Bạn muốn trở thành cao thủ khí công? Hãy đọc bài này!

Tiểu Mã |

Ngay cả khi uống nước, bạn cũng có thể tập khí công. Môn tuyệt thế vô song này hóa ra không khó như bạn tưởng!

Trao đổi với võ sư Nguyễn Khắc Chương – Chưởng võ phái Y Võ Thiên Phúc, một bậc thầy về khí công Việt Nam, chúng tôi mới hiểu thực ra tập môn này vốn không khó như người ta tưởng.

Tập khí công để có… 3 quả tim

Theo võ sư Nguyễn Khắc Chương, với một người bình thường chưa từng biết tới khí công thường sẽ nghĩ môn này là thứ gì đó cao siêu, chỉ dành cho những người luyện lâu năm.

Tuy nhiên, thực tế đây lại là môn khoa học đã được biện chứng và đặc biệt là rất dễ tập, thậm chí còn đơn giản hơn các môn tập thể dục như đi bộ, chạy, nhảy…

Võ sư Chương lý giải: “Khí công có 3 loại: khí công phòng bệnh, khí công chữa bệnh (có thể gọi chung là khí công dưỡng sinh) và khí công đặc dị (còn gọi là khí công công phu). Tùy vào mục đích của người tập mà lại có các bài và phương pháp tập khác nhau”.

Với một đứa trẻ hay người già, tập khí công dễ hơn thể dục bởi khí công hoàn toàn không tiêu tốn nhiều năng lượng nên đỡ mất sức và có thể tập trong thời gian dài.

Một cậu bé của môn võ Thiên Môn Đạo dễ dàng dùng khí công để kéo một chiếc xe tải nặng hàng tấn.
Một cậu bé của môn võ Thiên Môn Đạo dễ dàng dùng khí công để kéo một chiếc xe tải nặng hàng tấn.

Khi được hỏi, nếu một người bắt đầu đến với khí công thì bài tập đơn giản nhất là gì, võ sư Chương chia sẻ:

“Đơn giản nhất là cách thở sao cho đúng và có lợi cho cơ thể. Ví dụ như cách hít thở sâu là hít đến đâu thì dừng, thở đến đâu thì dừng, khi hít thở thì hai cánh tay vận động như thế nào..."

Cũng theo võ sư, khí công là môn thể thao có thể tập mọi lúc trong ngày. Tuy nhiên để hiệu quả nhất thì nên tập vào các khung giờ Tí – Ngọ - Mão – Dậu (23h đêm – 1h sáng, 11h-13h trưa, 5h-7h sáng và 5h-7h chiều).

Nói về chuyện kiêng cữ trong tập khí công, võ sư Chương giải thích:

“Chuyện kiêng cữ hoàn toàn không khó bởi chỉ cần kiêng rượu bia, chất kích thích, không hoạt động mệt, hạn chế quan hệ tình dục trước và sau khi tập.

Thực chất, tập khí công là thở tức, nén khí làm cho cơ thể ở tình trạng thiếu ô-xi ở mức độ nào đó để kích thích các hoạt động bên trong cơ thể”.

Võ sư Chương cũng tiết lộ, một người tập giỏi khí công sẽ có tới … 3 quả tim. Bởi ngoài một quả tim thông thường thì thạch mạch co bóp có thể coi là “quả tim thứ hai”, cơ hoành vận động để tạo áp lực chính là “quả tim thứ 3”.

Do vậy, nếu tập khí công đúng cách, người tập sẽ khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, vừa tăng sức đề kháng, cơ thể tráng kiện dẻo dai lại chẳng bao giờ lo stress.

Thực tế, ngoài là môn thể thao cải thiện sức khỏe thì khí công còn chữa được rất nhiều bệnh, thậm chí có thể chữa những bệnh phức tạp như tai biến, tiểu đường, xuất huyết não… tùy theo từng giai đoạn.

Những sai lầm tai hại khi tập khí công

Theo Chưởng võ phái Y Võ Thiên Phúc, mặc dù khí công dễ tập nhưng vẫn có không ít người vì tập sai cách nên trong thời gian dài đã để lại những “tai nạn”, gọi là 4 sang chấn của khí công gồm: tẩu hỏa, nhập ma, hôn trầm, toán loạn.

Có thể hiểu nôm na, tẩu hỏa là người tập không điều khiển được ý thức, rơi vào trạng thái mất ý thức. Nhập ma là người tập ở trạng thái quá tĩnh hoặc quá động, luôn lạc vào ảo giác, ăn nói lảm nhảm…

Ngược lại, hôn trầm nôm na giống như tự kỷ do kinh mạch ứ trệ, thường có biểu hiện ngủ gật khi tập còn toán loạn là trạng thái điên loạn, không kiểm soát được hành vi.

Theo võ sư Chương, một điều đặc biệt là nếu đã bị bệnh do khí công thì chỉ có khí công mới chữa được. Cũng có trường hợp tập sai, trở thành người bị điên suốt 4 năm nhưng ông đã chữa khỏi.

Cũng theo ông, tập khí công rất dễ nhưng không đồng nghĩa với việc tập lung tung, tùy tiện. Tốt nhất nếu không có thầy nhiều kinh nghiệm thì không nên dại dột chỉ tập qua sách vở bởi ở đó chỉ viết “phần ngọn”.

Võ sư Nguyễn Khắc Chương dạy khí công, võ thuật kết hợp với chữa bệnh.
Võ sư Nguyễn Khắc Chương dạy khí công, võ thuật kết hợp với chữa bệnh.

Ngoài ra, những người dậy khí công cũng cần phải giỏi về y thuật thì khi dậy cho học trò mới tránh được những tai nạn đáng tiếc.

Võ sư Nguyễn Khắc Chương đưa ra lời khuyên: “Khí công chẳng có gì là thần bí cả, nhưng nếu muốn tập khí công ở đâu, cần phải xem đã có nhiều người thành công ở đó hay chưa. Nếu tập một thời gian mà thấy cơ thể thay đổi theo hướng xấu thì nên dừng lại”.

Võ sư Nguyễn Khắc Phấn – Chưởng môn phái Thiên Môn Đạo từng khẳng định với chúng tôi rằng tập khí công dễ đến nỗi ngay cả khi vừa… ngồi uống nước cũng có thể tập được.

Thân mẫu của võ sư Nguyễn Khắc Phấn năm nay đã 100 tuổi. Mấy năm trước cụ bị tai nạn nún cột sống tưởng chừng bị liệt nhưng sau đó đã dùng khí công để chữa khỏi, hiện tại vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại