9 tiếng điều trần của ngoại trưởng Mỹ tương lai

Hồng Cẩm |

Ngoại trưởng Mỹ tương lai Rex Tillerson ủng hộ duy trì các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga hiện tại, ủng hộ đồng minh NATO đối phó Nga.

Ông Rex Tillerson, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử vào vị trí ngoại trưởng, vừa thể hiện quan điểm bất đồng của mình với ông Trump về các chính sách đối ngoại chủ chốt. Trong đó có chính sách với Nga, giải trừ hạt nhân, thỏa thuận thương mại, nhập cư, quan hệ với Mexico, biến đổi khí hậu, theo Reuters.

Trong cuộc điều trần xác nhận đề cử Ngoại trưởng kéo dài 9 tiếng đồng hồ tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện ngày 11-1, ông Tillerson cho biết ông ủng hộ duy trì các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga hiện tại. Cũng theo ông, việc các đồng minh NATO cảm thấy bất an với thái độ gây hấn ngày càng tăng của Nga là hoàn toàn dễ hiểu.

Vấn đề về Nga chiếm phần lớn thời lượng cuộc điều trần khi các nghị sĩ cả Dân chủ và Cộng hòa tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện đều bày tỏ lo ngại về việc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ và việc Nga sáp nhập Crimes năm 2014, cũng như can thiệp vào cuộc nội chiến Syria.

Khi ông Tillerson mới được đề cử từng xuất hiện lo ngại rằng ông này sẽ thiên vị Nga vì ông vốn có quan hệ tốt với Nga. Ông Tillerson từng bị xem là con bài của ông Trump trong chủ trương cải thiện quan hệ với Mỹ.

Ông Tillerson nói sẽ không chấp nhận việc một số đồng minh của Mỹ sở hữu vũ khí hạt nhân. “Tôi không đồng ý” - ông Tillerson trả lời khi được hỏi về việc ông Trump từng nói sẽ không phản đối các đồng minh Mỹ trong đó có Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân.

Về thương mại, dù thừa nhận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể không phục vụ tất cả quyền lợi của Mỹ nhưng ông Tillerson nói ông không phản đối hiệp định này. TPP vốn bị ông Trump chỉ trích làm Mỹ mất việc làm và đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi hiệp định này.

Về an ninh, ông Tillerson cho rằng không cần thiết phải cấm người Hồi giáo vào Mỹ, rằng mình không ủng hộ nhắm đến và chống đối một nhóm người đặc biệt nào. Quan điểm này trái với chủ trương mà ông Trump thường xuyên nhắc đến: Cấm người Hồi giáo vào Mỹ.

9 tiếng điều trần của ngoại trưởng Mỹ tương lai  - Ảnh 1.

Ông Rex Tillerson (trái) bắt tay nghị sĩ Tim Kaine - thành viên Ủy ban Quan hệ Đối ngoại Thượng viện trước khi bắt đầu cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ ngày 11-1. Ảnh: AP

Tuy nhiên, theo ông Tillerson, việc ông có bất đồng quan điểm với ông Trump cũng không có gì quan trọng. Khi chính thức làm việc cùng nhau, mọi người trong nội các sẽ cùng tranh luận, “và tổng thống sẽ là người quyết định”.

Ông Tillerson cũng để mở khả năng thay đổi một số chính sách của chính phủ Tổng thống Barack Obama, trong đó có thương mại với Cuba và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Bên cạnh các vấn đề trên, ông Tiilerson cũng được hỏi quan điểm về mối đe dọa IS, thái độ của Trung Quốc ở biển Đông, nhân quyền. Dĩ nhiên việc ông Tillerson làm sao để tránh xung đột lợi ích khi ngồi vào ghế Ngoại trưởng cũng được chất vấn. Ông Tillerson vốn là chủ tịch và tổng giám đốc tập đoàn năng lượng Exxon Mobil.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại