9 Phim châu Á xuất sắc nhất thế kỷ 21

ĐỨC TRẦN tổng hợp |

Trang Playlist vừa chọn ra 50 phim nói tiếng nước ngoài (không phải tiếng Anh) hay nhất tính từ năm 2000. Trong khuôn khổ bài viết, TTO giới thiệu lại những đại diện đến từ châu Á.

Hạng 42 - Crouching Tiger, Hidden Dragon (2000)

Vẫn là phim nói tiếng nước ngoài có doanh thu kỷ lục tại Mỹ (213,5 triệu USD), tác phẩm võ hiệp kỳ tình của đạo diễn Lý An càn quét hầu hết các giải thưởng điện ảnh từ Tây (4 giải Oscar, 4 giải BAFTA) đến Á (8 giải Kim Tượng, 6 giải Kim Mã).

Điều đáng nói là lúc tham gia LHP Cannes, phim chỉ xếp ở hạng mục chiếu giới thiệu.

Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh và đặc biệt là Chương Tử Di - một gương mặt mới được Lý An mời thay thế Thư Kỳ - nổi tiếng như cồn.

Ngoài những màn đấu kiếm trên nhành trúc, đấu đao trong võ đường… Crouching Tiger, Hidden Dragon (Ngọa Hổ Tàng Long) khiến khán giả quốc tế choáng ngợp trước cảnh quay hoành tráng, đan xen với cốt cách của tinh thần nghĩa khí.

Hạng 36 - Millennium Mambo (2001)

Khó để khán giả đại chúng nhắc đến Hầu Hiếu Hiền - một trong những nhà làm phim châu Á bậc thầy, vì phim của ông quá chậm và quá giản lược.

Tuy nhiên, Millennium Mambo lại có vẻ gần gũi nhờ trào lưu sống vội trong thế giới hiện đại.

Chuyện phim khá đơn giản: cô nàng Vicky làm “host” trong quán bar quyết định làm lại cuộc đời sau cuộc tình toàn nhạc vũ trường, thuốc lá và cần sa.

Lần đầu tiên LHP Cannes phá lệ (duy nhất) khi Millennium Mambo chiếu mở màn mà vẫn tham gia đoạt giải Kỹ thuật âm nhạc hay nhất cho Lim Giong.

Trở về Đại lục, ở tuổi 25, nữ chính Thư Kỳ được báo chí châu Á tung hô là ngôi sao điện ảnh mới. Còn ẩn ức thời gian trong phim mãi mãi trở thành cú twist (gây bất ngờ) không lời đáp.

Hạng 28 - Syndromes And A Century (2006)

Sẽ thiếu sót nếu bỏ qua Apichatpong Weerasethakul - một tác gia tài năng của xứ chùa vàng.

Bắt đầu sự nghiệp năm 2000 với thể loại tài liệu, đến nay, Weerasethakul có trong tay một Cành cọ vàng và vô số giải thưởng khác.

Tuy vậy, Syndromes And A Century - bộ phim chuẩn mực của anh, là tác phẩm nhận được nhiều bình chọn nhiều nhất.

Đặt bối cảnh trong bệnh viện với những số phận đặc biệt phi thường, Weerasethakul tri ân bố mẹ mình (hai bác sĩ đã về hưu) bằng hình ảnh ẩn dụ, đầy chất thơ và cả tính siêu nhiên khiến giới mộ điệu “chết lặng”.

Hạng 25 - Oldboy (2003)

Lọt top nhiều cuộc bình chọn của cánh phóng viên từ khi ra đời, đạo diễn Hàn quốc Park Chan-wook gây ấn tượng khó phai nhờ cách kể chuyện giật gân, trần trụi nhưng đậm tính điện ảnh.

Lấy ý tứ từ truyện tranh manga, Oldboy là cuộc báo thù dai dẳng, cay đắng giữa hai người đàn ông và hai người phụ nữ cùng huyết thống.

Đạo diễn Quentin Tarantino ngưỡng mộ bộ Oldboy vì theo ông hiếm có phim châu Á nào bạo lực đẫm máu mà vẫn tuyệt đẹp như thế này.

Năm 2008, kênh truyền hình CNN bỏ phiếu bầu Oldboy là một trong 10 phim châu Á hay nhất.

Hạng 22 - What Time Is It There? (2001)

Cô đơn, mất mát, những khoảng trống không gì bù đắp trong những phim của Thái Minh Lượng, giúp ông mang ngôn ngữ riêng không lẫn vào đâu.

Đi lên từ thế hệ mới cùng với Dương Đức Xương, Hầu Hiếu Hiền… Thái Minh Lượng chọn lối hài châm biếm (black comedy), đặc biệt không thoại, kết hợp nhuần nhuyễn với chất liệu âm nhạc kinh điển...

What Time Is It There? được quay tại Paris với sự góp mặt của ngôi sao gạo cội Jean-Pierre Léaud. Ngoài ra, các tài tử “người nhà” như Lý Tiểu Khang, Trần Tương Kỳ… cũng xuất hiện.

Hạng 14 - Poetry (2010)

Từ Oasis đến Secret Sunshine, đạo diễn gốc Hàn Lee Chang-dong tiếp tục mang đến người hâm mộ cái nhìn truyền thống mẫn cảm và tinh tế về cố hương, thông qua bi kịch và nỗi đau mà các nhân vật hứng chịu.

Như Poetry, Yang Mi-ja - người đàn bà 66 tuổi chợt nhận ra mình đang dần mất trí nhớ, vẫn đắm chìm trong tình yêu thơ cho đến lúc cuối đời, mọi biến cố ập xuống đầu bà…

Phim nhận được giải Kịch bản hay nhất Cannes 2010, giải Ảnh hậu tại Hiệp hội phê bình phim Los Angeles và giải Đạo diễn xuất sắc tại Asian Film lần thứ 5.

Hạng 11 - Yi Yi: A One And A Two (2000)

Qua đời vì bệnh ung thư năm 2007, đạo diễn Dương Đức Xương để lại cho điện ảnh xứ Đài nhiều tuyệt phẩm danh giá, trong số đó phải kể đến Yi Yi giúp ông đoạt giải Đạo diễn tại Cannes.

Dài đến ba giờ, thoạt nhìn, Yi Yi có vẻ giống một phim truyền hình ngắn tập theo kiểu Mỹ, nhưng càng xem, càng nhận ra sự mực thước và tư duy điện ảnh lỗi lạc.

Mở đầu bằng một đám cưới và kết thúc bằng một lễ tang, phim là những hỉ nộ ái ố rất đỗi đời thường: một NJ gặp rắc rối trong công việc, cậu bé Yang Yang hay quậy ở trường, còn cô gái mới lớn Ting Ting đang vướng vào cuộc tình tay ba ngang trái.

Thế hệ lớn tuổi trong gia đình thì một người đang hôn mê, một người già yếu… Tất cả những cung bậc cảm xúc đều khiến người xem thổn thức khi phim kết thúc.

Hạng 5 - In The Mood For Love (2000)

Nhiều nhà phê bình gọi đây là phim đẹp nhất (theo nhiều nghĩa) từng được sản xuất, và có lẽ không cần nói nhiều về cách chơi màu, bố cục, âm nhạc nhạc, và cả tiết tấu của Vương Gia Vệ.

Dĩ nhiên nếu không phải diễn viên Trương Mạn Ngọc, Lương Triều Vỹ, quay phim Christopher Doyle thì khó có những cảnh mise-en-scène (dàn dựng) tuyệt đỉnh làm động lòng người xem.

Câu chuyện ngoại tình giữa chàng Châu Mộ Văn với quý cô Tô Lệ Trân có rất ít tình tiết nhưng lại nhiều chi tiết, nên nếu chẳng may rơi vào tay một đạo diễn kém, khán giả sẽ thấy bộ phim bình thường.

Song Vương Gia Vệ đã chọn đúng bối cảnh thập niên 60 của Hồng Kông - giai đoạn đẹp nhất, hay Angkor Watt - nơi trở thành “đền thờ” tình yêu của những kẻ lãng mạn… nhằm tạo ra một In The Mood For Love (Tâm trạng khi yêu) đẹp rực rỡ và xa cách thế giới thực tại.

Hạng 3 - Memories Of Murder (2003)

Khá bất ngờ khi cuốn phim trinh thám gắn mác Đại hàn lại nằm trong Top 5 và ở vị trí cao nhất.

Có lẽ các nhà phê bình bị thuyết phục bởi The HostSnowpiercer - hai bom tấn nâng tầm đạo diễn Bong Joon-ho ra đời sau đó?

Không bàn đến phần dựng phim, nhìn vào Memories Of Murder, các nhà làm phim Hollywood có thể học hỏi nhiều thứ - một phiên bản Zodiac của châu Á.

Nhưng khác với những tác phẩm điều tra tội phạm khác, Memories Of Murder mang hơi hướm kinh dị dù không máu me hay hình ảnh bạo lực, đặc biệt là cảnh kết gây tranh cãi và khiến phim “sống lâu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại