Bé trai 1 tuổi nguy kịch vì bị chó nhà cắn nát mặt mũi

An Nhiên |

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM tiếp tục cảnh báo tình trạng các bé nhỏ bị chó cắn, có bé đang trong tình trạng nguy kịch.

Bé trai 1 tuổi nguy kịch vì bị chó nhà cắn nát mặt mũi - Ảnh 1.

Bé L. vẫn cần phải theo dõi thêm sau khi ghép miếng thịt bị chó cắn rách

Ngày 10/1, BS Nguyễn Thế Huy, Phó trưởng Khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết vừa tiếp nhận xử trí một trường hợp bé trai bị chó nhà cắn rách mặt rất thương tâm.

Theo thông tin từ người nhà bệnh nhi, trước đó vào buổi trưa, mọi người đang bận công việc dưới bếp nên để bé L.N.T.L. (1 tuổi, quê Đắk Lắk) chơi một mình trên nhà.

Lúc chơi đùa, bé đã cầm cọc tre đánh vào con chó. Bất ngờ con chó nhà (có trọng lượng 19kg, gấp 3 lần bé L.) lao vào cắn xé bé. Nghe tiếng bé khóc thét, người nhà chạy lên thì tá hỏa thấy mặt bé đã bị chó cắn rách mặt, một mảng thịt lớn rơi giữa nhà.

Người mẹ vội bế con lên và nhặt mảng thịt rồi đưa con tới bệnh viện địa phương cấp cứu. Các bác sĩ đã sơ cứu bệnh nhi, lấy miếng thịt bảo quản rồi cho vào xô đá và chuyển xuống BV Nhi đồng 1 TP.HCM cấp cứu.

BS Nguyễn Thế Huy, Phó trưởng Khoa Tai mũi họng BV Nhi Đồng 1 cho hay, lúc nhập viện, tình trạng bé trai bị chó cắn rất nặng, mũi bị mất gần hết. Mảng thịt dù được bảo quản trong thùng đá nhưng do thời gian quá lâu (hơn 12 giờ) nên phần lớn đã bị hoại tử.

Sau khi phẫu thuật ghép miếng thịt vào, bác sĩ đang cố gắng bảo tồn bằng cách tiêm kháng sinh loại mạnh để ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, không thể tiên lượng tình trạng sau này của bé.

Bé trai 1 tuổi nguy kịch vì bị chó nhà cắn nát mặt mũi - Ảnh 2.

Bé Đ. cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi bị chó cắn

Cũng trong thời gian này, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận bé trai tên N.T.Đ. (5 tuổi, ở Long Thành, Đồng Nai) bị 2 con chó béc-giê cắn.

2 con chó đã cắn xé khiến bé Đ. bị thủng khí quản. Khí đã tràn xuống dưới đùi. Các khoang trong bụng bị khí tràn vào hết, tình trạng rất nguy kịch. Ngay lập tức bé được chuyển vào phòng mổ cấp cứu.

Theo BS Huy, trong miệng chó có nhiều loại vi trùng, nhất là ở răng và nước bọt. Khi bị chó cắn xé, vi trùng sẽ lây lan vào các mô, gây nguy hiểm cho trẻ. Thời gian qua, rất nhiều trường hợp trẻ bị chó nhà cắn rất thương tâm.

Phần lớn trẻ em thường bị cắn vào vùng mặt và bộ phận sinh dục trong lúc tiếp xúc gần với chó hoặc vô ý chạm vào, làm con chó đau trong lúc nó đang ăn, ngủ, mới đẻ.

Ths BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo, nếu nhà có trẻ em thì không nên nuôi chó. Trường hợp cần phải nuôi chó thì nên tiêm người, xích hoặc rọ mõm chó lại để tránh trường hợp đau lòng xảy ra.

Bình thường, vật nuôi như chó rất hiền lành, quấn quanh chủ; tuy nhiên, trẻ em rất hiếu động nên thường nắm đuôi, dùng vật nhọn để chơi đùa với chúng. Nếu bị đau, bị kích động, chó sẽ cắn vì lầm tưởng bị tấn công. Nếu để trẻ chơi gần vật nuôi, gia đình phải hết sức cẩn trọng.

Khi trẻ bị chó cắn, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là phải rửa vết thương bằng nước sạch để loại đi tối đa vết bẩn, vi sinh còn bám trên bề mặt vết thương. Sau đó, mang ngay trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Sau khi điều trị vết cắn phải chích ngừa bệnh dại cho trẻ và nên tiêm phòng thêm mũi uốn ván vì ngoài vết cắn, móng vuốt của chó còn cào xé gây nhiều vết trầy xước khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại