20.000 người di dân mang vũ khí chuẩn bị “càn quét” Châu Âu?

Anh Tuấn |

Trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị ký vào Hiệp ước Toàn cầu Liên Hợp Quốc về Di dân An toàn, Trật tự và Quy củ, một dòng người di dân đang đổ xô vào Châu Âu. Một số quốc gia như Mỹ và Áo đã quyết định khước từ văn bản này.

Theo báo Kronen Zeitung của Áo, một quan chức giấu tên của Bộ Nội vụ Áo tiết lộ rằng một đoàn người tị nạn khoảng 20.000 người đang chuẩn bị vượt qua biên giới Bosnia – Croatia tại vị trí gần thị trấn Velika-Kladusa ở Bosnia. 

Được biết, những người tị nạn này phần lớn là thanh niên từ các nước Pakistan, Iran, Algeria và Morocco chứ không phải đến từ Syria như những lần trước đây, và gần như không có phụ nữ nào trong đoàn người này.

Điều đáng lo ngại đó là một số nguồn tin mà Bộ Nội vụ Áo nhận được nói rằng rất nhiều trong số những người này có mang theo dao. Nhiều hãng thông tấn đã đưa tin, một sĩ quan cảnh sát biên giới đã bị những người di dân tấn công bằng dao.

Vị quan chức giấu tên nói thêm, vào thời điểm hiện tại dòng người di dân đang có ý định đi về các nước ở phía Bắc Châu Âu, những nơi tạo điều kiện sống thuận lợi cho những người tị nạn.

 “Những người di dân muốn đến Đức hoặc những quốc gia ở Bắc Âu. Áo hiện không phải là lựa chọn tốt nhất cho họ”, người này khẳng định.

Khủng hoảng ở khu vực biên giới Bosnia – Croatia diễn ra trong bối cảnh Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức một hội nghị tại Morocco, tại đây Hiệp ước Toàn Cầu về Di dân An toàn, Trật tự và Quy củ sẽ được ký kết. 

Văn bản này được mô tả là một cơ chế nhằm tối ưu hóa những lợi ích và giảm bớt những nguy cơ của tình trạng di dân. Tuy nhiên, một số quốc gia như Mỹ, Croatia, Hungary, Áo đã phản đối nội dung văn bản này trong khi một vài nước khác vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Vào tháng 10, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã chỉ trích một số điều trong hiệp ước này và bày tỏ quan ngại rằng tình trạng di dân đang đe dọa đến an ninh đất nước. Ông Kurz là người có quan điểm cứng rắn về vấn đề khủng hoảng di dân và gần đây ông đã đề xuất rằng EU nên đưa những người tị nạn được cứu trên biển tới những quốc gia không thuộc EU.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại