trung cấp Kỹ thuật PK-KQ - Ảnh 7.

Thực hành lái xe qua đường hẹp.

Ấn tượng nhất với chúng tôi có lẽ là bài tập "Lái xe trên địa hình phức tạp". Cái hố bom vừa rộng vừa sâu vậy mà chiếc xe xích đã nhẹ nhàng vượt qua, rồi cũng chỉ vài cái tăng ga nó đã vọt qua cái ụ cao hàng chục mét được thiết kế chênh vênh như quả đồi thu nhỏ, sau đó lại từ từ đi qua ngầm sâu cũng được thiết kế ngay tại bãi tập…

Đại úy CN Hoàng Xuân Đoán - Giáo viên của đơn vị (người có nhiều năm kinh nghiệm huấn luyện chuyển loại lái xe bằng Fx) cho biết: "Đây là bài tập tương đối khó, bởi điều khiển được chiếc xe xích qua các địa hình như hố bom, ụ cao, hào sâu, ngầm nguy hiểm… không phải lái xe nào cũng làm được.

Để học viên có thể lái xe qua địa hình phức tạp, chúng tôi tập trung hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ, đến địa hình nào đều phải giới thiệu cho học viên nắm chắc địa hình đó, cách thức, phương pháp lái xe qua địa hình đó thế nào, rồi giáo viên thực hành lái trước, sau đó động viên, khích lệ để học viên có được bản lĩnh, tâm lý tốt, tiếp thu xe và sẵn sàng điều khiển xe qua địa hình phức tạp".

Nở nụ cười tươi khi vừa hoàn thành xong bài tập, Hạ sĩ Khuất Duy Thương - Học viên, chia sẻ: "Lái xe xích tương đối khó anh ạ, nó không chỉ nặng, cồng kềnh mà thiết kế cũng khác xe ô tô bình thường.

Như cái vô lăng chẳng hạn, nó không như cái vô lăng xe Zil-131, mà nó giống cái cần điều khiển, phải khéo léo, thuần thục mới điều khiển được, còn bánh xe làm bằng xích nên việc cơ động sẽ chậm và cũng rất khó điều khiển".

Mặc dù khó là vậy, nhưng theo quan sát của chúng tôi, các học viên đều rất tự tin điều khiển những chiếc xe xích đi qua những địa hình phức tạp mà không bị phạm quy, không bị giáo viên nhắc nhở; những khúc cua, hố bom, ụ cao, hào sâu, ngầm nguy hiểm… họ đều vượt qua và hoàn thành bài tập một cách xuất sắc.

Đứng bên cạnh tôi, Đại úy Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm, để hoàn thành khóa học nâng hạng, các học viên phải trải qua một chương trình học tập từ lý thuyết lái xe xích đến tập lái tại chỗ và lái xe trên đường bằng; lái xe lên dốc, xuống dốc và qua đường vòng hẹp; lái xe trên đường phức tạp, lên xuống tàu hỏa; kỹ thuật lái xe cắt nối pháo và khí tài; lái xe có kéo trên đường phức tạp; kéo pháo chiếm lĩnh trận địa…

Tính đến thời điểm hiện tại, các học viên của đơn vị đã bước vào những bài tập cuối cùng để hoàn thành nội dung chương trình khóa học.

Chia tay đơn vị khi ánh mặt trời đã đứng bóng, bãi tập của đơn vị đã dần khuất sau những quả đồi, rừng cây bạch đàn nơi miền trung du, nhưng chúng tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng nổ giòn tan của những chiếc xe xích vượt lên mọi địa hình phức tạp, rèn lên bản lĩnh, lòng cản đảm của những chàng học viên nâng hạng.

Và trong thời gian gần nhất, họ là những tay lái cừ khôi của các đơn vị trong Quân chủng, Quân đội phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại