1 triệu tỷ đồng cho NSNN nhìn từ ngành phi tài nguyên

Anh Vũ |

Trong bối cảnh giá dầu liên tục xuống thấp, các chuyên gia dự báo về một kỳ thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) khó khăn. Sự nỗ lực của ngành thuế chỉ có thể được tiếp sức nhờ vào các ngành phi tài nguyên.

Thách thức của ngành thuế cuối 2016

Một triệu tỷ đồng là mục tiêu mà Bộ Tài chính được Chính phủ và Quốc hội giao phải đạt được trong kế hoạch Ngân sách Nhà nước năm 2016. Tính đến cuối tháng 9/2016, kế hoạch trên đã đạt được 75%, nhưng con số 25% trong 3 tháng cuối năm được xem là thách thức lớn đối với ngành.

Thực tế, nguyên nhân của sự khó khăn trong việc thu đúng, thu đủ Ngân sách Nhà nước đã xuất hiện từ năm 2015 khi giá dầu bắt đầu dò đáy. Kịch bản ngân sách khi giá dầu còn 30 USD một thùng không xảy ra do giá hiện đã ở mức cao nhất trong vòng một năm, nhưng mức thu từ nguồn tài nguyên này trong năm 2016 vẫn rất eo hẹp.

1 triệu tỷ đồng cho NSNN nhìn từ ngành phi tài nguyên - Ảnh 1.

Sự khó khăn của Ngân sách Nhà nước xuất phát từ việc ngành dầu khí khó khăn và chỉ có thể trông vào nguồn thu các doanh nghiệp lớn.

Theo đó, thu ngân sách từ dầu thô trong 3 quý đầu năm 2016 chỉ bằng 42% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 54,7% dự toán. Tỷ lệ này thậm chí còn giảm so với thời điểm kết thúc quý I/2016, khi đóng góp của ngành dầu vào ngân sách khi ấy bằng 46% cùng kỳ năm 2015.

Trước việc nguồn thu từ tài nguyên khó khăn, ngân sách chỉ có thể trông vào nguồn thu từ thuế, lợi nhuận, quỹ của các công ty, tập đoàn Nhà nước, thu từ xuất nhập khẩu. Tuy vậy, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng chỉ ước đạt 72% dự toán năm khi kết thúc 9 tháng đầu năm.

Như vậy, 3 tháng cuối năm, tổng số thu từ xuất nhập khẩu sẽ phải đạt ít nhất 75.600 tỷ đồng nữa mới đạt được kế hoạch đề ra cho riêng bộ phận này, chưa kể phần hụt thu từ dầu khí.

Tương tự như năm trước, phần hụt này có thể được bù đắp bởi nguồn thu từ các doanh nghiệp Nhà nước, trong đó đứng đầu là các đơn vị trong ngành dịch vụ như viễn thông, ngân hàng và các tập đoàn kinh doanh đầu ngành.

‘Trụ đỡ’ doanh nghiệp, công ty lớn

Thực tế, tài nguyên từ lâu đã được nhiều chuyên gia cảnh báo sẽ không thể trở thành “nguồn lực tăng trưởng mãi mãi”. Xu hướng của thế giới cũng chỉ rõ, ngân sách quốc gia muốn vững bền cần tới các trụ đỡ là doanh nghiệp, công ty lớn. Những trụ đỡ này phải có nguồn nộp thuế, quỹ ổn định, có xu hướng tăng trưởng tốt, đảm bảo số thu đều đặn cho ngân sách trong dài hạn.

Tuy nhiên, ngay cả các doanh nghiêp lớn thì không phải đơn vị nào cũng có thể hoàn thành được kế hoạch ban đầu và có tăng trưởng trong đóng góp với Ngân sách.

Cụ thể, một ngân hàng lớn từng đóng góp chỉ riêng thuế đã là 2.000 tỷ đồng vào Ngân sách nhưng lại có thời điểm từ chối trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông lớn là Bộ Tài chính với con số ước tính gần 2.400 tỷ đồng. Một ngân hàng khác cũng tương tự, khi đến nay vẫn từ chối trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông Nhà nước đang nắm tới 64,5% vốn.

Trong khi đó, điểm sáng nằm tại một số đơn vị khác như Vietcombank, Viettel, Vinamilk…

Riêng Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel trong năm 2014 mới chỉ đóng góp ngân sách khoảng 27.457 tỷ đồng, thì đến năm 2015, con số đã tăng lên 40.882 tỷ đồng. Mức thu của riêng tập đoàn này trong năm 2015 đã cao hơn cả thu địa phương của 13 tỉnh thành đồng bằng Sông Cửu Long (40.680 tỷ đồng).

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự ổn định, bền vững của ngân sách Nhà nước trong những năm tới sẽ phụ thuộc chính vào những “đầu tàu kinh tế” của đất nước ở những lĩnh vực phi tài nguyên với các tên tuổi như Viettel, Vinamilk, Vietcombank… hay những doanh nghiệp thuộc khối tư nhân hoàn toàn như Vingroup, Trường Hải…

Chỉ khi những ngành sản xuất, dịch vụ đóng vai trò chính với ngân sách Nhà nước thì các cột trụ mới vững vàng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại