Ẩn ý của Nga khi nhanh chóng “tiếm ngôi” các khu vực do đồng minh Mỹ kiểm soát ở Syria

Vũ Thu Hương |

Quân đội Nga đã tiến vào khu vực Bắc Syria từng do lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát. Động thái này diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân đội nước này về nước và được cho là mang nhiều ẩn ý.

Theo Newsweek, hình ảnh được bộ Quốc phòng Nga chia sẻ ngày 8/1 cho thấy những chiếc xe của quân cảnh Nga di chuyển dọc các con đường ở khu vực gần Manbij - một thành phố nằm ở phía đông bắc tỉnh Aleppo của Syria.

Quyền kiểm soát thành phố này đã nhiều lần thay đổi từ năm 2011 khi phe nổi dậy và lực lượng Hồi giáo cực đoan buộc chính phủ Syria phải rút lui. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chủ yếu là người Kurd là phe nắm giữ khu vực này trong thời gian gần đây nhất.

"Ngày hôm nay chúng tôi bắt đầu tuần tra khu vực an ninh gần thành phố Manbij và các khu vực xung quanh.

Công việc này là để đảm bảo sự an toàn trong khu vực mà chúng tôi có trách nhiệm, cũng như để kiểm soát các vị trí và phong trào của các nhóm vũ trang", hãng thông tấn TASS dẫn lời phát ngôn viên của quân cảnh Nga Yusup Mamatov ngày 8/1 cho hay.

Ẩn ý của Nga khi nhanh chóng “tiếm ngôi” các khu vực do đồng minh Mỹ kiểm soát ở Syria - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin

Mặc dù nắm giữ một số vị trí chiến lược ở Syria nhưng lực lượng SDF đã nhượng lại quyền kiểm soát các địa điểm này cho chính phủ Syria sau khi Mỹ có kế hoạch rút khoảng 2.000 quân ở Syria.

Lực lượng nổi dậy từng chiếm giữ Manbij năm 2012 khi Mỹ cùng với các đồng minh khu vực như Israel, Qatar, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ cho lực lượng này nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al - Assad với những cáo buộc về vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau đó, IS đã nắm quyền kiểm soát thành phố này cũng như chiếm giữ được hơn một nửa lãnh thổ Syria và nước láng giềng Iraq.

Cũng vào năm 2014, Mỹ thành lập một liên quân quốc tế và liên kết với lực lượng SDF để đánh IS, sau đó, Nga cũng bước vào cuộc chiến với tư cách đại diện cho Tổng thống Assad. Hai bên đều có những chiến dịch riêng.

Nếu như lực lượng SDF do Mỹ ủng hộ tấn công IS ở phía bắc và đông Syria thì các cuộc tấn công của lực lượng ủng hộ chính phủ nhắm vào cả các nhóm phiến quân và phe nổi dậy trên khắp Syria.

Thông điệp tới Mỹ

Theo trung tâm hòa giải của các bên đối lập Nga "kể từ ngày 7/1/2019, các đơn vị cảnh sát quân sự Nga sẽ tuần tra dọc khu vực rộng khoảng 5km gần thành phố Manbij trên tuyến đường al-Arimah-Yulanli-Saydiyah-Dali Fa’r-Bawz Kij" dài khoảng 27km.

Nguồn tin quân sự của người Kurd cho biết các cuộc tuần tra quân sự cho thấy "Nga đang truyền đi thông điệp rõ ràng tới Mỹ rằng sau khi Washington rút đi, sẽ có một lực lượng khác chính là Nga lấp đầy khoảng trống ở đây".

Nguồn tin cũng cho biết thêm rằng sự xuất hiện của Nga ở khu vực này sẽ ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng do Ankara hậu thuẫn tiến vào khu vực này.

"Có thể đây là một thông điệp mà Nga muốn gửi tới Mỹ. Nhưng đây cũng có thể là thông điệp cho Thổ Nhĩ Kỳ", nguồn tin nhận định.

Hôm 26/12, người phát ngôn bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Damascus nên kiểm soát toàn bộ khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ sau khi Washington rút quân.

Tuy nhiên, Alexey Khlebnikov, một chuyên gia về Trung Đông của ủy ban các vấn đề quốc tế của Nga viết tweet rằng các cuộc tuần tra này là "động thái thể hiện sự hợp tác rõ ràng nhất với Thổ Nhĩ Kỳ, điều này có nghĩa rằng Moscow và Ankara đang tìm kiếm một sự thỏa hiệp" về khu vực do người Kurd nắm giữ.

Lực lượng Nga trở lại Arima vào ngày 25/12 sau tuyên bố rút quân của Tổng thống Trump.

Động thái này diễn ra sau các cuộc họp của phái đoàn từ chính quyền tự trị của người Kurd ở Đông Bắc Syria với Nga trong chuyến thăm Moscow vào ngày 23/12 trước khi lực lượng Nga tái thiết lập trung tâm hòa giải Nga-Syria.

Người Kurd trước đó được đề nghị tới Damascus để bảo vệ Manbij dưới sự ủng hộ nhiệt tình của Nga.

Nhận định về việc Nga tuần tra ở Manbij sau khi Mỹ tuyên bố rút quân, chuyên gia Anna Borshchevskaya, làm việc tại viện Washington cho rằng: "Điện Kremlin muốn chúng ta ra khỏi Syria. Tôi nghĩ vấn đề chủ chốt với họ lúc này là thắc mắc liệu chúng ta có rời khỏi mảnh đất này. Họ bày tỏ sự nghi ngờ việc chúng ta rút quân".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại