4 phương án ra khơi sau sự cố Formosa

VĂN DINH |

Bộ Nông nghiệp - PTNT đã đưa ra bốn phương án để lấy ý kiến của đại diện bốn tỉnh miền Trung nhưng vẫn chưa phương án nào được gút.

Sáng nay 27-8 tại Huế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị "Báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường biển miền Trung và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản".

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết hội nghị này nhằm lấy ý kiến của các địa phương về phương án sản xuất ngành thủy sản sau khi Bộ Tài nguyên và môi trường công bố kết quả hiện trạng môi trường biển sau sự cố môi trường tại vùng biển miền Trung.

Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, phương án mà Bộ NN&PTNT đưa ra là khôi phục hoạt động này trở lại bình thường trên vùng biển tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Đối với nghề muối, phương án đưa ra là hướng dẫn diêm dân trở lại sản xuất muối bình thường và lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm muối theo định kỳ 3 tháng/lần.

Đối với hoạt động khai thác hải sản, Bộ NN&PTNT đưa ra bốn phương án để các địa phương cùng bàn thảo và lựa chọn.

- Phương án 1: cấm khai thác hải sản tại vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ, từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến hết hòn Sơn Chà (gần núi Hải Vân Thừa Thiên - Huế) và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ.

- Phương án 2: cho phép ngư dân khai thác bình thường nhưng cấm khái thác ở ba vùng biển mà Bộ TM-MT khuyến cáo.

Các vùng biển gồm: Vùng cách bờ 1,5km thuộc đảo Sơn Dương - Hà Tĩnh với diện tích 300km2; Vùng cửa biển Nhật Lệ - Quảng Bình với diện tích 330km2 và vùng biển quanh đảo Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế với diện tích 160km2.

Tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ.

- Phương án 3: cho phép ngư dân khai thác hải sản bình thường nhưng tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ.

Cấm nghề khai thác cá tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại vùng ven biển bốn tỉnh nói trên, đối với các nghề lưới rê, rê đáy, lăn, lồng bẫy.

- Phương án 4: cho phép ngư dân khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển và tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu vào bờ.

Tuy nhiên, sự lựa chọn của các địa phương với các phương án trên vẫn chưa thống nhất.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của cá địa phương, có thể sẽ xây dựng thêm phương án 5 trên cơ sở kết hợp phương án 2 và 3, để tiếp tục thảo luận chọn phương án tối ưu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại