Afghanistan, Syria, những câu chuyện của chiến tranh và bóng đá

Hoài Đan |

Những gì mà đội tuyển Afghanistan mang đến Việt Nam không chỉ là trận đấu mang tính quyết định cho tấm vé dự Asian Cup 2019. Đó còn là câu chuyện về khát vọng, tình yêu và sự hồi sinh trong chiến tranh của bóng đá.

Nhìn từ nước mắt Syria

Chiến tranh đã biến Syria thành những đống đổ nát. Khi tất cả bị tàn phá, điều có lẽ người ta nghĩ đến trước tiên là sự sống và cái chết chứ không phải thứ gì khác. Trong đó, những cầu thủ bóng đá cũng không nằm ngoài những nạn nhân chiến tranh.

Một cầu thủ U16 của Syria từng mất mạng vì bom đạn khi đang trong quá trình chuẩn bị cho VCK U16 Châu Á tại miền Nam Syria năm 2014. Năm 2016, cũng có 4 cầu thủ bóng đá nổi tiếng Syria bị giết.

Chiến tranh khiến cho những cầu thủ Syria phải tha phương để tìm kiếm cơ hội và nuôi dưỡng sự nghiệp. Còn nhớ, đội hình 23 cầu thủ mà Syria mang sang Việt Nam thi đấu giao hữu quốc tế năm ngoái chỉ có 4 cầu thủ đang thi đấu ở giải quốc nội. Syria cho đến hiện tại thậm chí không có một học viện bóng đá thực sự nào.

Tuy nhiên, bóng đá Syria vẫn duy trì 3 cấp giải đấu bao gồm giải VĐQG gồm 20 CLB, giải hạng nhất và một giải bán chuyên nghiệp với con số khoảng 30 đội. Đó là sự sống của bóng đá trên đống đổ nát mà chiến tranh đã và đang để lại. Đó là bóng đá nam. Còn bóng đá nữ thì chỉ thực sự tìm lại sự sống khi được tham dự giải quốc tế. Nhưng dù sao họ cũng bắt đầu được hồi sinh.

Trong lúc các cô gái Syria đang tham dự vòng loại Giải bóng đá nữ vô địch Châu Á 2018 tại Việt Nam hồi tháng 4.2017 thì đất nước họ vừa phải chịu một đợt dội bom mới. Điều này đồng nghĩa với sự đổ nát và chết chóc tiếp tục hiện hình ở đất nước này.

Sau 11 năm, đội tuyển bóng đá nữ quốc gia ở đất nước này mới được thành lập trở lại. Họ chỉ có 1 tháng để tập trung và tập luyện. Hầu hết đều là cầu thủ chuyên nghiệp. Thế nhưng do chiến tranh, 6 năm qua các giải quốc gia không được tổ chức và các câu lạc bộ cũng không được thi đấu. Vì vậy mà các nữ cầu thủ Syria phải làm đủ mọi nghề khác nhau để kiếm sống. Họ là sinh viên, giáo viên, bán hàng… Và những cô gái ấy thậm chí còn được nhận xét là không biết đá bóng.

Thế rồi, bóng đá Syria cứ thế vươn mình bằng khát vọng và tình yêu. Hồi tháng 9.2017, sau khi chứng kiến đội Syria quả cảm cầm hòa Iran 2-2, qua đó giành vé đấu trận play-off với Australia để tiếp tục tranh suất tới dự World Cup 2018, cây bút Lindsey Kennedy của Guardian (Anh) đã bình luận: “Trong làn đạn của cuộc nội chiến, người Syria có thể ngã xuống, nhưng tinh thần các thành viên trong đội tuyển quốc gia Syria vẫn đứng vững vàng”.

Với sức hút của đội tuyển Syria, Lindsey Kennedy đã đi theo đội với mong muốn chứng kiến những phút giây kỳ diệu của đội bóng này ở vòng loại World Cup 2018. Phóng viên thể thao của tờ Guardian cảm nhận: “Khi Syria đánh bại Campuchia 6-0 tại vòng loại World Cup 2018, hễ mỗi bàn thắng xuất hiện, sân Al-Seeb ở Oman im lặng đến đáng sợ. Cảm tưởng đội tuyển Syria thi đấu ở chốn không người, dù cũng có khoảng 100 cổ động viên trên khán đài”.

Thế nhưng, giấc mơ World Cup của người Syria bị dập tắt sau khi thua Australia ở trận cầu xác định đại diện Châu Á đi dự trận play-off liên lục địa. Ở quê nhà, người Syria bật khóc cay đắng khi đội tuyển không thể vượt qua cửa ải Australia. Bóng đá là liều doping tinh thần của người Syria giữa cuộc nội chiến. Nhưng niềm vui tạm bợ đã chấm dứt. Dù sao thì tất cả những gì đọng lại vẫn là những khát vọng một sự hồi sinh mạnh mẽ của bóng đá Syria trong bom đạn, chiến tranh.

Đến khát vọng của người Afghanistan…

Giống như Syria, những chàng trai thuộc ĐTQG Afghanistan cũng có nhiều điểm tương đồng. Phía sau trận đấu quyết định cho tấm vé dự Asian Cup 2019 với tuyển Việt Nam tại Mỹ Đình tối 14.11 là cả câu chuyện về nước mắt và nỗi đau.

Chính đội trưởng của Afghanistan là Faysal Shayesteh đã chia sẻ những hoàn cảnh éo le của anh và các đồng đội trong cuộc họp báo trước trận đấu. Đó là: “Phần lớn đối với các cầu thủ ở đội tuyển Afghanistan, họ chưa bao giờ đặt chân đến Afghanistan. Tình hình bất ổn an ninh tại quốc gia khiến rất nhiều người đã di chuyển sang các nước Châu Âu như Hà Lan, Đức. Họ sinh con, đẻ cái ở đó. Chúng tôi, những cầu thủ mang trong mình hai quốc tịch là thế hệ tiếp theo của bóng đá Afghanistan. Nhưng thực sự, nhiều người trong số chúng tôi chưa bao giờ trở về hoặc thậm chí là không hề biết Afghanistan như thế nào nữa”.

Thực tế, lực lượng chính trong đội hình Afghanistan sang Việt Nam chuẩn bị cho lượt đấu thứ 5 - bảng C vòng loại Asian Cup 2019 là những cầu thủ chơi bóng tại Châu Âu, trong màu áo các CLB hạng 3 từ Đức, Hà Lan cho đến Thụy Điển. Tiếng Anh, tiếng Đức là ngôn ngữ chính của họ.

Giống Syria, tại Afghanistan, những cuộc nội chiến, bạo lực leo thang biến tình hình an ninh vốn dĩ đã phức tạp lại càng thêm bất ổn ở đất nước này. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực khiến hàng vạn người phải bỏ quê hương để lánh nạn, tới những quốc gia láng giềng như Iran rồi Pakistan, hay những nước Châu Âu như Hà Lan và Đức.

Tuy vậy, thì ở nơi đây, bóng đá vẫn mang đầy khát vọng hồi sinh mãnh liệt. HLV trưởng của Afghanistan, ông Otto Pfister chính là nhân vật biểu tượng cho tình yêu của bóng đá nơi đây. Vị HLV người Đức này từng có 56 năm làm nghề với 20 câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia trên thế giới.

Dù đã 79 tuổi nhưng ông vẫn còn nguyên hoài bão cho những giấc mơ bóng đá cùng đất nước đang trải qua bom đạn này. Chính ông cũng đã nói rằng, bóng đá giống như tình yêu vậy, không thể có lời lý giải vì sao ông chọn Afghanistan để làm việc khi đất nước này đang trải qua chiến tranh. Ông nói:

“Bóng đá là cuộc đời tôi. Trong bóng đá chỉ có đam mê, chỉ có tình yêu chứ không có giới hạn tuổi tác. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến thua cuộc. Còn tương lai ư, hãy cứ để sau đấy rồi tính”.

Và trên tất cả, ông tin rằng, bóng đá Afghanistan sẽ hồi sinh: “Vấn đề bất ổn an ninh, hầu như không thể thi đấu trên sân nhà, vắng bóng khán giả cổ vũ khiến mọi thứ thật sự khó khăn. Nhưng tôi tin rằng, những cầu thủ lúc này của Afghanistan có tố chất. Họ sẽ thay đổi qua từng ngày một”.

Trong chiến tranh, bóng đá vẫn sống giống dòng chữ “SYRIA” trên lưng áo những cầu thủ nam, nữ đất nước này từng đến Hà Nội. Hay đó là một Afghanistan với ông thầy Otto Pfister đã xấp xỉ tuổi 80. Tất cả những câu chuyện đó chính là khát vọng, tình yêu và đam mê mà bóng đá mang lại. Còn với bóng đá Việt Nam, khi chúng ta thi đấu với những tinh thần như vậy, liệu rằng các cầu thủ sẽ nghĩ đến điều gì?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại