An Phát và những cú hích đột phá để phát triển bền vững

Thanh Xuân |

Mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa bằng những sản phẩm giá trị gia tăng cao là những kế hoạch đột phá mà Công ty Cổ phần Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (Mã CK: AAA) đang gấp rút thực hiện để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Đẩy mạnh xuất khẩu với bao bì tự hủy

An Phát là doanh nghiệp hoạt động hàng đầu trong ngành bao bì nhựa mỏng của Việt Nam, với 95% doanh thu đến từ thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ... 

Hiện tại, An Phát có 4 nhà máy sản xuất bao bì đang vận hành (nhà máy số 1, số 2, số 3 và số 5) với sản lượng hơn 4.000 tấn/tháng. Trải qua nhiều lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của công ty đã tăng lên gần 570 tỷ đồng. 

Về kết quả năm 2016, An Phát đạt 143 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2015 và hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2016 (100 tỷ đồng).

Bên cạnh việc đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất và sản lượng của các nhà máy hiện tại, trong thời gian tới, An Phát sẽ chính thức đưa nhà máy 6 (tập trung sản xuất các sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản) và nhà máy 7 (sẽ sản xuất các sản phẩm mới, đặc trưng của thị trường Mỹ như túi draw-tape và draw-string) đi vào hoạt động.

Không dừng lại ở đó, để đón đầu xu thế sử dụng túi nhựa tự hủy tại các nước phát triển như: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... An Phát đã có những sự chuẩn bị về máy móc hiện đại, nguyên liệu, công nghệ nhằm đẩy mạnh sản xuất bao bì tự hủy phục vụ xuất khẩu. 

Mặc dù sản xuất bao bì tự hủy không phải là hướng đi dễ dàng đối với các doanh nghiệp nhựa Việt Nam, nhưng với nền tảng sẵn có về vốn, công nghệ và đội ngũ nhân lực lành nghề, sáng tạo, An Phát vẫn tự tin phát triển theo hướng này.

An Phát và những cú hích đột phá để phát triển bền vững - Ảnh 1.

Sản xuất bao bì tự huỷ là hướng đi phù hợp xu thế giúp An Phát duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường "khó tính" như: Nhật, Mỹ.

Hiện nay, An Phát đã được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất vào EU cho sản phẩm bao bì tự hủy. Đồng thời, công ty đã có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy sản xuất túi tự hủy, để nâng công suất sản xuất mặt hàng này. 

Dự kiến, Công ty có thể đạt tới doanh thu 4.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 300 tỉ đồng vào năm 2019, đồng thời, sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường lớn như Châu Âu, châu Úc, đặc biệt là Nhật Bản. Trong dài hạn, sản phẩm túi tự hủy chính là sản phẩm chủ lực của công ty.

Không bỏ qua thị trường nội địa

Theo ước tính của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), sản lượng nhựa tăng với tốc độ ổn định khoảng 16% mỗi năm từ 2011 - 2015. Dự báo đến năm 2020, ngành công nghiệp nhựa nước ta sẽ duy trì mức tăng trưởng ổn định 11% hàng năm. 

Các sản phẩm chính trong tương lai sẽ bao gồm: màng bọc thực phẩm, bao bì đóng gói dùng trong thực phẩm... Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng bao bì nhựa ở thị trường nội địa ngày càng tăng, nhất là những dòng sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho ngành thực phẩm, đóng gói..

An Phát và những cú hích đột phá để phát triển bền vững - Ảnh 2.

Sản lượng nhựa sản xuất và tiêu thụ bình quân đầu người tại Việt Nam (2011-2020) Nguồn: Bộ Công Thương, Hiệp Hội Nhựa Việt Nam.

Sau hơn 15 năm hoạt động trong ngành và chủ yếu tham gia thị trường xuất khẩu, lãnh đạo An Phát nhận thấy, sản xuất nhựa trong nước chỉ mới đáp ứng 76% nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhất là ở những dòng sản phẩm bao bì nhựa cao cấp, đòi hỏi công nghệ sản xuất phức tạp, vì vậy, song song với kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu ở những thị trường lớn, tiềm năng, công ty đã lên kế hoạch để chinh phục thị trường nội địa với các dòng bao bì phức hợp cho các sản phẩm thực phẩm như: mỳ tôm, bánh kẹo, túi y tế, may mặc…

Ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT AAA, cho biết: "Ban lãnh đạo Công ty đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy số 8 - nhà máy sản xuất bao bì màng phức phục vụ nhu cầu của cả thị trường nội địa. Dự án Nhà máy sản xuất bao bì màng phức đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. 

Động lực để triển khai dự án này là nhu cầu màng phức ngày càng tăng tại thị trường nội địa và thế giới đang không ngừng tăng lên, đồng thời, theo nghiên cứu, hơn 60% thị phần bao bì màng phức tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ lẻ... 

Hiện tại, Công ty đang xúc tiến quá trình làm thủ tục đầu tư và xây dựng cho dự án với quy mô 7.200 tấn/năm và tổng vốn đầu tư dự kiến là 500 tỷ đồng".

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, cơ hội tại thị trường nội địa và xuất khẩu đều rất rộng mở. 

Tuy nhiên, dù ở bất cứ thị trường nào, chỉ có những doanh nghiệp sở hữu công nghệ cao, có chiến lược sản xuất - kinh doanh chuyên nghiệp, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định và hướng đến những giá trị tiêu chuẩn mới, phù hợp với thông lệ quốc tế… mới đủ sức cạnh tranh. 

Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của An Phát, đó là quy mô sản xuất lớn, với chuỗi nhà máy hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á, có thể đáp ứng được đa dạng nhu cầu của cho khách hàng. 

Vì vậy, với những bước đi táo bạo nhưng không mạo hiểm, An Phát là một trong số rất ít các doanh nghiệp nhựa của Việt Nam có thể đứng vững và không ngừng phát triển bất chấp làn sóng thâu tóm của các nhà đầu tư nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ trong vài năm qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại