Ai là phi công lái máy bay "xuyên qua gầm cầu" trong bức ảnh nổi tiếng?

Mạnh Kiên |

Bức ảnh chiếc máy bay xuyên qua gầm cầu rồi bay vút lên trời chỉ là một bức ảnh giả mạo, nhưng sự thật có một phi công Liên Xô đã làm được điều tương tự và gây sốc cho toàn bộ người chứng kiến.

Vào một ngày hè nóng nực ngày 4/6/1965, bãi biển ở thị trấn Novosibirsk và bờ kè tiếp giáp với sông Ob chật kín người, nhiều người nghe thấy âm thanh ồn ào ngày càng lớn.

Đột nhiên, một máy bay quân sự xuất hiện trên bầu trời, sà xuống mặt nước và hướng về phía cây cầu Tháng Mười nằm bên kia sông Ob. Phi công dường như muốn bay qua gầm cầu. Một thử thách đầy táo bạo và nguy hiểm. Những người chứng kiến vô cùng sững sờ khi họ nhận ra một vụ va chạm thảm khốc dường như sắp xảy đến.

Kẻ liều lĩnh

Khi Valentin Piancesov mới 6 tuổi, Đức Quốc xã đang xâm chiếm Liên Xô. Cậu bé sống gần Moscow đã chứng kiến ​​cảnh quân địch diễu hành qua vùng đất của mình. Đó là lần đầu tiên cậu nhìn thấy một chiếc máy bay quân sự hoạt động như thế nào.

"Một ngày nọ, hai chiếc máy bay Polikarpov I-16 bay qua đầu tôi, gần như chạm vào nóc nhà bên dưới. Trước đó, tôi thậm chí còn chưa bao giờ nhìn thấy một chuyến tàu. Đó là khởi đầu cho giấc mơ của tôi", Piancesov kể lại sau nhiều năm anh được biết đến là kẻ liều lĩnh khét tiếng của không quân Liên Xô.

Piancesov đã theo đuổi giấc mơ thời thơ ấu và đến năm 20 tuổi, anh trở thành một trung úy trong ngành hàng không phục vụ ở vùng Baltic, nơi anh đã quen với các nhiệm vụ bay trên mặt nước - một kỹ năng mà một số phi công khác có thể cảm thấy khó khăn.

Vài năm sau, Piancesov được chuyển đến Siberia và hoạt động ở sân bay Novosibirsk. Anh và các đồng nghiệp thường dành thời gian rảnh rỗi để thư giãn trên bãi biển của thị trấn, nơi những người dân không ít lần chứng kiến các pha bay mạo hiểm.

"Ý tưởng bay dưới gầm cầu đã đến với tôi từ lâu. Nhưng tôi biết rằng nếu làm điều đó, tôi sẽ bị đình chỉ bay", Piancesov nói.

Món quà của định mệnh

Vào ngày 4/6/1965, Piancesov và ba phi công khác thực hiện một nhiệm vụ huấn luyện. Chiếc MiG-17 của Piancesov rời khỏi sân bay, lao lên những đám mây.

"Khi tôi nhận được lệnh hạ xuống, tôi đã xuyên qua những đám mây và bất ngờ nhìn thấy cây cầu này. Điều gì đến cũng đã đến. Tôi không còn là mình khi ấy. Trông như thể định mệnh đã trao cơ hội cho tôi", Piancesov kể lại.

Ai là phi công lái máy bay xuyên qua gầm cầu trong bức ảnh nổi tiếng? - Ảnh 1.

Cây cầu Tháng Mười.

Kinh nghiệm của Piancesov giúp anh tự tin có thể ước tính chính xác khoảng cách an toàn từ bề mặt của dòng sông, vì vậy phi công đã bay hết tốc lực. Bay cao hơn mặt nước 1m, Piancesov đạt tốc độ 700 km/giờ. Gầm cầu mà Piancesov chọn làm "cổng" để bay xuyên qua có chiều cao 30m và rộng 120m.

"Điều thú vị nhất là khi bạn đến gần cây cầu, lẽ ra càng đến gần thì sẽ thấy không gian càng rộng hơn. Nhưng đối với tôi thì ngược lại, gầm cầu càng thu hẹp hơn nữa. Nhưng tôi đã rất bình tĩnh. Nga y khi cảm thấy cây cầu đã ở phía sau mình, tôi kéo bộ điều khiển và phóng lên mây", Piancesov nói.

Trừng phạt

Piancesov phấn khích đến nỗi anh gần như không chú ý đến những người chứng kiến đang cảm thấy sốc bên dưới và vô tư khi nghĩ rằng cuộc tẩu thoát của mình sẽ không gây sự chú ý.

Ngay sau đó, cả bốn phi công tham gia chuyến bay huấn luyện đã bị bắt giữ và một ủy ban được thành lập để điều tra vụ việc. Thủ phạm ngay lập tức bị vạch trần.

Piancesov được hộ tống đến gặp Eugene Savitsky, một cựu phi công chiến đấu, lúc đó đang là nguyên soái không quân Liên Xô. Savitsky đang kiểm tra một nhà máy sản xuất máy bay trong thành phố nơi xảy ra vụ việc.

Tuy nhiên, nguyên soái đã bí mật nói với Piancesov rằng anh không nên lo lắng bởi chỉ huy cấp cao đã quyết định giải quyết vụ việc một cách tích cực.

Một tuần sau, đơn vị quân đội của Piancesov nhận được lệnh từ Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Rodion Malinovsky với nội dung: "Không cần phải trừng phạt Piancesov thêm nữa. Các biện pháp kỷ luật được thực hiện tại nhà máy là đủ. Nếu chưa được nghỉ, hãy cho anh ta nghỉ phép trong 10 ngày. Nếu anh ấy đã nghỉ rồi thì hãy cho anh ấy nghỉ 10 ngày trong đơn vị".

Piancesov sớm tiếp tục trở lại nhiệm vụ và chỉ có thể đoán được lòng can đảm và sự táo bạo của mình đã làm hài lòng Thống chế Liên Xô anh hùng Malinovsky, người mà dường như cũng không lạ gì với những thử thách rủi ro.

Về sau này, bức ảnh máy bay xuyên qua gầm cầu phóng lên trời nổi tiếng đã lan truyền trên mạng nhiều năm sau đó, nhưng nó được coi là giả mạo, bởi tỷ lệ giữa máy bay so với tỷ lệ của cây cầu là không hợp lý, cùng với góc nghiêng của máy bay khi vút lên không trung không đúng với thực tế.

Bức ảnh giả được tạo ra bởi nhà thiết kế Eugene Sotsihovsky dành cho bảo tàng Novosibirsk. "Tỷ lệ của nó đã bị bóp méo một cách có chủ ý để không ai có thể tưởng tượng điều đó có thật", nhà sử học địa phương và nhân viên của bảo tàng - Konstantin Golodyaev – cho biết.

Một quan điểm khác thì cho rằng bức ảnh được làm ra theo yêu cầu của một tờ báo địa phương nhằm minh họa cho bài viết nói về màn trình diễn điên rồ của Piancesov.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại