Ám ảnh giá cả ăn uống leo thang với lí do "Tết mà", dù Tết đã qua từ bao giờ!

THU HƯỜNG |

Tăng giá dịp nghỉ lễ đã đành, nhưng sau đó cả tuần trời, nỗi ám ảnh này vẫn chưa kết thúc bởi giá cả mọi thứ đều "leo thang" với một lý do không thể chính đáng hơn là... "Tết mà".

Tết đã qua đi, giá tăng vẫn ở lại!

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt.

Nhưng ngoài niềm vui có một kì nghỉ dài, được sum họp bên người thân thì có lẽ việc khiến chúng ta khó chịu nhất vẫn là việc phải dốc hầu bao, chi trả cho hàng loạt mặt hàng được dịp "nhảy" giá.

Tăng giá dịp nghỉ lễ đã đành, nhưng sau đó cả tuần trời, nỗi ám ảnh này vẫn chưa kết thúc bởi giá cả mọi thứ đều "leo thang" với một lý do không thể chính đáng hơn là... "Tết mà".

Ám ảnh giá cả ăn uống leo thang với lí do Tết mà, dù Tết đã qua từ bao giờ! - Ảnh 1.

Bảng menu mới sau Tết của một quán ăn vỉa hè trên phố cổ. Giá món bún nước đã "nhẹ nhàng" tăng thêm 5.000 đồng.

Anh Nguyễn Tuấn - một người họat động trong lĩnh vực thương mại điện tử khi sử dụng dịch vụ những ngày sau Tết cũng gặp phải vô vàn bức xúc và anh đã chia sẻ những vấn đề này trên trang facebook cá nhân của mình:

"Sáng mùng 6 vào ăn bát phở, uống cốc trà đá thì bát phở 40k trước Tết nay đã thành 60k, cốc trà 3k cũng tự lên thành 5k.

Hỏi bà chủ mới lên giá à? Bà bảo "Tết mà em". Ơ kìa, Tết thì kệ Tết chứ, liên quan gì mà cốc trà, bát phở tự giá nó lên gần gấp đôi thế?".

Ngoài chuyện bức xúc với việc tăng giá cao đến khó hiểu, anh Tuấn cũng bất bình vì thái độ phục vụ chểnh mảng ở nhiều nơi và khi hỏi ra, tất cả lại quy về một lý do "Tết mà".

Ám ảnh giá cả ăn uống leo thang với lí do Tết mà, dù Tết đã qua từ bao giờ! - Ảnh 2.

Chia sẻ của anh Tuấn "chạm" đúng nỗi bức xúc của rất nhiều người.

"Tối mùng 7, vào nhà hàng ăn cùng mấy ông bạn. Nhà hàng rõ đông khách, gọi món thì cả tiếng chẳng thấy mang ra, thắc mắc thì bảo "anh thông cảm, Tết nên thiếu nhân viên". Lại nữa, đó là vấn đề của ông chứ không phải của khách hàng.

Thiếu nhân viên thì đừng nhận thêm khách nữa, chỉ nhận đủ với khả năng phục vụ của từng ấy nhân viên thôi chứ?

Sáng mùng 8 ghé tiệm tạp hoá mua thùng sữa tươi cho con, chị chủ tiệm không bán cho dù hàng hoá đang bày đầy ra nhà, bảo mai mới mở hàng em, nay xấu ngày.

Chả biết chị chọn ngày đẹp để mở hàng có đông khách không, nhưng chị mất ngay 1 khách là em rồi", anh Tuấn viết trên trang cá nhân.

Ám ảnh giá cả ăn uống leo thang với lí do Tết mà, dù Tết đã qua từ bao giờ! - Ảnh 3.

Tết đến, từ nhà hàng đến quán cóc vỉa hè đều đông nghịt khách.

Ám ảnh giá cả ăn uống leo thang với lí do Tết mà, dù Tết đã qua từ bao giờ! - Ảnh 4.

Nhưng nhiều khách hàng luôn có cảm giác bị móc túi khi giá cả thứ gì cũng tăng.

Không ai hiểu vì sao, Tết với nhiều người lại có thể kéo dài đến thế. Khi tất cả mọi người đã trở lại với công việc và cuộc sống thường nhật thì hình như chỉ có những người bán hàng muốn "sống mãi" với Tết.

Đến tận ngày mùng 10 (sau nghỉ Tết 5 ngày) nhiều hàng quán vẫn giữ nguyên giá bán tăng cao như dịp nghỉ lễ và coi đó là chuyện hiển nhiên phải xảy ra.

Tất nhiên không phải hàng ăn, quán nước nào cũng như vậy. Nhưng nếu muốn trải nghiệm cảm giác "bị móc túi", bạn có thể chọn cách dạo quanh một vòng phố cổ và sẽ thấy rằng, hiện tượng này xảy ra khá nhiều.

Ám ảnh giá cả ăn uống leo thang với lí do Tết mà, dù Tết đã qua từ bao giờ! - Ảnh 5.

Menu ngày thường của quán bún ốc trên phố Hòe Nhai. Từ 30 đến khoảng mùng 10, họ vẫn chỉ bán loại bún cua bò giò đậu với giá 50.000 đồng/ 1 bát.

Chẳng hạn sáng mùng 9 tháng giêng âm lịch, sau nghỉ Tết khoảng 4 ngày nhưng khi đi ăn bún ốc trên phố Hòe Nhai, nhiều người không khỏi giật mình khi thấy quán vẫn giữ nguyên "menu Tết" với độc một món bún ốc cua bò giò đậu, giá 60.000 đồng/ 1 bát.

Đến chiều mùng 10, ở "phố nộm bò khô" Hồ Hoàn Kiếm, các chủ hàng như cùng rủ nhau nhích giá, tăng mỗi món thêm 5.000 đồng với lý do "đã hết Tết đâu mà".

Bức xúc hơn là chuyện sau Tết, có hàng quán tăng giá nhẹ rồi lại về mốc cũ nhưng cũng không ít hàng dựa vào đó, nâng giá dần dần.

Chẳng hạn một bát bún ngan trước đây chỉ bán 30.000 đồng, tết tăng lên 40.000 đồng và sau đó, khi hạ xuống vẫn ở mức 35.000 đồng.

Chuyện tăng giá trước trong hay sau Tết đều là vấn đề không mới, nhưng hình như mỗi lần nhắc đến, nó luôn khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy bức xúc.

Không chỉ có anh Tuấn, rất nhiều người khác cũng bị ám ảnh khi Tết ra, chi tiêu cho việc ăn uống, mua sắm đều tăng vọt.

"Khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền, miễn là minh bạch"

Ai cũng hiểu, Tết đến hàng hóa khan hiếm do nhu cầu mua sắm tăng cao, lương nhân viên ít nhất tăng gấp đôi nên giá cả ắt sẽ leo thang.

Tuy nhiên, câu chuyện đáng nói là nhiều hàng quán tăng giá cao đến mức vô lý, số khác lại lập lờ, không thông báo rõ ngay từ đầu cho khách hàng và điều bức xúc nhất là sau Tết, khi mọi thứ đã bình ổn từ lâu nhưng hàng quán vẫn "dựa hơi" Tết để giữ mức giá chênh lệch.

Chị Như Quỳnh (Hà Nội) vẫn chưa hết bức xúc khi kể lại câu chuyện ngày Tết, gia đình chị gọi đồ ăn tới nhà và phải "rút ví", chi trả mức giá đắt đỏ cùng tiền phí ship tăng gấp 5 lần so với bình thường.

Đáng lẽ chỉ mất 30.000 đồng, chị Quỳnh phải trả 150.000 đồng. Số tiền này tuy không phải quá lớn nhưng đó là một khoản thu vô lý khi nó vượt quá xa giá trị thật ban đầu.

Ám ảnh giá cả ăn uống leo thang với lí do Tết mà, dù Tết đã qua từ bao giờ! - Ảnh 6.

Đối với nhiều người, họ sẵn sàng chấp nhận chuyện tăng giá ngày Tết nhưng quan trọng là khi kết thúc nghỉ lễ, mọi thứ nên cân bằng trở lại.

Ám ảnh giá cả ăn uống leo thang với lí do Tết mà, dù Tết đã qua từ bao giờ! - Ảnh 7.

Và chuyện tăng giá dù ít hay nhiều cũng nên có thông báo rõ ràng cho khách hàng.

"Trong khi vẫn có những hàng quán không hề tăng giá dịp Tết. Ví dụ quán cafe mình hay ngồi, họ giữ giá bán cũ mà vẫn làm ăn tốt đấy thôi.

Cái chính là ở phía người bán hàng, họ có đặt lợi ích của khách lên hàng đầu hay không", chị Quỳnh nói.

Nhiều người khác cũng cho rằng, điều quan trọng nhất đối với người làm dịch vụ là thái độ trân trọng, ưu tiên lợi ích của khách hàng.

Họ chấp nhận chuyện nghỉ Tết, giá cả có thể "vọt" lên cao một chút nhưng điều đó phải được thông báo rõ ràng ngay từ đầu và khi kết thúc nghỉ lễ, mọi thứ nên trở về mốc ban đầu.

Ám ảnh giá cả ăn uống leo thang với lí do Tết mà, dù Tết đã qua từ bao giờ! - Ảnh 8.

Hơn hết, điều khách hàng mong chờ, đó là được đứng ở vị thế chủ động chứ không phải chuyện dùng xong dịch vụ, miễn cưỡng dốc ví thanh toán cho khoản phí đắt đỏ mà họ không hề sẵn sàng.

"Hôm mùng 10 mình đi ăn nộm bò khô trên phố cổ và chẳng hàng nào ghi rõ menu tăng giá.

Có lẽ họ nghĩ tăng 5.000 đồng/ 1 món là quá nhẹ nhưng thử hỏi nếu một nhóm bạn bè đi đông, gọi nhiều món thì số tiền phải trả nhiều hơn bình thường đâu phải là ít", chị Vân Anh chia sẻ.

Cùng chung quan điểm này, trong đoạn chia sẻ của mình trên trang cá nhân, anh Tuấn cũng quan điểm: "Với tư duy bán hàng và làm dịch vụ không đặt lợi ích khách hàng lên trên lợi ích cá nhân thì đến bao giờ dân ta mới khá được đây?

Đến bao giờ mới thôi đổ tại "Tết mà"? Đến bao giờ mới thôi dựa dẫm vào vận, vào thần thánh để nỗ lực tự thân đây?

Khách hàng sẵn sàng chờ đợi, sẵn sàng trả thêm tiền, sẵn sàng bỏ qua sự khó chịu, miễn là minh bạch và để họ được ở thế chủ động".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại