Ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss kêu gọi các nước châu Âu đoàn kết phản đối việc xây dựng Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), trên thực tế dự án này đã chính thức hoàn thành vào tháng 9 vừa qua.
Telegraph dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Anh cho biết: “Tôi muốn bạn bè trên khắp châu Âu tham gia cùng chúng tôi. Chẳng hạn, cùng nhau phản đối việc xây dựng đường ống Nord Stream 2”.
Theo bà Truss, đường ống này có nguy cơ “làm suy yếu an ninh châu Âu, cho phép Nga thắt chặt quyền kiểm soát đối với những quốc gia phụ thuộc vào khí đốt”.
Tuyên bố của bà Truss đưa ra trong bối cảnh Nord Stream 2 tiếp tục bị hoãn cấp phép. Mới đây, ông Klaus Ernst, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế và Năng lượng của Bundestag (Quốc hội Đức) cho hay: “Việc Bộ Kinh tế Liên bang kết luận rằng, Nord Stream 2 không đe dọa đến an ninh nguồn cung tới Đức và Liên minh châu Âu (EU) là một quan điểm quan trọng và đúng đắn”.
Giá khí đốt tại châu Âu biến động mạnh trong những tháng gần đây và liên tục thiết lập các mức giá kỷ lục. (Ảnh: Nord Stream 2)
Đồng thời, ông cũng tỏ ra nghi ngờ, Đức sẽ bắt đầu nhận được khí đốt qua đường ống dẫn khí đốt này vào cuối năm nay.
Theo ông Ernst, Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức (BNA) sẽ giải quyết vấn đề chứng nhận dự án vào đầu tháng 1/2022. Ông Ernst nói thêm: “Sau đó, Ủy ban Châu Âu có 4 tháng nữa để đưa ra phán quyết của mình”.
Trước đó, vào cuối tháng 9, Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh, Kwasi Kwarteng cho biết, “nước này ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga hơn các nước châu Âu khác. Mặc dù vậy, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ dự án của Nga”.
Tuyên bố của ông Kwarteng đưa ra sau khi nhà máy thứ 7 của Anh đóng cửa do giá khí đốt tăng.
Người đứng đầu Bộ năng lượng Anh lưu ý rằng, trong 6 tháng qua, giá khí đốt trong khu vực đã tăng gấp 4 lần. Tuy nhiên, London đã loại trừ được các mối đe dọa đối với nguồn cung cấp nhiên liệu. Nước này có các mỏ khí đốt riêng ở Biển Bắc, Na Uy, Bỉ và Hà Lan và nhập khẩu dưới dạng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), đồng thời không phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nord Stream 2.
Châu Âu “nguy cơ” đối mặt với một cuộc chiến khí đốt mới
Theo Defense24 của Ba Lan, việc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đe dọa ngừng vận chuyển khí đốt có thể gây ra một cuộc chiến khí đốt mới với châu Âu.
Tác giả của bài báo Yakub Vekh cho rằng, Minsk không thể cho phép tuyên bố như vậy nếu không có sự chấp thuận của Moscow, quốc gia “chịu trách nhiệm” về cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở châu Âu.
Tình hình hiện tại đang nằm trong tay Nga, vì nó giúp đẩy nhanh tiến độ vận hành Nord Stream 2, đồng thời thuyết phục các nước EU tiếp tục ký kết các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn.
Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu. (Ảnh: RIA)
Theo nhà báo này, việc Minsk ngừng vận chuyển khí đốt có thể là một lý do khác của Điện Kremlin nhằm ủng hộ đường ống mới, vì nó sẽ cho thấy “sự không đáng tin cậy của các quốc gia trung chuyển”.
“Nga từ lâu đã chứng tỏ rằng họ biết cách sử dụng các nguồn năng lượng để đạt được các mục tiêu chính trị. Vụ việc quy mô lớn gần đây nhất thuộc loại này xảy ra vào năm 2009. Khi đó, Nga đã giảm nguồn cung cấp khí đốt qua Ukraine, buộc châu Âu phải sử dụng chiến lược dự trữ lượng nhiên liệu”, tác giả bài báo nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, trong cuộc khủng hoảng hiện nay có thể dẫn đến sự lặp lại các sự kiện của 12 năm trước.
Trước đó, Tổng thống Lukashenko khuyên EU nên suy nghĩ về việc vận chuyển khí đốt và hàng hóa đi qua Belarus, trước khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Minsk. Ông Lukashenko nhớ lại, đường ống dẫn khí đốt xuất khẩu Yamal-Europe chạy qua Belarus, gần đây đã đưa lượng khí đốt vận chuyển từ Nga sang phương Tây đã tăng lên đáng kể.
Đường ống Yamal-Europe có công suất 32,9 tỉ m3/năm và chiều dài hơn 4.100 km, thuộc sở hữu của tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga.
Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu và khoảng 1/5 sản lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu từ Nga được trung chuyển qua Belarus vào năm 2020, chủ yếu bằng đường ống Yamal. Điều này khiến Belarus trở thành nước trung gian quan trọng đối với hoạt động mua bán khí đốt giữa Nga với châu Âu.
Việc Tổng thống Lukashenko đe dọa cắt đứt dòng chảy khí đốt này để trả đũa bất cứ lệnh trừng phạt mới nào của châu Âu có thể là mối lo ngại lớn với các công ty năng lượng trong bối cảnh khu vực đang đối mặt một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.