"Ai mất giấy phép lái xe phải thi lại": Rất không ổn với người bị mất bằng!

N.Huyền |

"Mất bằng lái xe không phải là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông. Phương án thi lại bằng lái xe chỉ vì sợ có người lợi dụng có thêm bằng thứ 2,3 là không thỏa đáng cho người thật sự đánh mất. Tôi thấy đề xuất đó không hợp lý", LS Nguyễn Doãn Hùng nói.

Ngày 6/3, tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông và giải pháp trong thời gian tới do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu Quốc hội và lãnh đạo ngành giao thông, cùng nhiều chuyên gia đề nghị có chế tài thật nặng đối với lái xe vi phạm.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể còn đề ra hàng loạt giải pháp cứng rắn để ngăn chặn việc "lách" luật.

Trong đó Bộ trưởng đề xuất "tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3". Ngay lập tức, đề xuất này vấp phải phản ứng từ cộng đồng mạng xã hội.

Vậy đề xuất này có dựa trên căn cứ pháp luật không? Phóng viên Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội để làm rõ hơn về đề xuất này.

Điều đầu tiên, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho rằng, mất bằng lái xe không phải là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông.

"Phương án thi lại bằng lái xe chỉ vì sợ có người lợi dụng có thêm bằng thứ 2,3 là không thỏa đáng cho người thật sự đánh mất. Tôi thấy đề xuất đó không hợp lý. Mất mát là không thể tránh khỏi.

Việc để mất bằng lái xe có thể do nguyên nhân khách quan và không liên quan gì với kỹ năng lái hay kiến thức an toàn giao thông.

Ví dụ như mất bằng lái vì bị trộm cắp ví, mất hết giấy tờ hay do người dân không may bị mất giấy tờ,…công sức người dân bỏ ra để đi làm lại bằng lái xe đã tốn thời gian và công sức của họ.

Để tránh lợi dụng việc mất giấy tờ để có nhiều bằng thì có thể xem xét nên sản xuất bằng có quét mã vạch. Khi cấp bằng mới thì hủy mã bằng cũ trên hệ thống.

Chứ cứ mất phải thi lại thì thật không ổn, người dân không may bị mất giấy tờ, công sức đi làm lại cũng đã khổ rồi, lại còn đi thi lại nữa thì rất tốn thời gian và tiền bạc.

Trên thực tế, quy trình tổ chức của một số cơ sở đào tạo đã cắt xén chương trình dạy học, số giờ học lý thuyết và thực hành, thay vì dạy bài bản thì dạy "mẹo" với mục tiêu thi đỗ chứ không phải để vận hành xe an toàn sau này.

Trong quá trình thi lấy giấy phép lái xe, việc tổ chức thi cử rất lỏng lẻo, một phần tai nạn giao thông xảy ra hiện nay có lẽ cũng do việc thi và cấp bằng giấy phép lái xe quá dễ dàng về cả phần thực hành lẫn lý thuyết (chưa kể vấn đề tiêu cực cam kết bao thi đậu) nên khi xảy ra các sự cố khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện không phản ứng kịp và đúng trước sự cố bất ngờ xảy ra, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Cần tăng độ khó và tính minh bạch của việc thi giấy phép lái xe nhằm góp phần hạn chế tai nạn giao thông và tình trạng ùn tắc giao thông tại nhiều tuyến đường trên thành phố", luật sư Hùng bày tỏ.

Luật sư Doãn Hùng đề xuất "nên siết chặt quy trình thi giấy phép lái xe và phối hợp với cơ quan công an để quản lý bằng lái thay vì yêu cầu thi lại khi mất bằng".

Theo đó, thay vì ra yêu cầu thi lại khi mất bằng nên có hệ thống công nghệ thông tin tra cứu online cho cảnh sát giao thông quản lý nhằm tìm cách kiểm soát thông tin nhanh chóng, chính xác và phát hiện bằng nào là cấp mới, bằng nào là cũ.

Như vậy sẽ tốt hơn nhiều so với phương án thi lại khi mất bằng lái xe.

Luật sư Doãn Hùng cũng kiến nghị “cần phối hợp chặt chẽ với công an, chuyển các dữ liệu giám sát hành trình, giám sát quốc lộ, các khu vực trọng điểm và kết hợp với dữ liệu vi phạm ở các ngã ba, ngã tư, đậu đỗ trái quy định, vượt đèn đỏ trong đô thị, qua đó sẽ giảm thiểu số người phóng nhanh vượt ẩu hơn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại