Bác sĩ hướng dẫn: Trời lạnh, người bệnh tim mạch cần lưu ý

Khánh Mai |

Theo cảnh báo của các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, thời tiết đang giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường khiến cơ thể con người, nhất là người già khó thích ứng kịp dễ dẫn tới một số biến cố tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não…, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới nguy cơ tử vong.

Theo ThS.BS Lý Đức Ngọc – Phó khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E; thời tiết chuyển lạnh, nhiều bệnh nhân mắc tim mạch phải nhập viện. Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn. Điều đáng báo động là tình trạng tử vong do các bệnh tim mạch chủ yếu là do không được can thiệp kịp thời.

Những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch bao gồm:

- Tăng huyết áp: Được xác định nếu con số huyết áp luôn vượt quá 140/90mmHg. Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” vì huyết áp tăng thường không có triệu chứng gì và gây ra một loạt các biến chứng nguy hiểm đến tim mạch như bệnh lý động mạch vành, bệnh động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên…

Bệnh tăng huyết áp được hình thành từ những thói quen không tốt như ăn mặn, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá, căng thẳng (stress), lười vận động…

- Rối loạn mỡ máu: xảy ra khi chế độ ăn uống có chứa quá nhiều cholesterol và chất béo (ví dụ như thịt, phô mai, kem, trứng, tôm, cua, sò, hến…), khi đó cơ thể sẽ sản sinh ra quá nhiều cholesterol “xấu” (LDL-C) và chất béo trung tính (Triglyerides) có thể tích tụ trong động mạch.

Theo thời gian, sự tích tụ này gây ra tình trạng xơ vữa động mạch đến nỗi lòng động mạch bị thu hẹp và lưu lượng máu đến tim bị chậm lại hoặc bị chặn.

Máu mang oxy đến tim, và nếu một lượng máu và oxy vừa đủ không thể tới tim thì có thể bị đau ngực. Nếu vì tắc nghẽn mà một phần nào đó trong trái tim hoàn toàn bị cắt đứt việc cung cấp máu thì kết quả là một cơn đau tim.

- Đái tháo đường: Những người mắc bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type 2 có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành và đột qụy cao hơn người bình thường.

- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nhịp tim, thắt chặt các động mạch lớn và làm cho nhịp tim bất thường, có thể dẫn đến loạn nhịp tim... khiến hoạt động của tim kém hiệu quả và trở nên khó khăn hơn. Việc hút thuốc cũng làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ ở những người đã có sẵn bệnh lý tăng huyết áp.

Ngoài nicotine, các hóa chất khác có trong khói thuốc như carbon monoxide cũng có hại cho tim. Những chất này dẫn đến tích tụ mảng bám trong động mạch, ảnh hưởng đến cholesterol và mức fibrinogen – một yếu tố làm đông máu, điều này khiến cho nguy cơ đông máu tăng và có thể dẫn đến đau tim.

Những người hút thuốc lá thụ động (không trực tiếp hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc lá của người hút thuốc lá ở gần bên) cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch không kém người hút thuốc lá chủ động.

Những người này có nguy cơ bị biến chứng cấp tính về tim mạch đe dọa tính mạng trong đó có nhồi máu cơ tim cấp và tai biến mạch máu não là phổ biến- BS Ngọc giải thích thêm.

Giải thích nhồi máu cơ tim cấp, BS Ngọc cho biết, đây là do sự tiến triển của mảng xơ vữa trong lòng mạch vỡ ra gây tắc hoàn toàn lòng mạch và hình thành huyết khối. Khi mùa lạnh yếu tố chênh lệch nhiệt độ, xúc cảm, thay đổi môi trường mới cũng là yếu tố thuận lợi để khởi phát biến chứng cấp tính.

Hiện nay cùng với sự phát triển của kinh tế phát triển và nền y học hiện đại thì tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể, nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp qua da cấp cứu tái thông dòng máu nuôi tim. Giới hạn về tuổi tác cũng không còn là giới hạn nhiều bệnh nhân tuổi cao nhưng vẫn được cứu thành công. Cá biệt có những bệnh nhân gần 100 tuổi- BS Ngọc cho biết.

Bác sĩ hướng dẫn: Trời lạnh, người bệnh tim mạch cần lưu ý - Ảnh 1.

Bác sĩ kiểm tra vết thương cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Điển hình mới đây nhất bệnh nhân Đ.T.L (98 tuổi, ở Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau, khó chịu ở vùng ngực, đôi khi lan dần xuống vai trái và cánh tay. Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 6 kèm nguy cơ phù phổi cấp...

Sau hơn 2 giờ can thiệp tái thông dòng máu ở động mạch vành, đặt stent... bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Một bệnh nhân khác cũng 98 tuổi, ở Thanh Miện, tỉnh Hải Dương được chuyển cấp cứu từ bệnh viện tuyến dưới lên trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, tím tái, mạch và huyết áp giảm, điện tim biến đổi thất thường, men tim tăng cao.

Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trước rộng có nguy cơ tử vong cao. Các bác sĩ, đã can thiệp tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc, đặt stent cho bệnh nhân. Ca can thiệp kéo dài gần 1 giờ. May mắn bệnh nhân được cứu sống.

Vì vậy, BS Ngọc khuyến cáo những người có bệnh mạn tính cần được khám định kỳ để tránh những biến chứng cấp tính . Khi xảy ra những biến chứng cấp tính này thì cần được nằm bất động gọi người trợ giúp Và đến những cơ sở y tế có khả năng can thiệp nguyên nhân càng sớm càng tốt.

Về mùa lạnh các khi đi vệ sinh buổi đêm cần kín gió giữ ấm tránh từ chăn ấm ra môi trường lạnh ngay nhất là các cụ có tuổi. Uống thuốc đầy đủ với người có bệnh mạn tính , tránh xúc cảm mạnh ăn uống hợp lý, bỏ thuốc lá nếu dùng tránh những gắng sức không cần thiết.

Điều quan trọng nhất là tránh những biến chứng cấp tính thì phải khám phát hiện sớm. Nếu để xảy ra biến chứng cấp thì có cứu chữa cũng rất tốn kém tỷ lệ tử vong cao và nếu sống cũng để lại di chứng nặng nề - BS Ngọc nhấn mạnh.

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, thời tiết giao mùa đôi khi trở thành hiểm họa cho người mắc bệnh tim mạch, bởi những biến chứng nguy hiểm dễ dàng xảy ra như huyết áp tăng, đột quỵ...

Đặc biệt ở những người đứng tuổi có bệnh mạn tính, sự thay đổi thời tiết sẽ làm bệnh nặng lên. Tuy nhiên, tại Bệnh viện E, nhờ vào tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển, trình độ tay nghề bác sĩ tốt, cùng với việc chẩn đoán và cấp cứu kịp thời, ngày càng có nhiều người già bị nhồi máu cơ tim cấp được cứu sống.

Theo GS Thành, những bệnh nhân tim mạch cần được theo dõi định kỳ, đặc biệt là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời. Khi bị mưa, lạnh hay nắng nóng đột ngột dễ dẫn tới bệnh động mạch vành.

Khi khí hậu thay đổi, khí áp không ổn định, lúc đó tim sẽ đập nhanh hơn, cơ tim dễ bị thiếu oxy. Khi các động mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa và bị vỡ ra sẽ gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành các cục huyết khối gây tắc nghẽn.

Động mạch vành bị tắc sẽ gây ra tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Hậu quả của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào độ rộng của vùng nhồi máu, vùng cơ tim bị thiếu máu càng nhiều thì chức năng của tim càng giảm mạnh, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại