Báo Mỹ đánh giá cao khả năng chiến đấu của “xe tăng bay” Su-25

Tuấn Sơn |

Trong ấn bản đăng tải cuối tháng 8-2016, Tạp chí National Interest của Mỹ đã có bài viết đánh giá chi tiết về lịch sử ra đời của dòng máy bay yểm hộ hỏa lực mặt đất (Close air support) Su-25 của Nga, cũng như đánh giá cao dòng máy bay có biệt danh “xe tăng bay” này trong các nhiệm vụ chiến đấu.

Theo National Interest, Su-25 mặc dù không phải là dòng máy bay hiện đại hàng đầu thế giới, nhưng nó chắc chắn sẽ vẫn được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong thời gian tới. Su-25 được coi là sự lựa chọn hợp lý nhờ chi phí hoạt động thấp và khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ rất hiệu quả của nó.

Máy bay Su-25 được phát triển trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm và phương thức tác chiến của dòng máy bay tấn công chiến trường IL-2 Hồng quân từng sử dụng trong Thế chiến 2. "Xe tăng bay" tiền nhiệm này đã thể hiện sự hiệu quả của mình khi tấn công các đoàn xe thiết giáp của phát xít Đức, bất chấp hỏa lực phòng không dày đặc.

Sau khi ra mắt năm 1978, Su-25 được coi là sản phẩm thay thế xuất sắc cho IL-2. Thiết kế cơ bản của dòng máy bay tấn công này là dành cho cuộc chiến tranh tổng lực trên bộ giữa khối Warsaw và NATO. Điều này giải thích cho việc Su-25 có thể bay chậm ở độ cao thấp để tăng hiệu quả các phi vụ tấn công trên bộ.

Ở thời điểm ra mắt, cơ bản các hệ thống phòng không của NATO không thể gây tổn hại cho Su-25, trừ các tổ hợp pháo phòng không. Kết cấu bọc giáp đặc biệt mang lại khả năng bảo vệ tuyệt vời cho máy bay.

Toàn bộ ca-bin lái của Su-25 được bọc các tấm bảo vệ bằng titanium dày 10-25mm giúp chống lại đạn phòng không cỡ 20mm. Khoang chứa nhiên liệu và hệ thống điều khiển trên khoang cũng được bọc giáp.

Báo Mỹ đánh giá cao khả năng chiến đấu của “xe tăng bay” Su-25 - Ảnh 1.

Cường kích Su-25 của Không quân Nga.

Thực tế chiến trường đã ghi nhận, Su-25 đã sống sót trong nhiều trường hợp trúng đạn, trúng tên lửa rất nghiêm trọng.

Tạp chí National Interest đánh giá, dòng máy bay của Mỹ tương đương với Su-25 là A-10 Thunderbolt II. Tuy nhiên, trong khi Nga đang nâng cấp máy bay Su-25 lên chuẩn SM để tiếp tục sử dụng, thì máy bay A-10 sẽ chỉ còn được sử dụng tới năm 2022.

Báo Mỹ đánh giá cao khả năng chiến đấu của “xe tăng bay” Su-25 - Ảnh 2.

A-10 Thunderbolt II của Mỹ.

Ở phiên bản Su-25SM, máy bay cơ bản vẫn giữ kết cấu thân cánh cũ, nhưng được nâng cấp sâu hệ thống định vị vệ tinh, hệ thống điều khiển và hiển thị thông tin trên khoang, như: Thiết bị ngắm bắn trước mặt phi công, hệ thống cảnh báo ra-đa tên lửa phòng không chiếu tới…

Điểm quan trọng nhất là Su-25SM có thể sử dụng rộng rãi các dòng bom thông minh chỉ thị bằng tia la-de và tên lửa phòng không tầm ngắn hiện đại của Nga.

Thực tế, Su-25 đã có mặt tại nhiều cuộc xung đột trên khắp thế giới ở Liên Xô cũ, Iraq, Ethiopia và Sudan, nhưng gây ấn tượng mạnh nhất là sự góp mặt của dòng máy bay này trong nhóm không quân Nga tham chiến ở Syria.

Đây cũng là lần đầu tiên Không quân Nga sử dụng Su-25SM trong điều kiện thực chiến. Với hiệu quả đặc biệt khi tấn công mục tiêu ở tầm thấp, Su-25SM đã thực hiện 1.600 nhiệm vụ, con số kỷ lục so với các dòng máy bay khác được triển khai tại căn cứ Hmeymin, Syria.

"Nếu sự xuất hiện của các dòng máy bay hiện đại như Mig-29 hay thậm chí là F-22 chỉ mang tính biểu tượng là chủ yếu, thì Su-25 mới là dòng máy bay có thể thay đổi cục diện chiến trường", Tạp chí National Interest nhận định.

Kinh nghiệm sử dụng máy bay Su-25 cho thấy để máy bay tấn công mặt đất hoạt động hiệu quả cần áp chế lực lượng phòng không của đối phương, cũng như các biện pháp đối kháng điện tử cần thiết.

Tạp chí National Interest kết luận, nhu cầu của thế giới về dòng máy bay tấn công mặt đất có hiệu suất cao và tin cậy như Su-25 trên thế giới sẽ vẫn còn rất lớn trong tương lai gần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại