Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) khởi động năm 1989 dưới hình thức đối thoại Bộ trưởng, nhằm đáp ứng
sự phụ thuộc giữa các nền kinh tế và nhu cầu thúc đẩy tính năng động cùng ý thức cộng đồng trong khu vực.
Trong Tuyên bố Seoul năm 1991, APEC xác định mục tiêu nguyên tắc là tạo dựng khu vực tự do hóa thương mại xung
quanh Vành đai Thái Bình Dương.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần đầu tiên được tổ chức giữa lãnh đạo các nền kinh tế APEC tại Blake Island,
Washington, Mỹ.
Từ hội nghị thượng đỉnh ở Bogor, Indonesia, năm 1994, APEC thiết lập Các mục tiêu Bogor hướng tới “đầu tư và
thương mại tự do và cởi mở” cho khu vực.
Ngày 15/6/1996, Chính phủ Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập APEC. Tiếp đó, tháng 8/1996 Việt Nam đã gửi cho APEC "Bản ghi
nhớ hệ thống chính sách kinh tế thương mại của Việt Nam".
Trong thời gian chờ quyết định chính thức kết nạp, ngày 25/4/1997 Việt Nam xin tham gia 3 Nhóm Công tác của APEC,
gồm Nhóm Công tác về Xúc tiến Thương mại, Nhóm Công tác về Khoa học và Công nghệ Công nghiệp, và Nhóm Chuyên gia
về Hợp tác Kỹ thuật Nông nghiệp, để làm quen và nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức.
Ngày 14/11/1998, tại Hội nghị Bộ Trưởng Ngoại giao-Kinh tế, APEC đã tuyên bố kết nạp Việt Nam, Nga và Peru, nâng số thành
viên nhóm lên 21 và duy trì đến nay.
Việc trở thành thành viên chính thức của APEC là một bước đi sâu hơn của Việt Nam vào con đường hội nhập kinh
tế quốc tế và khu vực, góp phần mở rộng kinh tế đối ngoại, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá
đất nước.
Trong APEC, Việt Nam có nhiều đối tác quan trọng như các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Australia và New
Zealand.
Đóng góp hết sức quan trọng của Việt Nam đối với APEC là việc chủ động đăng cai tổ chức năm APEC 2006 với chủ đề “Hướng
tới một Cộng đồng Năng động vì Phát triển Bền vững và Thịnh vượng”. Điều này thể hiện tính chủ động và tinh thần
trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy tiến trình hợp tác APEC.
Trong Tuần lễ Cấp cao tại Hà Nội (12-19/11/2006), Việt Nam đón 5 chuyến thăm song phương chính thức của lãnh đạo
của Trung Quốc, Mỹ, Liên bang Nga, Nhật Bản và Chile, đạt nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng.
Năm APEC 2006 nói chung và Tuần lễ Cấp cao APEC 2006 nói riêng đã thành công rực rỡ trên cả 3 phương diện: Nội
dung, tổ chức và lễ tân, và trên 2 phương diện song phương và đa phương.
Sau thành công của năm APEC 2006, Việt Nam tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục đóng góp tích
cực vào các hoạt động chung của APEC, khẳng định vai trò trong APEC.
Nhìn lại 10 năm Việt Nam gia nhập APEC (1998-2008), đây là một trong số các diễn đàn đã đem lại những lợi ích thiết thực
cho Việt Nam và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là ông Phạm Gia Khiêm đánh giá, việc tham gia
APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước.
APEC là một diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI), 50% nguồn viện trợ phát triển (ODA), 73% xuất khẩu và 79% nhập khẩu của Việt Nam.
Việc thực hiện các cam kết hợp tác trong APEC giúp thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư của Việt Nam với các
đối tác thương mại hàng đầu này.
Hội nghị "APEC trong khu vực châu Á –Thái Bình Dương của thế kỷ 21" tổ chức tại Hà Nội ngày 15/11/2013 được xem như sự kiện
đánh dấu 15 năm Việt Nam gia nhập diễn đàn này.
Sau 15 năm, Việt Nam đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất là tăng cường quan hệ hợp tác, nâng cao vị thế trên
trường quốc tế.
Gia nhập APEC là cơ sở quan trọng cho Việt Nam trong quá trình hội nhập. Thông qua APEC, Việt Nam đã quảng bá
hình ảnh, tiếp cận một cách hiệu quả hơn với các doanh nghiệp đa quốc gia, tăng cường năng lực hợp tác, tiếp nhận
các hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài.
Việt Nam đã chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến, đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC.
Tổ chức Năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, khẳng định quyết tâm
tiếp tục đổi mới, đóng góp vào định hình các cơ chế hợp tác đa phương.
Việc xác định đúng chủ đề, ưu tiên và các hướng hợp tác của APEC 2017 thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của đối
ngoại Việt Nam. Đối với Việt Nam, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi
ích thực chất nhất.
Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng
đầu của Việt Nam.