Chương I

Sách – thứ công nghệ xưa cũ nhưng hoàn hảo đến khó tin

Lướt ngón tay trên từng trang sách được làm bằng da dê bóng mượt, bạn có cảm nhận khác hẳn so với những trang giấy mỏng manh như hiện nay. Trang sách làm bằng da dê bị phủ một lớp dầu bóng nhẫy, nững nét chữ được viết bằng mực đen toát lên vẻ mạnh mẽ, và mỗi câu đều được bắt đầu bằng một chữ cái màu đỏ.

Năm 44 trước công nguyên, Cicero – nhà hùng biện vĩ đại nhất của đế chế La Mã – đã viết 1 cuốn sách tặng cho người con trai Marcus. Cuốn sách có tên de Officiis, dạy Marcus cách sống cuộc đời phẩm hạnh, làm sao để cân bằng giữa đức hạnh với tư lợi bản thân... Không phải tất cả lời răn dạy của Cicero đều hoàn toàn mới mẻ. De Officiis nêu ra quan điểm của nhiều nhà hiền triết Hy Lạp đã viết ra các tác phẩm mà Cicero đã đọc trong thư viện.

Đến nay thì những công trình ấy đã bị thất lạc nhưng tác phẩm của Cicero thì vẫn còn đó. De Officiis là cuốn sách được đọc, giảng dạy ở khắp nơi trong suốt thời kỳ Đế chế La mã hưng thịnh và vẫn sống sót khi đế chế này sụp đổ. Nó định hình tư tưởng của các nhà tư tưởng trong thời kỳ Phục hưng như Erasmus, và đến hàng trăm năm sau vẫn là nguồn cảm hứng cho nhà văn Voltaire. “Sẽ chẳng có ai có thể viết bất cứ thứ gì thông thái hơn thế’, Voltaire từng nói.

Từ ngữ mà Cicero viết trong De Officiis vẫn không thay đổi cho đến tận ngày nay. Nhưng cái vỏ bao bọc nó đã trải qua biết bao lần biến hóa. Có lẽ Cicero đã đọc de Officiis cho người nô lệ Tiro viết lên những trang sách. Sau này Tiro lại sao chép cuốn sách sang 1 cuộn giấy cói papyrus. Sau vài thế kỷ, nhiều bản sao chép đã được tạo ra với nội dung được giữ nguyên, chỉ thay đổi từ những cuộn giấy cói sang những cuốn sách được đóng gáy ngay ngắn.

Hàng nghìn năm sau, các thầy tu nắn nót chép lại từng trang sách để làm thành những bản copy, trung bình mỗi ngày sẽ chép được vài trang. Đến thế kỷ 15, de Officiis được sao chép bằng máy. Một trong những cuốn đầu tiên được in năm 1466, tại 1 nhà in ở Mainz, Đức. 500 năm sau khi ra đời, nó được chuyển về thư viện Huntington, San Marino, bang California từ năm 1916. Hàng chục nghìn bản được cất giữ trong hầm chứa xây dựng từ năm 1951. Ban đầu hầm này được dùng để tránh bom hạt nhân.

Nhưng de Officiis tự do hơn bao giờ hết, dưới nhiều dạng thức khác nhau. Có thể tìm thấy những phiên bản bìa cứng ở trong thư viện, bản bìa mềm phục vụ người đọc bình dân với mức giá rẻ hơn hay bản đặc biệt được thiết kế phục vụ riêng các trường đại học. Bạn cũng có thể đọc trực tuyến hoặc tải về phiên bản e-book, đầy đủ bản tiếng Anh, tiếng Latinh và nhiều ngôn ngữ khác.

Nhiều người lo ngại rằng những công nghệ hiện đại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sách. Các thiết bị đọc mới ngày càng phổ biến cùng sự lớn mạnh của các gã khổng lồ trực tuyến như Amazon sẽ khiến các hiệu sách phải đóng cửa và những tác giả non nớt cũng có thể xuất bản sách sẽ khiến thị trường “bị ngập”. Đúng là cách mạng số hóa sẽ thay đổi hoàn toàn cách viết, cách bán và cách đọc những cuốn sách và không phải ai cũng được lợi từ việc này. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn nhận đơn thuần là công nghệ sẽ phá hủy những cuốn sách thì bạn đã lầm to. Bởi bản thân những cuốn sách đã là công nghệ khi chúng giúp truyền tải suy nghĩ của con người. Và đây là thứ công nghệ hùng mạnh, có đủ khả năng thích nghi và sẽ trường tồn với thời gian.

Chẳng có đội quân nào chinh phục được vùng lãnh thổ rộng lớn như những cuốn sách giáo khoa, chẳng có hoàng thân hay vị linh mục nào quan trọng bằng “Nguồn gốc muôn loài”, và chẳng có sự ép buộc nào có thể làm lay động con tim và lý trí của cả đàn ông và phụ nữ mạnh mẽ như những vở kịch của Shakespeare. Trong khi những cuốn sách in đã trở thành phương tiện hoàn hảo để truyền tải thông tin từ người viết đến người đọc, những cuốn sách điện tử có thể truyền thông tin theo chiều ngược lại: giáo viên có thể nắm bắt quá trình học tập của sinh viên dễ dàng hơn hay độc giả có thể chia sẻ cảm nghĩ với nhau.

Tương lai của những cuốn sách sẽ nằm ở đâu? Có lẽ là sáng sủa hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ.

Chương II

Nơi lời tiên tri không trở
thành sự thực

Sự trỗi dậy của công nghệ kỹ thuật số và đặc biệt là Amazon – hiệu sách chưa từng xuất hiện trong lịch sử - mang đến cho những người yêu sách nhiều nỗi sợ: sợ sách sẽ chết, các nhà xuất bản sẽ chết, các hiệu sách sẽ chết và cả thói quen đọc sách cũng sẽ chết. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại dường như chỉ có các hiệu sách bị ảnh hưởng nặng nhất.

Trong quá khứ, những cuốn sách lịch sử thường được coi là món đồ xa xỉ. Đến thế kỷ 20, loại sách này mới đủ rẻ để công chúng có thể tiếp cận và đến thế kỷ 21 thì cánh cửa đã hoàn toàn mở ra nhờ sự trợ giúp của công nghệ số. Năm 2013, khoảng 1,4 triệu mã số tiêu chuẩn quốc tế cho sách (ISBN) đã được phát hành, tăng vọt so với con số khoảng 8.100 của năm 1960.

Con số này còn chưa tính đến nhiều e-book tự phát hành không có mã ISBN. E-book đang làm sống lại những thể loại tác phẩm đang bị các nhà xuất bản truyền thống ruồng bỏ: những tác phẩm quá ngắn không bõ công in hay quá đồ sộ để in thành 1 quyển sách mang theo bên mình. Mọi rào cản đã bị dỡ bỏ.

Ngay cả những người bi quan nhất về tương lai của sách cũng đã hạ giọng. Nicholas Carr, tác giả cuốn “The Shallows” năm 2011 dự đoán rằng internet sẽ khiến người dùng trở nên đờ đẫn và thiếu tập trung, mới đây đã phải thừa nhận người ta vẫn “dán mắt” vào những trang sách – thứ đem lại cảm nhận thực sự sống động. Thời gian con người dành cho sách chỉ giảm nhẹ chứ không lao dốc thẳng đứng trước sự cạnh tranh từ vô vàn phương tiện giải trí như phim ảnh và truyền hình.

Năm 2010, một nhà xuất bản lớn là Simon & Schuster đưa ra dự báo đến năm 2013 e-book sẽ chiếm 50% tổng số sách bán ra. Tuy nhiên năm ngoái con số chỉ là 30% ở Mỹ - thị trường sách lớn nhất thế giới và cũng là nơi e-book nở rộ nhất. Ở thị trường lớn thứ 3 là Đức, con số chỉ khoảng 5% theo thống kê của PricewaterhouseCoopers. Ở nhiều thị trường trong đó có Anh và Mỹ, e-book đang tăng trưởng chậm lại.

Có một số lý do giải thích hiện tượng này. Thứ nhất, như Russell Grandinetti là người phụ trách kinh doanh Kindle của Amazon đã nói, sách in “thực sự là công nghệ vượt trội”: có thể mang theo bên mình, khó vỡ, những trang giấy có độ phân giải cao và “cả đời không hết pin”.

Các công ty công nghệ đã quá quen với cảnh tượng người dùng chạy theo công nghệ mới cảm thấy hết sức ngạc nhiên khi không thể cạnh tranh nổi với những cuốn sách in đơn giản và cũ kỹ. Độc giả chỉ có một yêu cầu là ước gì có thể chỉnh cỡ chữ để những người già đọc dễ dàng hơn. Những cuộc thử nghiệm cố gắng phát minh lại cách trình bày 1 cuốn sách, ví dụ như chèn thêm âm thanh và video vào những cuốn e-book, không được độc giả hưởng ứng. Doanh thu của máy đọc sách Kindle đang sụt giảm.

Thậm chí hãng nghiên cứu Enders Analysis đã đưa ra dự báo táo bạo rằng “một ngày nào đó nhìn lại lịch sử chúng ta sẽ thấy máy đọc sách là loại thiết bị media có vòng đời ngắn nhất”. Bạn không nhất thiết phải có hẳn 1 máy đọc sách để có thể đọc 1 cuốn e-book, đọc trên điện thoại cũng đem đến trải nghiệm không phải quá tồi tệ. Trong khi đó sách in có nhiều công dụng không thể thay thế: là 1 món quà tặng ý nghĩa, nhiều người vẫn muốn có kệ sách trong nhà, bố mẹ không muốn bọn trẻ dành quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình và sách in là sự lựa chọn thay thế, đồng nghĩa một thế hệ mới sẽ lớn lên cùng những cuốn sách in.

Các nhà xuất bản vẫn sống khỏe là điều ngạc nhiên hơn nữa. Khi ngành công nghiệp âm nhạc và báo chí bị internet vùi dập hơn 10 năm trước, mọi người đã sợ rằng ngành xuất bản sẽ có số phận tương tự. Tuy nhiên lượng sách in bán ra vẫn không suy giảm. Doanh thu của các nhà xuất bản giảm nhẹ vì e-book và giá sách cũng giảm chút ít, nhưng chi phí in sách cũng giảm, do đó lợi nhuận không bị ảnh hưởng.

Thời xưa các nhà xuất bản phải dự đoán số lượng sách cần in ra và chuyển đi, sau đó trả không ít tiền cho những cuốn không bán được. Nhưng ngày nay hệ thống in theo nhu cầu được trợ giúp rất lớn bởi công nghệ giúp giảm thiểu rủi ro khi cho phép nhà xuất bản in số lượng nhỏ hơn và cũng dễ dàng, nhanh chóng in thêm nếu sách bán chạy. Điều này đặc biệt hữu ích với các nhà xuất bản nhỏ như các nhà xuất bản nằm trong trường đại học.

Ngành công nghiệp âm nhạc sụp đổ một phần là bởi cơ chế hoạt động của nó đã vụn vỡ khi Internet xuất hiện: mọi người muốn mua 1 bài hát chứ không phải cả album. Những cuốn sách thì không dễ dàng bị chia nhỏ như vậy. Bất kỳ ai cũng có thể sao chép 1 bài hát bất kỳ từ đĩa CD và tung nó lên mạng, còn tạo ra 1 file sách bằng cách scan từng trang sẽ là 1 cơn ác mộng. Trong khi đó vận mệnh của các tờ báo giấy được quyết định bởi quảng cáo. Nhà xuất bản sách thì không như vậy.

Nếu có điều gì thay đổi đối với các nhà xuất bản thì đó là cách bán sách, thậm chí là thay đổi rất mạnh mẽ. Trong thập kỷ vừa qua, các cửa hàng sách truyền thống đã giảm khá mạnh. Bên cạnh đó là sự phân chia rõ ràng: những cuốn bán chạy nhất ngày càng bán chạy. Ngược lại những cuốn tầm trung khó tiếp cận với độc giả hơn vì khách hàng mua sách online ít có cơ hội gặp phải chúng như khi lần mò từng đầu sách trong hiệu sách. Để thích nghi, các hiệu sách cũng đã có nhiều thay đổi về diện mạo và cách bài trí.

Sự thay đổi lớn thứ hai đến từ Amazon. Bắt đầu bán sách từ năm 1999 và giờ đang bán tất cả mọi thứ, Amazon khiến không ít hiệu sách phải đóng cửa. Amazon được cho là đang kiểm soát một nửa số sách bán ra ở Mỹ (tính riêng e-book thì nắm tới 2/3). Ở Anh, thế độc quyền của Amazon còn mạnh hơn. Các nhà xuất bản và đại lý bán sách ví Amazon với chú gấu trắng khổng lồ trong show truyền hình “Lost” đi lang thang trong rừng và sẽ ngẫu nhiên chọn ra 1 nạn nhân.

Amazon chẳng phải là một kẻ vô văn hóa. Tập đoàn này chỉ coi sách là một trong các loại hàng hóa mà nó bán, là cầu nối để thu hút người tiêu dùng. Nhưng trên con đường tiến tới mục tiêu đó Amazon đã khiến các nhà xuất bản và đại lý bán sách gục ngã vì sách giảm giá. Ngành sách vừa phải chống lại thế độc quyền và thái độ hám lợi của Amazon trên những cuốn sách, vừa phải phụ thuộc vào tập đoàn này để kinh doanh và cũng phải biết ơn Amazon đã giúp đem đến nhiều độc giả hơn.

Chương III

Khi những tác giả thế hệ mới
gặp những độc giả thế hệ mới

Trước thế kỷ 19, các tác giả thường tự xuất bản sách của mình – điều gây nên sự bất tiện cho cả người mua và người bán sách. Một tác giả ở Paris phải chỉ dẫn người mua trực tiếp đi đến căn hộ của mình để mua sách, ngôi nhà nằm trên “phố Mazarine, bên trên quán cafe de Montpellier, đi cầu thang ở bên tay phải để lên lầu 2, đi đến cuối hành lang”. Sau này chỉ còn những tác giả lập dị mới làm như vậy. Độc giả tới hiệu sách, hiệu sách mua sách từ nhà xuất bản.

Nhưng ngày nay Internet lại cho phép mọi người tự in và bán sách của mình một cách rất thuận tiện. Tại hội chợ sách London mùa xuân năm ngoái, 8 tác giả thuê chung 1 quầy cho biết họ đã bán được tổng cộng 16 cuốn sách nằm trong danh sách bán chạy nhất của New York Times nhiều tuần liền. Họ tự làm tất cả mà không cần đến sự trợ giúp của nhà xuất bản nào.

Để viết 1 cuốn sách, chi phí duy nhất là thời gian. Để thuê 1 biên tập viên, người thiết kế trang bìa, người hiệu đính (nếu bạn nghĩ là cần thiết) chỉ mất nhiều nhất là 2.000 USD. Các tác giả tự xuất bản 1 e-book thông qua Amazon sẽ được nhận 70% doanh thu ròng. Năm ngoái doanh thu từ các cuốn sách tự xuất bản tại Amazon vào khoảng 450 triệu USD. Năm 2012, ở Mỹ 1/4 số sách có mã ISBN là tự xuất bản, năm 2013 ở Anh cứ 5 cuốn được mua thì có 1 cuốn được tự xuất bản.

“Wool” là 1 truyện ngắn online viết về thành phố ngầm có tên là Silo. Được độc giả hào hứng đón nhận, tác giả Hugh Howey quyết định phát triển nó thành tiểu thuyết và thành công vang dội. Nhà xuất bản Simon & Schuster đã đưa ra 1 thỏa thuận bất thường là mua bản quyền để in cuốn sách này. “Wool” ngay lập tức trở thành best-seller và có thể được dựng thành phim. Bộ phim “50 sắc thái” cũng được chuyển thể từ tiểu thuyết online.

Hầu hết các tác giả vẫn sẽ ký hợp đồng với nhà xuất bản khi có cơ hội, vì sách in vẫn chiếm thị phần rất lớn. Nhưng làn sóng tự xuất bản đang thay đổi cách làm việc của các nhà xuất bản. Các tác giả tự xuất bản thu hút độc giả bằng cách bán sách chỉ với giá vài USD và rất hào hứng tung khuyến mãi để tăng doanh số. Điều này gây sức ép lên mức phí mà các nhà xuất bản thu về. 5 năm gần đây, doanh thu của Herlequin, nhà xuất bản chuyên về tiểu thuyết lãng mạn, đã giảm khoảng 100 triệu USD và nửa năm trước đã phải bán mình cho HarperCollins.

Các nhà xuất bản còn phải thay đổi cách đi tìm tác giả. Họ phải lục tìm các trang viết như Wattpad, nơi mọi người nhận được bình luận về tác phẩm của mình từ các người dùng khác. Những tác giả như vậy không phụ thuộc vào hệ thống đánh giá của Amazon. Độc giả cũng ưa thích những cuốn sách được viết, chỉnh sửa và review một cách chuyên nghiệp, kỹ càng.

Tác giả Susan Orlean (cũng là 1 cây bút của tờ New Yorker) chia sẻ trước đây cô chưa từng nghĩ đến viễn cảnh có thể tự xuất bản. Theo Orlean, trong tương lai các nhà xuất bản sẽ phải bắt đầu chia nhỏ dịch vụ, ví dụ như chỉ in hoặc hiệu đính chứ không phải gói tất cả các khâu thành một cục như hiện nay.

Các nhà xuất bản chỉ thực sự cần thiết nếu có thể đưa ra bằng chứng chứng minh họ có thể kết nối tác phẩm với nhiều độc giả hơn bất kỳ ai khác. Mối kết nối này đặc biệt quan trọng, bởi công nghệ giúp mọi người dễ xuất bản hơn thì cũng dễ tìm kiếm, chia sẻ, thảo luận và cạnh tranh với các cuốn sách khác hơn so với trước đây.

Ở thời của Cicero, các tác giả sẽ tụ tập ở nhà bạn bè hoặc đứng trước 1 quảng trường đầy người hâm mộ để sẵn sàng chia sẻ tác phẩm mới của mình. Độc giả có thể bật khóc trước 1 đoạn văn mà họ đặc biệt yêu thích. Những người mới bước vào nghề có thể nhờ cậy vào sự ủng hộ từ bạn bè. Họ nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của các mối quan hệ, làm quen với những người có tầm ảnh hưởng để tác phẩm của mình được truyền bá. Sách là thứ vừa riêng tư và mang tính xã hội cao, và chính sự kết nối là bản chất tự nhiên khiến sách làm tốt đến vậy trong nâng cấp và trau chuốt suy nghĩ. Chỉ là, trong thời đại số hóa ngày nay, mối kết nối ấy trở nên khó quan sát hơn mà thôi.

Chương IV

Những tiêu chuẩn giảm xuống
và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn

Những ai không hứng thú với một thế giới đáng sợ như trong cuốn “Wool” hay kiểu nô lệ tình dục như trong “50 sắc thái”, những ai cho rằng việc độc giả có thể hỏi tác giả bất cứ điều gì trên Reddit chẳng có gì hay ho và rằng tiểu thuyết gia Flaubert cũng đâu có nhiều bạn bè trên Facebook – họ sẽ là những người đồng quan điểm với Niccoló Perotti (nhà nghiên cứu nhân văn người Italia và là tác giả của một trong những cuốn sách đầu tiên hướng dẫn ngữ pháp Latin hiện đại). Năm 1471, Perotti phàn nàn với một người bạn rằng: “Ngày nay bất cứ ai cũng tự do in ấn bất cứ thứ gì họ muốn, họ thường chẳng quan tâm xem cái gì là tốt nhất. Họ không viết mà chỉ là giải trí đơn thuần. Những điều họ viết ra thật đáng quên, tốt hơn hết chúng nên bị xóa khỏi tất cả các cuốn sách”. Sự lo lắng của ông vẫn tồn tại sau nhiều thế kỷ. “Nếu tất cả mọi người đều viết, vậy thì ai sẽ đọc?” Christoph Martin Wieland, một tác giả người Đức vào thế kỷ 18 đã từng đặt câu hỏi như vậy.

Với phương thức sản xuất và phân phối sách mới xuất hiện, khách hàng mới ngày càng tăng thêm. Tất cả tạo nên lịch sử hiện đại của những cuốn sách, những đại diện của hệ thống cũ sẽ luôn nhìn vào hệ thống mới với sự ngờ vực. Đó có thể là lý do vì sao những điều mới mẻ thường mất nhiều thời gian để được chấp nhận. Hàng trăm năm sau khi người ta phát minh ra sách lật trang thì sách cuộn vẫn tiếp tục được sử dụng. Những cuốn sách in đầu tiên cố gắng xóa đi cảm giác sốc của độc giả bằng cách bắt chước chữ viết tay, cũng như sách điện tử (e-book) ngày nay bắt chước giống sách in.

Nhưng khi máy in phát triển mạnh mẽ, nó tạo ra loại sách mới mang những chức năng mà loại cũ không có được. Những cuốn sách ngắn được sản xuất hàng loạt và dễ dàng với mức giá rẻ. Điều này dẫn đến sự ra đời của từ Flugschriften, trong tiếng Đức có nghĩa là “những dòng chữ bay”. (Ngành công nghiệp in ấn ra đời tại Đức với sự xuất hiện của máy in Gutenberg). Giờ đây, những người từng không thể có nổi một cuốn sách đã có thể mua những tác phẩm ngắn của Martin Luther. Máy in dần dần cho ra đời nhiều loại sách mới chưa từng tồn tại trước đó, như lịch có dự báo thời tiết hay tập ngắn những câu chuyện dân gian.

Thời kỳ in ấn dập khuôn của thế kỷ 19 cho phép nhà xuất bản có cơ hội tiếp cận với nhiều độc giả thông qua tạp chí và báo giấy. Nhờ đó mà giới độc giả được mở rộng. Thể loại tiểu thuyết ủy mị, giá rẻ ở Anh hay Mỹ bắt đầu được tái bản, tác giả vẫn được trả tiền. Nhà xuất bản nhận thấy mỗi thể loại sách phản ánh mối quan tâm và nhân khẩu học riêng của độc giả, ví dụ người phương Tây và hướng dẫn viên sẽ thích kiến thức thực tiễn. Điều này tương tự đối với loại sách bìa mềm của giữa thế kỷ 20.

Những loại sách mới đi liền với các mô hình kinh doanh mới. Các nhà xuất bản trong thế kỷ 17 - 18 thường bán sách qua hình thức đăng ký, tức là với một bản giới thiệu, khách hàng sẽ quyết định đặt sách trước khi in hay không. Việc này giống như nghiên cứu thị trường. Trong trường hợp không đủ người quan tâm thì dự án có thể đổ bể.

Vào thế kỷ 18, tại Anh, một mô hình mới xuất hiện để đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trí thức – những người muốn đọc sách hơn là mua sách. “Thư viện cho mượn sách” bán thẻ thành viên hằng năm, cho phép thành viên luôn có một cuốn sách để đọc. Trong số đó phải kể đến thư viện của ông Charles Edward Mudie. Theo ông Leah Price, Giáo sư Văn học Anh tại Đại học Harvard, nơi đây được ví như Amazon của thế kỷ 18, xét trên sức mạnh thị trường. Thư viện này thường mua đến một nửa lượng sách in trong mỗi đợt để phục vụ mạng lưới người mượn của mình. Nếu ông Mudie lựa chọn không lấy một cuốn sách nào đó thì cuốn đó ngay lập tức thất bại. Mô hình kinh doanh này khuyến khích các nhà xuất bản in lượng sách nhiều gấp 3 lần, sao cho 3 người có thể đọc một cuốn sách cùng lúc. Các tiểu thuyết gia sẽ hoàn thiện bản thảo để in nhiều gấp 3 lần. Sự phát triển của báo giấy và tạp chí khuyến khích một số tác giả viết dài hơn và mỗi số tạp chí sẽ kết thúc lửng lơ theo sự sắp đặt của tác giả.

Những thể loại mới thường bị đánh giá kém hơn những thể loại cũ. Hồi đó, tiểu thuyết là thể loại ưa thích của những người thường xuyên mượn sách thư viện, đến mức mà nhà thơ người Anh Samuel Taylor Coleridge thất vọng nói rằng ông “không dám khen ngợi cách họ để thời gian trôi qua hay đúng hơn là giết thời gian nhân danh việc đọc sách”. Nhưng lịch sử đã tử tế với 3 cuốn tiểu thuyết của nhà văn Walter Scott, những tác phẩm của đại văn hào Alexandre Dumas, và những tác phẩm lạ của Walt Whitman như Tập thơ Lá cỏ hay Bên phía nhà Swann của Marcel Proust. Công nghệ mới thay thế công nghệ cũ, các mô hình kinh doanh cứ xuất hiện rồi biến mất, nhưng sự đa dạng của các thể loại sách thì luôn được ủng hộ và những tác phẩm vĩ đại nhất vẫn bền bỉ trường tồn.

Chương V

Những ý tưởng từ quá khứ đến
tương lai

Công nghệ đang mở rộng khái niệm “sách” theo nhiều cách khác nhau. Một trong những ví dụ thành công nhất cho đến nay là sách nói (audiobook). Được ai đó đọc sách cho nghe không chỉ niềm vui thích của trẻ nhỏ mà còn là niềm mong muốn của nhiều người cho đến tận thế kỷ 20. Ông Donald Katz của công ty Audible, một hãng sách nói thuộc sở hữu của Amazon, cho biết giá một bản sách nói giảm xuống khoảng 25.000 USD vào cuối những năm 90s và ngày nay mức giá này vào khoảng 2.000 – 3.000 USD. Những thể loại sách cải tiến không hề thua kém sách giấy thông thường. Audiobook đặc biệt phù hợp để nghe trong thời gian di chuyển. Công ty Audible có trụ sở tại New Jersey cho biết họ là công ty có nhiều lao động nhất ở tiểu bang New York. Họ tạo ra những sách nói từ văn bản, ứng dụng của họ chứa hàng nghìn cuốn sách được thu âm.

Công nghệ thông tin cung cấp những cách thức mới mang câu chữ trên trang giấy đến với não bộ. Spritz là một ứng dụng đưa văn bản đến với người đọc một cách từ từ. Giống như máy chạy bộ, người đọc có thể cài đặt tốc độ. Họ có thể đọc nhanh hơn bởi vì mắt được giữ nguyên ở một vị trí thay vì lướt đi khắp trang sách. Ứng dụng cho phép những đoạn văn dài nhất có thể được đọc trên một màn hình nhỏ, ví dụ như mặt đồng hồ. Ông chủ Frank Waldman của Spritz cho rằng mọi người sẽ đọc sách theo cách này, cũng như thơ ca cho phép nhà thơ sắp xếp giai điệu của bài thơ cho độc giả.

Nhịp điệu của một bài thơ trữ tình có thể hoặc không khiến nó trở thành một tác phẩm được yêu mến và bán chạy. Nhưng những dạng sách mới sử dụng công nghệ nhiều hơn, thay vì chỉ tái tạo các trang sách trên màn hình điện tử, thì chắc chắn sẽ trở thành một “hit” lớn. Chúng có thể khiến nhiều dạng sách cũ sụt giảm hoặc thậm chí bị khai tử.

Matt MacInnis, CEO của Inkling - một công ty sách điện tử, nhận định câu hỏi trọng tâm ở đây là: “Điều gì mà sách đã từng mang đến cho chúng ta giờ đây có thể được thực hiện nhờ công nghệ?” Một trong những điều đó là làm sao để cung cấp thông tin để mọi người có thể thực hiện một nhiệm vụ đơn giản hoặc hoàn thành một mục tiêu. Dòng sách hướng dẫn cách sửa xe Toyota, công thức cho món bánh táo tarte tatin của Pháp, hay hướng dẫn cách chọn một địa chỉ lưu trú tại Tokyo, có vẻ không có tương lai. Trừ khi chúng không dừng lại ở việc cung cấp thông tin hay giải quyết nhu cầu, mà trở thành một đồ vật đáng mơ ước. Dòng sách thực sự dạy cho chúng ta điều gì đó thay vì chỉ đơn giản đưa ra thông tin có tương lai tươi sáng hơn. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông và phần mềm cho phép sách đáp ứng nhu cầu và tốc độ riêng của người đọc.

Nhà xuất bản có thể tăng lợi nhuận hơn nhờ vào dữ liệu. Những dữ liệu này có thể được khai thác khi sách được bán trên internet hoặc được đọc trên một định dạng điện tử. HarperCollins nhận thấy khi hãng này giảm giá một số cuốn sách thì có khoảng 10% độc giả sẽ mua thêm một cuốn khác của cùng tác giả. “Đó là điều chúng tôi chưa từng thấy ở thị trường sách in”, ông chủ của HarperCollins cho biết. Một nhà xuất bản lớn khác cũng thực hiện “định giá linh hoạt” đối với khoảng một nửa số sách điện tử của họ.

Dữ liệu cũng giúp các hãng quyết định loại sách nào cần đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực về học thuật, kinh doanh và khoa học. Safari Books Online, một kho dữ liệu cho nội dung do O’Reilly Media sở hữu, sử dụng data về hành vi đọc sách của người đăng ký để cải thiện dịch vụ mà họ cung cấp. Amazon cũng có một bộ dữ liệu hành vi đọc sách như khoảng thời gian dành cho một trang sách hay chỗ mà mọi người dừng không đọc nữa. Đến nay các nhà xuất bản không được tiếp cận nhiều với những số liệu này, Amazon giữ data cho riêng họ. Khi nhà xuất bản có nhiều dữ liệu hơn và nghiên cứu kỹ hơn, dữ liệu có thể là một trong những yếu tố của thế giới điện tử giúp thay đổi hoạt động kinh doanh nhiều nhất.

Điều này có thể không có lợi cho tác giả tìm kiếm thu nhập. Một trong những lý do giúp những cuốn sách thất bại được xuất bản là vì không ai thật sự chắc rằng nó có bán được không. Nhà xuất bản đặt cược vào những yếu tố như tri giác, sở thích cá nhân, tình bạn, linh cảm và cả sự bướng bỉnh – những thứ khiến cho dữ liệu không có nhiều cơ hội được sử dụng. Ông Mike Shatzkin, một chuyên gia phân tích trong ngành, cho biết trong khi ngày càng nhiều sách được xuất bản thì ngày càng ít người có thể kiếm sống hoàn toàn dựa vào nghề viết hay xuất bản.

Giống như trở lại thời kỳ trước, mọi người không kỳ vọng sống nhờ vào viết sách mà chỉ sử dụng sách như một phương tiện để cải thiện sự nghiệp hay thể hiện sự sáng tạo. Rõ ràng, hầu hết các tác giả tự xuất bản sách không làm việc đó vì tiền mặc dù hoàn toàn hợp lý nếu họ mong muốn kiềm tiền nhờ việc này. Họ viết sách để tạo ra một dấu ấn cá nhân. Thay vì chỉ là một tấm hình mờ đằng sau bìa sách, những tác giả này có thể kiếm tiền sử dụng thương hiệu cá nhân trên mạng, trong những liên hoan phim hoặc ở những nơi khác.

Không chỉ các nhà văn mới có nhiều cơ hội. Những người có ý tưởng viết sách không cần phải cố gắng đến gặp nhà xuất bản nữa. Họ có thể mời gọi những độc giả tiềm năng nhờ các trang huy động vốn từ cộng đồng như Indiegogo hoặc thông qua một số công ty như Pubslush và Unbound. Nhiều người sẽ không gọi được vốn, một số lại thành công ngoài sức tưởng tượng. Vào tháng 2 năm ngoái, một phụ nữ trẻ đã huy động được 380.000 USD thông qua Kickstarter với “Hello Ruby”, một cuốn sách dạy kĩ năng lập trình cho trẻ em. Một số người sẽ tiếp tục thành công. Nhà xuất bản từ vốn góp của cộng đồng Unbound được thành lập năm 2011. Unbound đã xuất bản cuốn tiểu thuyết “The Wake” của Paul Kingsnorth. Cuốn sách này nằm trong danh sách đề cử Giải thưởng văn học Man Booker vào năm 2014.

Trước đây huy động vốn là việc của nhà xuất bản thì nay những phương thức huy động vốn mới được mở ra khiến sách thuộc về xã hội nhiều hơn. Độc giả sử dụng thiết bị đọc sách điện từ có thể nhìn thấy đoạn nào được bôi đậm bởi những người đọc khác. Ngoài ra, thảo luận được mở ra để mọi người có thể trao đổi cùng lúc ở bên lề của cuốn sách. Ông Bob Stein của Viện nghiên cứu Tương lai của sách dự báo một số e-book bắt đầu được bán kèm theo lời bình của các tác giả hoặc các nhà phê bình nổi tiếng, giống như những phần bị cắt của một phim.

Trong kỷ nguyên điện tử, cách kể chuyện sẽ thay đổi, nhiều thể loại được sinh ra và nhiều tác giả mới sẽ xuất hiện - những người chưa từng được phát hiện trong thế giới sách in. Nhưng cũng sẽ có nhiều cuốn sách in trở nên tiện lợi, hấp dẫn hơn khi cầm, chạm và sở hữu. Đối đầu với sách điện tử, sách in “rất cần tạo ra những cuốn thật sự đặc biệt”, ông Scott Moyers, biên tập viên của nhà xuất bản Penguin Press cho biết. Đỉnh cao trong việc này phải kể đến nhà xuất bản Arion Press. Họ đã tạo ra phiên bản lộng lẫy được in dập nổi của những tác phẩm kinh điển. Hai cuốn Don Quixote với da dê bọc ngoài và nhiều hình ảnh minh họa có giá khoảng hơn 4.000 USD.

Cả sách in và sách điện tủ sẽ cùng phát triển. Khái niệm “sách” ngày càng được mở rộng. Sách vẫn là một kênh văn hóa quan trọng, là dòng chảy từ quá khứ đến tương lai. Người ta không còn cố gắng truyền đạt kiến thức cho các con trai, con gái thông qua những cuốn sách cuộn được viết bởi người nô lệ, như cách mà Cicero đã làm với cuốn de Officiis, hay ngay cả với sách in. Có thể Voltaire đã đúng khi ông cho rằng không ai có thể viết được bất cứ một thứ gì sáng suốt hơn cuốn de Officiis, hay ho hơn những thứ đã được viết ra cả 2.000 năm trước. Nhưng độc giả thì lúc nào cũng vậy, kể cả trong tương lai, sẽ luôn sẵn sàng tìm kiếm những điều sáng suốt mà người xưa để lại.

tài liệu tham khảo

Bassett, Troy J. “The Production of Three-Volume Novels, 1863-1897”, Papers of the Bibliographical Society of America (2008) pp. 61-75

Book Industry Study Group, “Consumer Attitudes Toward E-Book Reading”, 2013

Bower, Joseph L. and Christensen, Clayton M. “Disruptive Technologies: Catching the Wave”, Harvard Business Review, January-February 1995

Cicero, Marcus Tullius de Officiis Mainz: Johann Fust and Peter Schoeffer, 1466

Coover, Robert “The End of Books”, The New York Times, June 21st 1992

Coser, Lewis A., Kadushin, Charles and Powell, Walter W. Books: The Culture and Commerce of Publishing New York: Basic Books, 1982

Darnton, Robert “A World Digital Library is Coming True!”, The New York Review of Books, May 22nd 2014

Darnton, Robert The Case for Books: Past, Present, and Future. New York: PublicAffairs, 2009

Erickson, Lee “The Economy of Novel Reading: Jane Austen and the Circulating Library”, Studies in English Literature, 1500-1900, Vol 30, No 4. (Autumn, 1990), pp 573-590

Felton, Marie-Claude “The Enlightenment and the Modernization of Authorship: Self-Publishing Authors in Paris (1750-91)”, The Papers of the Bibliographical Society of America (December, 2011), pp. 439-469

Frederick, John T. “Hawthorne’s ‘Scribbling Women”, The New England Quarterly (June, 1975), pp 231-240

Howard, Nicole The Book: The Life Story of a Technology Baltimore: Johns Hopkins University Press, 2009

Johns, Adrian Nature of the Book: Print and Knowledge in the Making Chicago: University of Chicago Press, 1998

Lyons, Martyn Books: A Living History J. Paul Getty Museum, 2011