Ankara tập phóng ngư lôi xẻ đôi tàu hộ tống Nga?

An Nhiên |

Trong cuộc tập trận White Storm vào tháng 5/2016, hải quân Thổ Nhĩ Kỳ dùng ngư lôi DM2A4 phá hủy tàu hộ tống TCG Zafer lớp Knox.

Ngư lôi DM2A4 do tập đoàn Atlas Elektronic của Đức phát triển, có khả năng dẫn đường cực nhanh giúp dễ dàng phát hiện và tiêu diệt mục tiêu trên biển cũng như dưới mặt nước.

DM2A4 dài 6,2m, đường kính 533mm, trọng lượng 1,4 tấn, lắp đầu đạn nặng 255 kg và đủ sức phá hủy bất kì tàu chiến nào trên biển. Nó được trang bị động cơ đẩy nam châm vĩnh cửu cùng pin nhiên liệu giúp đạt tốc độ tối đa 100 km/h, tầm bắn 50km.

Trong đoạn video được Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải, tàu TCG Zafer đã trúng ngư lôi ở phần thân giữa và nhanh chóng chìm ngay lập tức. Chiếc tàu này vốn từng có tên là USS Thomas C. Hart khi phục vụ trong hải quân Mỹ kể từ năm 1973. Nó được Thổ Nhĩ Kỳ mua lại từ 1993 và mới nghỉ hưu cách đây một vài năm.

Không có thông tin về loại tàu ngầm phóng ngư lôi DM2A4 trong bài tập trận trên, nhưng nhiều khả năng đây là tàu ngầm lớp Gur, một trong những thế hệ tàu ngầm chạy diesel- điện tốt nhất thế giới hiện nay. Ngoài ngư lôi DM2A4, tàu ngầm lớp Gur còn được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon (UGM-84), cũng như ngư lôi Tigerfish của Anh.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng hai trong số nhiều vũ khí đáng gờm của mình trong cuộc tập trận có thể coi là một lời đe dọa, cảnh báo gửi đến Nga khi các tàu của Nga vẫn đi lại qua eo biển Bosphorus do Ankara kiểm soát.

Bosphorus là một eo biển có chiều dài 31 km, ngăn cách giữa châu Á và châu Âu. Eo biển này có chiều rộng lớn nhất 3,7 km ở lối vào phía bắc (từ Biển Đen ra) và nhỏ nhất là 0,75 km nằm giữa hai pháo đài Anadoluhisari và Rumelihisari; độ sâu dao động trong khoảng 36 - 124m tính theo giữa luồng.

Với vị trí chiến lược quan trọng nối liền biển Đen và biển Marmara (để ra Địa Trung Hải), Bosphorus trở thành yết hầu khống chế toàn bộ cửa ngõ ra vào biển Đen. Không chỉ các tàu chiến và tàu hậu cần thuộc Hạm đội biển Đen của Nga mà các tàu thương mại từ Bulgaria, Romania, Georgia, Ukraine… cũng phải đi qua đây.

Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi bắt đầu chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria đến cuối tháng 11/2015, tàu đổ bộ và tàu vận tải quân sự Nga đã thực hiện hơn hơn 60 chuyến qua tuyến đường này, tăng mạnh so với năm trước đó.

Hồi tháng 4/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ yêu cầu rút hầu hết lực lượng khỏi Syria, chỉ duy trì một lực lượng nhỏ ở đây do đã “đạt được các mục tiêu đề ra”. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lực lượng quân sự của Nga ở Syria vẫn rất lớn.

Hồi tháng 5/2016, Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện một tàu quân sự của Nga chở 2 xe tăng được ngụy trang kỹ lưỡng khi đi qua eo biển Bosphorus.

Trong khi vào tháng 4/2016, các tàu và trực thăng tuần tra của Thổ Nhĩ Kỳ đã áp sát một tàu hải quân Minsk số hiệu 127 của Nga khi tàu này qua Bosphorus.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại